Evan Elkowitz hiện là một nhà thiết kế thời trang và stylist ở Old Westbury (New York). |
Mua quần áo, túi xách và giày dép mới, Evan Elkowitz trở về nhà và giấu các gói hàng vào tủ quần áo hoặc giỏ đựng đồ dơ. Đến khuya, khi chồng và ba con say giấc, cô lẳng lặng ra khỏi phòng và treo những món đồ vừa mua vào móc áo như thể chúng đã ở đó hàng tháng trời. Đó là chiến lược mà Elkowitz thường sử dụng mỗi khi lén chồng mua một (vài) món đồ xa xỉ.
Evan Elkowitz hiện là một nhà thiết kế và stylist ở Old Westbury (New York). Mặc dù sử dụng số tiền mà bản thân kiếm được để mua những món đồ yêu thích, Elkowitz vẫn cảm thấy tội lỗi về món tiền mình đã tiêu mà không hỏi ý kiến bạn đời.
“Tôi là một con nghiện thời trang”, nhà thiết kế 54 tuổi chia sẻ. “Chồng tôi không cần và cũng không nên biết tôi đã chi bao nhiêu tiền cho những chiếc túi xách và đôi giày độc quyền này”. Không riêng gì Elkowitz, xu hướng lén bạn đợi mua những món đồ xa xỉ đang ngày càng phổ biến trên khắp nước Mỹ, theo Wall Street Journal.
Chủ nghĩa tiêu dùng lén lút
Elkowitz kể không ít khách hàng của cô cũng lén mua sắm những món đồ xa xỉ mà không thông báo cho bạn đời.
Theo cô, một số người thường để gói hàng trong cốp xe hoặc gara thay vì mang trực tiếp vào nhà. “Một khách hàng của tôi thậm chí còn diện trực tiếp những món đồ mới mua lên người và đi vào nhà như thể cô đã mặc những món đồ đó hàng năm trời”, Elkowitz cho biết.
Mỹ là một quốc gia có nhiều người ủng hộ chủ nghĩa tiêu dùng. Song những cặp đôi ở quốc gia này lại thường bất đồng quan điểm về việc nên mua những gì và chi bao nhiêu tiền cho sở thích cá nhân.
Theo một khảo sát với hơn 1.000 người Mỹ vào tháng 10/2023 của Circuit, gần 2/3 số người được hỏi cho biết bản thân đã lén bạn đời để mua một món đồ nào đó trong 12 tháng gần nhất. 1/4 đáp viên tiết lộ họ mua quần áo đắt tiền mà không thông báo cho bạn đời trong khi 1/10 số người trả lời bản thân đã nói dối để chi tiêu cho sở thích cá nhân.
Elkowitz kể không ít khách hàng của cô cũng lén mua sắm những món đồ xa xỉ mà không thông báo cho bạn đời. |
Stacy Geisinger thường nói dối bạn đời để mua quần jeans Frame, váy Anthropologie và nhiều món đồ khác. “Tôi giấu những món đồ mới mua trong túi đựng đồ tập thể dục hoặc túi giặt quần áo”, ông cho biết.
“Nó giúp tôi tránh được hai cuộc chiến”, ông nói. “Cuộc chiến thứ nhất bắt đầu khi bạn mang đồ vừa mua sắm về nhà và cuộc chiến thứ hai là khi hóa đơn được gửi về”.
Cali Estes, một chuyên viên tư vấn tâm lý tại Miami chuyên điều trị các hành vi nghiện mua sắm và tích trữ đồ đạc, cho biết xu hướng mua sắm lén lút ngày càng phổ biến trong những năm gần đây.
Theo bà, nguyên nhân của vấn đề này là những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. “Khi bạn thấy ai đó nổi tiếng đang ủng hộ một thứ gì đó, bạn sẽ cảm thấy mình muốn mua nó bằng mọi cách, dù không có đủ tiền đi nữa”.
Estes khuyến nghị các cặp đôi nên dành cho nhau một khoản tiền cố định để mua sắm mà không cần hỏi ý kiến người còn lại. “Theo cách này, bạn có thể mua những gì bạn muốn, miễn là số tiền nằm trong giới hạn đã được đặt ra”, bà nói.
Ngay cả với những cặp đôi có tài chính dồi dào, theo bà, những lời nói dối về việc mua sắm cũng có thể làm các mối quan hệ rạn nứt. “Đối tác của bạn sẽ nói: ‘Nếu chỉ mua một đôi giày mà anh còn nói dối được thì có gì mà anh không lừa tôi được?’”, Estes cảnh báo.
“Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”
Julia Mather hiện là giám đốc của một công ty bảo hiểm. Bà cho biết bản thân thường mua những món đồ thời trang rồi ghi dưới danh nghĩa là thanh toán hóa đơn thuế hoặc bảo hiểm. “Khi chồng tôi hỏi tại sao hóa đơn thẻ tín dụng lại cao như vậy, tôi sẽ nói: ‘Thì tiền bảo hiểm nhà mình cao mà’”, nữ giám đốc 49 tuổi cho biết.
Khảo sát với 1.000 người Mỹ cho thấy 1/4 người được hỏi đều có ít nhất một lần giấu bạn đời để mua sắm thời trang xa xỉ. |
Mather có thói quen sử dụng thẻ tín dụng cá nhân để mua sắm ở Carolina Herrera, Prada và Dolce & Gabbana. Vì thẻ đứng tên Mather, chồng của bà sẽ không thể nhận được thông tin về những khoản chi tiêu. Nếu không, chồng bà sẽ nhận được mọi thông tin về các khoản tiền mà bà bỏ ra để mua sắm túi xách hàng hiệu. “Tôi cố gắng để không sử dụng thẻ chung của hai vợ chồng”, bà nói.
Tại họp giữa các giám đốc bán lẻ do công ty dịch vụ tài chính Affirm tổ chức cách đây vài năm, một nhà bán lẻ hàng xa xỉ cho biết khách hàng đang có xu hướng trả góp các mặt hàng như túi xách, giày dép, quần áo theo đợt 12 tháng thay vì trả hết một lần bằng thẻ tín dụng.
Không chỉ những người trẻ tuổi mới lén bạn đời mua sắm quần áo.
Khi còn là chủ tịch của một công ty truyền hình cáp, ông Joe Abruzzese, 76 tuổi, sẽ yêu cầu các nhà may gửi đến văn phòng của mình những chiếc áo sơ mi kiểu Turnbull & Asser, bộ vest Nino Corvato và giày kiểu Crockett & Jones. Sau đó, ông sẽ mặc chúng về nhà và trả lời khẳng khái: “Anh đã mua bộ đồ này lâu rồi” khi vợ hỏi.
Nhiều người tiêu dùng đang tìm cách mang đồ mới về nhà mà không cho bạn đời hay các con phát hiện. |
Một đồng nghiệp của ông, Scott McGraw, còn sử dụng một mánh khóe khác tinh vi hơn. Ông thường gửi một tá áo sơ mi mới đến tiệm giặt ủi để làm chúng trông cũ hơn. Sau đó, ông sẽ mang những chiếc áo đã được tiệm giặt ủi đóng gói, bọc giấy kính về nhà để vợ khỏi nghi ngờ.
“Tôi thấy ngại khi mua quá nhiều áo sơ mi”, McGraw nói. “Cách làm này giúp tôi tránh được những câu hỏi và lời phàn nàn của vợ”.
Dù đã nghỉ hưu từ năm 2017, cả hai người đàn ông vẫn chưa bỏ thói quen mua sắm của mình. Ông Abruzzese vẫn đều đặn đặt áo sơ mi từ các nhà may. Tuy nhiên, khi không còn văn phòng để giấu mớ quần áo mới mua, ông bắt buộc phải thú nhận với vợ. Cựu giám đốc công ty truyền hình cáp than thở: “Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra”.
Tái thương mại trong ngành thời trang
Cuốn Thế giới không rác thải của Ron Gonen mời gọi độc giả tham gia vào bảo vệ môi trường, vì một tương lai bền vững và thịnh vượng, đề cao giá trị lâu dài. Ở đó, tác giả chỉ ra rằng thuật ngữ tái chế hóa học đang chỉ một quy trình mới rất thú vị có thể phá vỡ sợi vải trở về các thành phần hóa học cơ bản, từ đó trở thành một nguồn tuần hoàn để tạo ra các sợi vải mới.