Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xu hướng từ thiện trong giới siêu giàu Hàn Quốc

Ngày càng nhiều người giàu Hàn Quốc, nhất là các tỷ phú tự thân, tuyên bố dùng phần lớn tài sản làm từ thiện, điều hiếm thấy trước đây trong giới siêu giàu xứ kim chi.

Kim Beom-su, người sáng lập ứng dụng nhắn tin lớn nhất Hàn Quốc KakaoTalk, vừa tuyên bố sẽ quyên góp hơn một nửa trong khối tài sản ước tính 9,6 tỷ USD để "giải quyết các vấn đề xã hội".

Trong khi đó, Kim Bong-jin, nhà sáng lập, CEO ứng dụng giao đồ ăn Woowa Brothers và vợ, Bomi Sul, trở thành những người Hàn Quốc đầu tiên tham gia Giving Pledge - sáng kiến ​​từ thiện do tỷ phú Bill Gates và vợ lập ra, kêu gọi người giàu có quyên góp ít nhất một nửa tài sản để làm từ thiện.

Hành động của hai vị doanh nhân trái ngược với hầu hết giới siêu giàu của Hàn Quốc, những người phần lớn là chaebol - hậu duệ các tập đoàn gia đình thống trị nền kinh tế xứ củ sâm, AFP nhận định.

gioi sieu giau Han Quoc lam tu thien anh 1

Ông Kim Beom-su tuyên bố sẽ quyên góp một nửa trong khối tài sản 9,6 tỷ USD làm từ thiện. Ảnh: AFP.

Không giống như những người thừa kế tập đoàn, Kim Beom-su và Kim Bong-jin đều sinh ra trong các gia đình thuộc tầng lớp lao động.

Kim Bong-jin từng chia sẻ mình sinh ra trên một hòn đảo nhỏ, cha mẹ mở một nhà hàng nhỏ. Khi còn là thiếu niên, anh đã từ bỏ ước mơ theo học trường trung học nghệ thuật, thay vào đó là đăng ký vào một trường dạy nghề với học phí rẻ hơn.

Theo vị CEO, của cải có giá trị khi nó được sử dụng "cho lợi ích của những người khó khăn trong xã hội". Vì vậy, anh và vợ dùng tài sản làm từ thiện thay vì để lại hết cho các con.

Đến nay, hai vị tỷ phú vẫn chưa công bố thời gian chính xác quyên tiền hay chi tiết các tổ chức được nhận.

Theo số liệu trên trang web của Giving Pledge, hơn 200 người siêu giàu trên thế giới đã tham gia cam kết này. Trước đây, nó bị nhiều người chỉ trích là không có ràng buộc về mặt pháp lý, chỉ là một "cam kết đạo đức".

gioi sieu giau Han Quoc lam tu thien anh 2

Lớn lên trong khó khăn, CEO Kim Bong-jin phải từ bỏ ước mơ nghệ thuật trước khi thành công với Woowa Brothers. Ảnh: AFP.

Giống như nhiều nước Đông Á, người Hàn Quốc chủ yếu vẫn hướng về gia đình, với sự hỗ trợ tài chính cho giáo dục và nhà ở kéo dài đến tuổi trưởng thành từ cha mẹ. Phần lớn ít suy nghĩ về việc giúp đỡ những người không phải họ hàng của mình.

Trong bảng xếp hạng của tổ chức phi lợi nhuận Charities Aid Foundation về độ rộng lượng, Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 57, Nhật Bản là 107 và Trung Quốc là 126.

Trong lịch sử, người siêu giàu ở xứ củ sâm hiếm khi tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, chủ yếu tập trung vào việc duy trì sự kiểm soát trong các công ty của mình thông qua sự hỗ trợ của những thành viên trong gia đình.

Tuy nhiên, với các tỷ phú tự thân như Kim Bong-jin hay Kim Beom-su, họ có thể quản lý tài sản cá nhân linh hoạt hơn và cũng có nhiều đổi khác trong quan niệm về từ thiện.

Vladimir Tikhonov, giáo sư nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học Oslo, nhận định các động thái đi đầu của những tỷ phú như Kim Bong-jin và Kim Beom-su là "sự thể hiện tư tưởng công khai của một bộ phận những người tự làm giàu".

"Các tỷ phú tự thân có những thứ mà những người thừa kế không có", ông nhận định.

Giới nhà giàu chuẩn bị cho việc du lịch vào năm 2023

Dù lệnh cấm đi lại vẫn chưa được dỡ bỏ ở nhiều nước, không ít người đã bắt đầu chuẩn bị cho các chuyến du lịch xa hoa trong tương lai.

Mai An

Bạn có thể quan tâm