Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xóa bỏ chủ quản đại học?

Nhiều chuyên gia cho rằng muốn mở rộng tự chủ cần phải bỏ cơ chế bộ chủ quản, bởi cơ chế này đang ràng buộc các trường đại học.

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7 với nhiều quy định được kỳ vọng sẽ "cởi trói" cho giáo dục đại học.

Bỏ quy định nhiệm kỳ hiệu trưởng

Điểm nổi bật của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi chính là tính tự chủ của các trường đại học. Theo đó, các trường đại học được tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động.

Hội đồng trường có quyền quyết định về chiến lược, kế hoạch phát triển, kế hoạch hàng năm cũng như quyết định về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các đơn vị của trường đại học; ban hành danh mục vị trí việc làm, tiêu chuẩn và điều kiện làm việc của từng vị trí, quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, giảng viên, viên chức và người lao động phù hợp với quy định của pháp luật; quyết định phương hướng tuyển sinh, mở ngành, đào tạo, liên kết đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; chính sách bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động…

Cũng theo quy định mới, hội đồng trường có quyền quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học; bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng; đánh giá hiệu quả hoạt động hàng năm của chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng nhà trường, lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng nhà trường vào giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học...

chu quan dai hoc anh 1
Sinh viên nộp hồ sơ vào ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, một trường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính Ảnh: Tấn Thạnh/Người Lao Động.

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định bổ nhiệm.

Nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học do hội đồng trường, hội đồng đại học quyết định trong phạm vi nhiệm kỳ của hội đồng trường, hội đồng đại học. Như vậy, quy định của luật cũ trước đây là hiệu trưởng trường đại học chỉ được giữ chức vụ này tối đa 2 nhiệm kỳ đã bị bãi bỏ.

Vướng nhiều luật khác

Quy định mới cho các trường nhiều kỳ vọng nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít băn khoăn. Hiệu trưởng một trường đại học đang thí điểm tự chủ ở Hà Nội cho hay luật mới sắp có hiệu lực nhưng trước mắt chưa thể thực hiện vì cần có các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật.

Vị này phân tích theo đề án tự chủ của trường, hiệu trưởng, hiệu phó do hội đồng trường bầu và đề xuất bộ trưởng ra quyết định. Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT lại cho biết là không thực hiện được do quy định hiện hành là lãnh đạo phải thông qua Ban Cán sự Đảng. Chính vì thế, cần phải bỏ quy định cơ quan chủ quản.

Một chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự báo quy định hội đồng trường quyết định ai sẽ là hiệu trưởng sẽ vấp phải nhiều khó khăn trong tương lai gần. Theo quy định của Ban Tổ chức Trung ương, mọi chức danh đều phải qua các bước quy hoạch, vì thế sẽ rất khó khăn khi đưa quy định của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi vào cuộc sống.

Trên thực tế, quy định chồng chéo khiến nhà trường không thể tự chủ đúng nghĩa. Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) chỉ thật sự có hiệu lực khi các luật khác, quy định khác của các bộ, ngành phải điều chỉnh theo luật này.

Chấp nhận cơ chế trao quyền tự chủ

Những mâu thuẫn của ĐH Tôn Đức Thắng với cơ quan chủ quản là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã khiến GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho rằng trong bối cảnh mở rộng tự chủ thì cần phải xem xét bỏ cơ chế bộ chủ quản, bởi nó ràng buộc các trường đại học.

"Bộ chủ quản quản lý và quyết định những vấn đề quan trọng nhất về quản lý, tài chính, nhân sự cấp cao, các trường đại học rất khó hoạt động. Cần bỏ bộ chủ quản và thay bằng cơ chế hội đồng trường để quản lý các trường", GS Thiệp nêu ý kiến.

Đi sâu phân tích trường hợp ĐH Tôn Đức Thắng, các chuyên gia cho rằng vướng mắc chính là đang tồn tại mô hình cơ quan chủ quản và hội đồng trường. Hai hình thức này cùng tồn tại đã phá đi hệ thống quản lý của một trường đại học dkhiến nó không thể hoạt động.

TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cũng đề nghị xóa cơ chế bộ chủ quản. Theo ông Khuyến, bộ chủ quản chỉ cử một người tham gia hội đồng trường để điều hành, chứ không phải bắt hội đồng trường phải báo cáo công việc và có đồng ý hoặc không.

Ông Khuyến đề nghị nếu đã chấp nhận cơ chế trao quyền tự chủ cho nhà trường thì phải bỏ cơ chế bộ chủ quản. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh quan điểm không thể trao quyền tự chủ của trường đại học cho một cá nhân mà phải cho tập thể lãnh đạo và tập thể đó phải thực sự là tổ chức quyền lực cao nhất trong trường.

Đó chính là hội đồng trường/hội đồng quản trị. Quyền tự chủ của nhà trường chỉ có thể trao cho hội đồng trường, không thể trao cho hiệu trưởng bởi rất có thể hiệu trưởng trở thành nhà độc tài.

"Để giáo dục đại học phát triển, phải từng bước xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, tập trung chức năng quản trị cho hội đồng trường cũng như trao quyền thực sự cho cơ sở giáo dục đại học", một chuyên gia của ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, nêu ý kiến.

Cần quy định và hướng dẫn chi tiết

Trong khi đó, GS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng việc "lùm xùm" hiện nay giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam với ĐH Tôn Đức Thắng là dịp tốt để Ban soạn thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học sửa đổi 2018 chỉnh sửa, bổ sung những điều cần thiết trước khi xin ý kiến rộng rãi và ban hành chính thức.

Nghị định phải bám sát tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6-NQ/TƯ, Nghị quyết Trung ương 19- NQ/TƯ, Luật Giáo dục Đại học sửa đổi và Quyết định 105 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Đề thi THPT Quốc gia sẽ 'dễ thở' hơn năm 2018?

Nội dung đề thi năm nay nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12 theo định hướng đánh giá năng lực người học.


https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/xoa-bo-chu-quan-dai-hoc-20190616221628664.htm?fbclid=IwAR1USIXZpocTC2CXT_-GI7Ky2BROiQl00y8I5xKAWWghjICZ-BQB73e-dQU

Theo Yến Anh / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm