Câu chuyện về việc một số sĩ tử đến làm thủ tục tại hội đồng thi trường ĐH Kiến Trúc TP.HCM bị bảo vệ nhắc nhở về mặc quần ngắn, áo đóng không hết cúc, đeo tai nghe... đã nhận được bình luận sôi nổi từ cộng đồng mạng.
Phóng khoáng do đặc trưng ngành học
Một số độc giả Zing.vn cho rằng các sĩ tử ăn mặc theo hướng tự do như vậy là đúng với trường mà họ dự thi. Kiến trúc là ngành học yêu cầu sự sáng tạo nên ăn mặc phóng khoáng, phong cách khác lạ là thể hiện chất riêng của họ mà không phải ngành nào cũng có. “Các bạn đừng nhìn bề ngoài mà nhận xét họ. Ai cũng có quyền thể hiện phong cách riêng, đặc biệt với chúng tôi cần có sự cá tính”, một bạn trong ngành chia sẻ.
Trong cộng đồng sinh viên, các chàng trai kiến trúc thường được biết đến với nét phong trần, lãng tử như những nghệ sĩ khiến nhiều trái tim các cô gái trẻ xao xuyến.
Bạn đọc khác cho rằng đó chỉ là sự tiện lợi thoải mái khi các sĩ tử phải dự thi môn năng khiếu với thời gian kéo dài. “Vẽ suốt 4 tiếng, đứng lên, ngồi xuống liên tục, nên thí sinh mặc quần ngắn cho thoải mái. Có lẽ mọi người không rơi vào trường hợp này nên không hiểu và trách họ”. Việc ăn mặc thoải mái, thao tác tay, chân thực hiện linh hoạt cũng tạo tâm lý tốt cho thí sinh khi thi là quan điểm của bạn Phạm Tân.
Nhập gia tùy tục
Tuy nhiên, nhiều người phản hồi rằng những thí sinh ăn mặc như vậy bị “tống” ra khỏi trường là đúng. Theo họ, trang phục khoác trên mỗi người là phản chiếu về chính người đó và việc mặc như thế nào cũng thể hiện văn hóa và ý thức. “Cách ăn mặc nói lên tất cả từ nhân cách, phẩm chất cho tới sự tôn trọng người khác và chính bản thân người mặc. Không cần biết bạn như thế nào nhưng bên ngoài phải thật sự chỉn chu khi đi đến một tập thể và đi thi hay đi tập trung thì cũng phải thể hiện sự lịch sự…”.
Bạn Minh Châu cũng cho rằng thí sinh cần ăn mặc đúng hoàn cảnh: “Người Việt mình có câu "Nhập gia tùy tục", ý nói khi đến đâu thì phải theo "tục" của nơi đó”. Ngay như một số trường ĐH ở Anh, hay Mỹ, nơi sinh viên được tự do nhất, người ta cũng phải ăn mặc lịch sự, một số trường thậm chí còn quy định mặc đồng phục".
Thí sinh cài lại cúc áo sau khi được nhắc nhở. |
Nhưng cũng có ý kiến cảm thông cho thí sinh vì có lý do đặc biệt nào đó phải mặc như vậy. “Nếu còn nhiều thời gian và thí sinh ở gần trường thì cho họ về thay quần, ở xa mà bắt về thay quần thì rất bất tiện. Các em đó mới chỉ 18 tuổi, cần được hướng dẫn thêm, vì bị bắt về thay quần mà lỡ một kỳ thì thi đại học thì cuộc đời sẽ có một ngã rẽ hoàn toàn khác”.
Bạn Phước Thiện Lê chia sẻ, do các thí sinh nghĩ đi làm thủ tục dự thi nên ăn mặc thoải mái. Vì vậy, việc bảo vệ nhắc nhở là để họ tới ngày thi nhớ và rút kinh nghiệm tuân thủ nội quy của trường, do vậy, trong chuyện này không ai sai.
“Hình ảnh các sĩ tử là thương hiệu cho trường bạn ấy thi. Vì sẽ có rất nhiều quan sát viên như phụ huynh, đại diện truyền thông và đặc biệt là những người có thể là bạn học của bạn sau này. Vì thế, việc giữ gìn hình ảnh và tạo một ấn tượng đẹp là điều rất cần thiết để mang đến thông điệp về nét thanh lịch cho trường của bạn”, Trần Quyên, sinh viên năm thứ hai của trường ĐH Kiến trúc góp ý.