Những thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và nhận thức của khách hàng đang thúc đẩy sự phát triển thị trường kim cương tái chế. Xu hướng này càng được quan tâm hơn trong bối cảnh có các cuộc tranh luận trong ngành kim cương và trang sức về vấn đề kim cương nhân tạo hay tự nhiên thân thiện với môi trường hơn.
Trang sức từ kim cương được các sao tận dụng để làm nổi bật nét sang trọng. Ảnh: Pearls Only. |
Kim cương tự nhiên hay nhân tạo
Theo dữ liệu nghiên cứu thị trường hiện tại, kim cương tái chế tạo ra ít khí thải carbon nhất trong quá trình sản xuất và bán hàng. Theo Sina, nguồn cung của kim cương tái chế thậm chí còn nhiều hơn công suất khai thác của các mỏ kim cương tự nhiên hiện nay.
Theo dự báo của McKinsey, năm 2025, 20-30% doanh số bán đồ trang sức cao cấp trên thị trường toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi khái niệm phát triển bền vững.
Vì vậy, ngành trang sức cũng có nhiều nỗ lực để phát triển bền vững. Vào tháng 5/2021, hãng kim hoàn lớn nhất thế giới Pandora tuyên bố sẽ áp dụng chiến lược phát triển bền vững. Họ sẽ sử dụng hoàn toàn kim cương nhân tạo trong sản xuất.
Kim cương là trang sức đắt đỏ, được nhiều người mong muốn sở hữu. Ảnh: Graff, High Jewellery Dream. |
Đối với các doanh nghiệp kim hoàn, ưu điểm của việc sử dụng kim cương nhân tạo là giảm được chi phí. Tỷ suất lợi nhuận của kim cương nhân tạo thường cao hơn kim cương tự nhiên từ 16-40%. Sản xuất kim cương nhân tạo cũng hạn chế việc khai thác các mỏ kim cương trong tự nhiên.
Tuy nhiên kim cương nhân tạo lại không hoàn toàn có lợi cho môi trường. Trong quá trình sản xuất, kim cương nhân tạo đã tạo ra lượng khí thải carbon nhiều hơn kim cương tự nhiên. Việc sản xuất kim cương nhân tạo cần năng lượng lớn và đòi hỏi sự phân công lao động ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Kỷ nguyên tái chế kim cương
Do đó, theo các chuyên gia, việc tái chế kim cương phù hợp với khái niệm phát triển của nền kinh tế. Lượng khí thải carbon của kim cương tái chế trong quá trình đánh bóng lại, cắt, thiết kế và đưa trở lại thị trường ít hơn so với khai thác kim cương tự nhiên hay sản xuất kim cương nhân tạo.
Thứ hai, nguồn kim cương thu hồi dồi dào được khai thác có thể bù đắp cho khoảng trống thị trường do sản xuất kim cương tự nhiên suy giảm. Bain Consulting cho biết nếu tiếp tục khai thác với tốc độ sản xuất như hiện tại, nguồn kim cương tự nhiên trên thế giới sẽ cạn kiệt vào năm 2030 và việc tìm kiếm kim cương dưới lõi Trái Đất trở nên khó khăn hơn.
Không chỉ nhẫn, vòng cổ là món đồ trang sức được hầu hết phái nữ yêu thích. Ảnh: Vogue, People. |
Hơn một năm qua, khối lượng khai thác kim cương tự nhiên đã giảm hơn nửa dưới tác động của dịch bệnh. Nhiều khu vực sản xuất kim cương đã ngừng hoạt động, chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị ảnh hưởng dẫn đến việc khai thác kim cương liên tục sụt giảm. Điều này khiến nhiều nhà sản xuất kim hoàn phải chuyển hướng sang kim cương tái chế.
Khác với thị trường bán lại thời trang và túi xách, kim cương có thể lưu hành trên thị trường cả thập kỷ hoặc hàng trăm năm mà không có dấu vết mài mòn. Do đó, các nhà tái chế kim cương sẽ sử dụng màu sắc, độ trong và kích thước làm tiêu chuẩn định giá. Rủi ro chiết khấu mà người bán lại phải chịu là rất thấp.
Giám đốc điều hành hiệp hội kim cương tự nhiên David Kellie cho biết xu hướng tiêu thụ kim cương tái chế tại thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng rõ nét nhất, tiếp theo là châu Âu, Anh và Trung Quốc.
"Khi khái niệm nhẫn đính hôn bằng kim cương được nhiều người trẻ ưa chuộng, nhu cầu về trang sức kim cương sẽ tiếp tục tăng", ông nói.
Đối với những gã khổng lồ trong ngành như Tiffany & Co. và Cartier vẫn chưa mở rộng chuỗi cung ứng của họ sang lĩnh vực kim cương tái chế. Nhưng nhiều thương hiệu trang sức có lịch sử lâu đời sẽ tìm kiếm những tác phẩm kinh điển trong quá khứ trên thị trường và mua lại từ chủ sở hữu để bổ sung vào kho lưu trữ. Cách tiếp cận này không chỉ phù hợp với khái niệm tái chế kim cương mà còn giúp các nhãn hàng thiết lập văn hóa thương hiệu.
Vòng cổ có giá tương đương 5,4 tỷ đồng của Irene. Ảnh: Jjang0u. |