Theo kết luận điều tra thương vụ MobiFone mua cổ phần AVG, sau khi hoàn thành dự án này, ông Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch AVG) đã đến nhà riêng để đưa cho ông Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD.
Bị can Son khai sau khi nhận tiền đã đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000 đến 400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.
Con gái ông Son phủ nhận
Làm việc với cơ quan điều tra, N.T.T.H. (con gái ông Son) khai không nhận bất cứ khoản tiền nào từ cha. Chị H. thừa nhận có ra Hà Nội thăm cha mẹ vài lần. Còn ông Son và vợ cũng vào TP.HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể.
Trong cuộc đối chất giữa 2 cha con tại cơ quan công an, chị H. vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.
Quá trình điều tra, ông Son nhận thức được số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ là hưởng lợi bất chính nên đã nhiều lần viết đơn xin khắc phục hậu quả. Sau đó, ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả.
Ông Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Hoàng Hà. |
Do chưa có chứng cứ và tài liệu trực tiếp chứng minh việc H. nhận và sử dụng tiền của ông Son nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý hình sự người phụ nữ này.
Với bị can Son, cơ quan điều tra quy kết cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông (TT&TT) là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.
Kết luận điều tra chỉ rõ ông Son đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vì động cơ mục đích cá nhân, quyết liệt chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái quy định, gây thiệt hại gần 6.500 tỷ đồng theo phương pháp tài sản.
Ngoài cáo buộc Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng với vai trò chủ mưu, hành vi của ông Son còn phạm vào tội Nhận hối lộ.
Ai phải bồi thường 3 triệu USD?
Nhìn nhận kết quả đối chất giữa ông Son và con gái, tiến sĩ - luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) - cho rằng căn cứ nguyên tắc suy đoán vô tội trong Bộ luật Tố tụng hình sự, trường hợp này không đủ chứng cứ chứng minh chị H. đã nhận tiền từ ông Son.
Tuy nhiên, dù ông Son khai ra bất kỳ ai đã nhận tiền thì bị can này vẫn là người chịu trách nhiệm bồi thường, khắc phục toàn bộ hậu quả đã gây ra.
"Khai ra ai nhận tiền chỉ là một trong những căn cứ để thu hồi tài sản phạm pháp", luật sư Thiệp nhận định.
Với hậu quả gây ra trong vụ án này, ông Thiệp đánh giá khoản tiền 500 triệu đồng mà ông Son xin nộp để khắc phục cho 3 triệu USD nhận hối lộ là quá ít.
Do vậy, các cơ quan hữu quan cần xem xét toàn bộ tài sản cá nhân, danh mục đầu tư của ông Nguyễn Bắc Son để phát mại, kê biên nhằm thi hành án để trả lại tiền cho Nhà nước.
Luật sư cho rằng dù H. khai không nhận tiền từ ông Son, nhưng quá trình xét xử vụ án sau này, người phụ nữ sẽ phải đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Lúc đó, 2 cha con cựu Bộ trưởng có thể tái đối chất công khai tại tòa.
Ông Thiệp cho hay theo quy định của Bộ luật Hình sự, nếu cơ quan tố tụng có căn cứ chứng minh chị H. nhận số tiền từ cha thì người phụ nữ này có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội Rửa tiền hoặc Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Con gái ông Son liên quan ra sao?
Luật sư Hoàng Ngọc Biên (nguyên điều tra viên cao cấp Cơ quan điều tra Hình sự, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) cho hay Đưa hối lộ và Nhận hối lộ là các tội danh cấu thành về mặt hình thức.
Nghĩa là, chỉ cần người đưa tiền và người nhận tiền hứa hẹn với nhau làm hoặc không làm một việc nào đó nhằm có lợi cho người đưa hối lộ, thì đã cấu thành 2 tội này.
Tuy nhiên, quá trình điều tra, truy tố hay xét xử, chỉ khi 2 bên cùng thừa nhận việc hứa hẹn đó thì mới đủ căn cứ để buộc tội.
Đến nay, VKSND Tối cao đã truy tố 12 bị can có sai phạm liên quan thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Ảnh: Ngọc Tân. |
Còn trường hợp một trong các bên không thừa nhận, cụ thể trong vụ án này chị H. phủ nhận đã nhận tiền từ ông Son thì dù bị can có giữ nguyên lời khai, cơ quan tố tụng vẫn không đủ căn cứ để buộc H. đã nhận tiền.
"Chỉ khi ông Son đưa ra được chứng cứ, tài liệu chứng minh việc con gái đã nhận tiền thì mới có cơ sở buộc tội chị H.", ông Biên phân tích.
Ngoài ra, Bộ luật Hình sự và Tố tụng Hình sự hiện quy định, lời khai của bị can, bị cáo phải phù hợp với lời khai của những người liên quan khác, và cũng phải phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được mới đủ căn cứ buộc tội.
"Ở đây ông Son khai đã đưa tiền cho con gái nhưng chị H. lại phủ nhận, trong khi ông Son không chứng minh được việc nhận tiền thì hoàn toàn không thể xử lý hình sự chị H.", nguyên điều tra viên cao cấp nhấn mạnh.
Luật sư Biên cũng chỉ ra rằng trong quá trình xét xử vụ án sau này, chị H. vẫn phải đến tòa với tư cách người làm chứng hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
13 bị can bị đề nghị truy tố tội Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ TT&TT), Võ Văn Mạnh (Giám đốc Công ty AMAX), Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Công ty AMAX);
Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch HĐTV MobiFone), Cao Duy Hải (nguyên Tổng giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (thành viên HĐTV MobiFone) cùng 5 Phó tổng giám đốc MobiFone: Phạm Thị Phương Anh, Hồ Tuấn, Nguyễn Đăng Nguyên, Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Mạnh Hùng.
Ngoài ra, 4 bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải và Lê Nam Trà còn bị đề nghị truy tố thêm tội Nhận hối lộ.
Riêng bị can Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT AVG) bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ.