Quy chế quy định trường hợp điểm toàn bài hoặc điểm thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm) dưới 1,0 đối với bài thi Ngữ văn, hai cán bộ chấm thi thảo luận thống nhất rồi ghi điểm, ghi rõ họ tên, ký vào tất cả tờ giấy làm bài của thí sinh.
Cán bộ chấm thi. Ảnh: GD&ĐT. |
Điểm toàn bài hoặc thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm) từ 1,0 đến 1,5 đối với bài thi Ngữ văn, hai cán bộ chấm thi thảo luận và ghi lại bằng biên bản, báo cáo Trưởng môn chấm thi để thống nhất (không sửa chữa điểm trong phiếu chấm hoặc phần tổng hợp điểm trong bài thi), sau đó ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả tờ giấy làm bài của thí sinh. Nếu đối thoại không thống nhất được điểm, Trưởng môn chấm thi quyết định điểm, ghi và ký vào bài thi.
Điểm toàn bài hoặc thành phần lệch nhau (trừ trường hợp cộng nhầm) trên 1,5 đối với bài thi Ngữ văn, Trưởng môn chấm thi tổ chức chấm lần thứ 3 trực tiếp vào bài của thí sinh bằng mực màu khác.
Xử lý kết quả 3 lần chấm cũng được quy định cụ thể trong quy chế. Theo đó, nếu kết quả 2 trong 3 lần giống nhau, Trưởng môn chấm thi lấy điểm giống nhau làm điểm chính thức, rồi ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả tờ giấy làm bài của thí sinh.
Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất đến 2,5 điểm đối với bài thi Ngữ văn, Trưởng môn chấm thi lấy điểm trung bình cộng của 3 lần chấm làm điểm chính thức, rồi ghi điểm, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả tờ giấy làm bài của thí sinh.
Nếu kết quả 3 lần chấm lệch nhau lớn nhất trên 2,5 điểm đối với bài thi Ngữ văn, Trưởng môn chấm thi tổ chức chấm tập thể. Các cán bộ chấm thi và trưởng môn chấm thi ghi rõ họ tên và ký vào tất cả tờ giấy làm bài thi của thí sinh. Điểm chấm lần này là điểm chính thức của bài thi.