Thuộc khuôn khổ Ngày hội du lịch TP.HCM 2024, hội thảo “Chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch, cập nhật xu hướng thế giới” là nơi các chuyên gia ngành du lịch cùng chia sẻ thông tin, góc nhìn về thay đổi trong xu hướng du lịch Inbound tại Việt Nam. Hội thảo đặt ra câu hỏi doanh nghiệp Việt cần làm gì để thích ứng với xu hướng chuyển đổi mô hình du lịch trọn gói, mua tour qua đơn vị nước ngoài (B2B) sang tự túc (B2C). |
Từ 8h sáng, hơn 200 khách mời đến từ các doanh nghiệp, cơ quan báo chí đã có mặt tham dự hội thảo. Bên cạnh số liệu, thông tin thị trường, người tham dự cũng được giới thiệu nhiều công cụ nghiên cứu xu hướng tìm kiếm, tiếp cận khách quốc tế, hướng đến xây dựng sản phẩm sáng tạo, chất lượng và phù hợp. |
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM - nhận định: “Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và hội nhập quốc tế sâu sắc. Vì vậy, để tạo ra sản phẩm thu hút, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ”. Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cập nhật xu hướng mới, tận dụng thời cơ và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình chuyển mình, đưa du lịch thành phố ngày càng phát triển. |
Dựa trên số liệu trực quan nghiên cứu thị trường, ông Đặng Mạnh Phước - CEO The Outbox Company - cung cấp cho hội thảo bức tranh chung về xu hướng du lịch thế giới và Việt Nam. Ông Phước khẳng định thị trường B2B đang dần thu hẹp, B2C ngày càng chiếm lĩnh và trở thành xu hướng trên thế giới. Theo vị CEO, xu hướng mới tạo thách thức nhưng cũng mở ra không ít cơ hội chuyển mình với doanh nghiệp biết thích nghi. |
Trong phần phát biểu tiếp theo, bà Hà Lâm Tú Quỳnh - Giám đốc Truyền thông Google châu Á - Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam - cho rằng công nghệ chính là yếu tố khiến cuộc chơi ngành du lịch thay đổi. Với sự giúp sức của Internet, AI, người dùng có thể tự thiết kế tour, đặt phòng, mua vé máy bay mà không cần nhờ đến đơn vị trung gian. Trên sân khấu, bà Quỳnh thử “nhờ” AI lên lịch trình du lịch TP.HCM và nhận kết quả, gợi ý sau 10 giây. |
AI cũng là từ khóa được được diễn giả Nguyễn Tiến Huy - Tổng giám đốc tổ hợp truyền thông và công nghệ Pencil Group - nhấn mạnh. Theo ông Tiến Huy, để bắt kịp xu hướng B2C, doanh nghiệp du lịch Việt cần tạo ra dịch vụ mang giá trị thực, đồng thời xây dựng hình ảnh, uy tín với khách hàng dựa trên mô hình “cây nuôi dưỡng thương hiệu”. Trong hành trình đó, doanh nghiệp nên tận dụng AI như một công cụ hữu ích. |
Bà Lê Khánh Linh - Giám đốc Quốc gia tại Entravision Vietnam - cũng đồng tình sự chuyển dịch từ B2B sang B2C là xu hướng tất yếu vì đối tượng du khách đã thay đổi. Sinh ra và lớn lên trong thời kỹ thuật số, bùng nổ mạng xã hội, nhóm khách hàng Gen Z thích chủ động tìm kiếm địa điểm, hình thức du lịch, tự lên kế hoạch chuyến đi. “36,5% khách du lịch sử dụng mạng xã hội để tìm cảm hứng hoặc ý tưởng du lịch”, đại diện Entravision Vietnam thông tin. Vì vậy, để tiếp cận nhóm khách hàng trẻ tiềm năng này, doanh nghiệp cần phủ sóng thương hiệu trên đa dạng nền tảng, xây dựng nội dung hấp dẫn, tận dụng dữ liệu và AI để tối ưu hiệu quả. |
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Châu Á - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Oxalis Adventure và bà Tống Ngọc Ánh Hồng - đồng sáng lập XO Tours - đem đến những chia sẻ, bài học cụ thể khi xây dựng mô hình B2C. Ông Châu Á cho biết để tạo dấu ấn trên thị trường du lịch, Oxalis không ngừng đầu tư sản phẩm phù hợp, chất lượng; tăng độ nhận diện thương hiệu thông qua chiến lược marketing bài bản; xây dựng nền tảng website, app, booking… Còn với XO Tours, social media chính là chìa khóa để doanh nghiệp tiếp cận và xây dựng thương hiệu trong mắt du khách quốc tế. |
Ông Hồ An Phong - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - dành thời gian tham gia, lắng nghe hội thảo. Thứ trưởng đánh giá cao tính thiết thực trong nội dung tham luận của các diễn giả, giúp doanh nghiệp có thêm dữ liệu, cơ sở để chuyển mình trong bối cảnh xu hướng du lịch thay đổi liên tục. “Năm 2023, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế. Mục tiêu 2024 là 18-19 triệu lượt - hoàn toàn có cơ sở khi ngành du lịch bắt tay vào hành động, bắt nhịp với sự thay đổi của thị trường và liên tục làm mới mình”, ông Phong kết luận. |
Bên cạnh phần chia sẻ của các đại biểu, diễn giả, tại các gian hàng bên ngoài, khách mời có thể tìm hiểu thêm thông tin qua những cuốn cẩm nang thiết kế đẹp mắt về du lịch TP.HCM hoặc trải nghiệm tour Sơn Đoòng cùng công nghệ kính thực tế ảo hấp dẫn. “Đi theo hướng dẫn viên du lịch ảo, tôi có thể thấy từng khối thạch nhũ, măng đá khổng lồ, cánh rừng nguyên sinh và lắng nghe âm thanh bên trong hang động lớn nhất thế giới”, chị Thu Hà (quận 3, TP.HCM) chia sẻ. |