Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xổ số vui xuân cho học sinh có vui?

Xổ số vui xuân dường như là hoạt động thường niên ở hầu khắp các trường học mỗi dịp Tết đến xuân về.

Trong không khí rộn ràng, náo nức của mấy ngày cuối năm, học sinh lại râm ran bàn tán không dứt về những tấm vé số, những giải thưởng sẽ được mở sau vòng quay số hồi hộp.

Năm nay, các cháu tôi lại háo hức cầm những tờ vé số được in đen trắng về hớn hở khoe ông bà. Niềm vui đang đong đầy trong mắt các cháu. Nhưng xen lẫn trong câu chuyện trao đổi giữa chúng, tôi nhận ra rằng ý nghĩa của xổ số vui xuân chưa thật sự trọn vẹn.

Đầu tiên là tính tích cực của hoạt động xổ số giúp bạn nghèo chưa thật sự nhuần thấm trong tư tưởng các cháu. Thông thường, khoảng bốn mươi phần trăm số tiền thu được từ bán vé số sẽ được trích ra để trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của trường.

Tuy nhiên, học sinh tham gia mua vé, trúng thưởng thường phân bì, so đo, tính toán thiệt hơn khi chê số lượng giải ít ỏi và phần thưởng không đáng giá. Chính vì các em chưa hiểu hết ý nghĩa của việc mua số vừa vui xuân vừa góp phần giúp bạn nghèo có tấm áo mới, có thêm vài cặp bánh chưng ăn tết nên hiểu sai lệch hoạt động thiện nguyện này.

Thứ hai, số học sinh nhận học bổng thường được ấn định mỗi lớp từ một đến hai em và thông qua sự bình bầu của tập thể lớp. Vậy mà không ít trường hợp giáo viên chủ nhiệm "tự quyết" chọn bạn này hoặc bạn kia mà không thông qua tập thể nên không tạo được sức thuyết phục và sự đồng lòng trong học sinh.

Tiếng xầm xì, lời bàn tán trong các cháu râm ran và lắm lúc làm những học sinh trong lớp được cô giáo chọn lên nhận học bổng ấm ức, tủi thân. Niềm vui phút chốc bỗng hóa nỗi buồn thật không đáng có...

Thứ ba, một số trường học muốn nhanh, gọn trong khâu tổ chức nên ấn định số tiền mỗi giải và cứ thế trao thưởng tiền mặt cho các em. Điều này hoàn toàn không nên khi mà học sinh bị nhiễm tư tưởng thắng thua, ăn tiền. Những món tiền thưởng vài chục nghìn đến vài trăm nghìn có thể lớn đối với em này nhưng lại chẳng đáng là bao với em kia.

Học sinh xin tiền bố mẹ mua số nhưng trúng thưởng lại cầm tiền đi tiêu xài cá nhân từng xảy ra. Trong khi đó, một món quà dù lớn như xe đạp, máy quạt hay nhỏ bé như chai dầu gội, gói gia vị vẫn có giá trị hơn rất nhiều khi các em lên nhận thưởng và đưa về nhà trao bố mẹ.

Thứ tư, trường hợp mở số trao thưởng kết thúc nhưng những món quá giá trị nhất vẫn chưa có người nhận là bài học lớn ở trường các cháu tôi năm ngoái. Vé số đã phát cho học sinh từ rất sớm, có em làm mất vé, có em quên vé ở nhà. Học sinh đầu cấp còn nhỏ dại chẳng biết cách dò số, cứ nghe đọc số này số kia rồi tiện tay xé toẹt đi.

Khi trao giải xong, hai cái máy quạt mới tinh và chiếc xe đạp cáu cạnh vẫn nằm chình ình trên bục không có người nhận. Mấy ngày sau vẫn không có tăm hơi học sinh đến nhận giải, chúng bị thanh lý bán rẻ lại cho người khác. Có lẽ vé số trúng thưởng đã bị học sinh xé hoặc lạc mất một cách vô ý. Nhưng thầy cô lại bị "tai tiếng" ít nhiều khi… vé số đã bán, giải thưởng vẫn còn.

Chính vì vậy, để hoạt động xổ số vui xuân trong nhà trường trọn vẹn niềm vui, bản thân tôi kiến nghị một số vấn đề sau:

Một, ý nghĩa tích cực của hoạt động xổ số vui xuân cần được học sinh nhận thức đầy đủ. Các em là người bỏ tiền mua vé, chính các em phải hiểu được rằng phân nửa số tiền các em bỏ ra được "góp gió thành bão" để tặng bạn nghèo, giúp đỡ gia đình bạn đón một cái Tết đủ đầy hơn. Đó chính là cách lan truyền và thực hành bài học "lá lành đùm lá rách" thiết thực và hiệu quả nhất.

Hai, giáo viên chủ nhiệm cần phát huy tinh thần dân chủ trong học sinh khi bình bầu học sinh vượt khó nhận học bổng. Cái nhìn chủ quan của giáo viên đôi khi không sâu sát bằng học sinh bởi các em ở gần bạn, chơi với bạn sẽ tường tận cảnh nhà nào cần giúp đỡ, cảnh nhà nào đang hoạn nạn. Sự đoàn kết của tập thể sẽ được kết dính bền chặt từ chính những lúc các em đưa bàn tay mình lên phát biểu: "Em đề nghị bạn…".

Ba, phần thưởng trao cho học sinh cần được quy đổi thành hiện vật. Giá trị của hiện vật không nhất thiết phải lớn nhưng đó sẽ là những quà tặng hữu ích trong học tập, sinh hoạt của các em và gia đình. Món quà đó còn gói ghém tình cảm và sự trân trọng của thầy cô dành cho các em. Món quà đó có thể sẽ là một "kỷ vật" ký ức của thời áo trắng hoa mộng.

Bốn, để tránh tình trạng học sinh làm mất vé hoặc không biết cách dò số trúng thưởng, giáo viên và tổ chức đoàn đội cần tính toán bố trí giáo viên quản lý, hướng dẫn học sinh. Nếu cần, có thể để giáo viên chủ nhiệm quản lý số vé của lớp và phát cho học sinh ngay trước buổi quay số.

Để trọn vẹn niềm vui, tôi nghĩ nhất thiết không thể tổ chức hoạt động xổ số vui xuân qua loa, sơ sài, hình thức. Rồi nụ cười sẽ rạng rỡ hòa cùng đất trời vào xuân trong giây phút quay số, mở thưởng, trao học bổng…

Sau Tết, TP.HCM khảo sát năng lực học sinh lớp 3

Ngày 9/3, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ tiến hành khảo sát năng lực học sinh lớp 3 trên toàn địa bàn thành phố.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/xo-so-vui-xuan-cho-hoc-sinh-co-tron-niem-vui-20180211122207007.htm

Theo Mai Lê / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm