UBND tỉnh Đồng Tháp vừa yêu cầu công an sở tại nhanh chóng điều tra, xử lý nghiêm vụ việc liên quan bệnh nhân 1440 sau khi anh ta khai gia đình mình ở Việt Nam đã chi 50 triệu đồng để nhờ một đường dây giúp nhập cảnh trái phép.
Theo nguồn tin của Zing, trước khi qua Myanmar, bệnh nhân 1440 ở cùng 2 phụ nữ tại Malaysia. Hai nữ giới này sau đó mắc Covid-19. Sợ nhiễm dịch nên bệnh nhân 1440 liên hệ với gia đình rồi trở về Việt Nam.
Với hành vi chi và nhận tiền để đưa bệnh nhân mắc Covid-19 nhập cảnh trái phép, những người liên quan sẽ bị xử lý như thế nào?
Lực lượng tuần tra khu vực biên giới Tây Nam. Ảnh: Đình Đình. |
Theo luật sư Hà Kim Tâm (Công ty luật Onekey & Partners), nếu những lời khai của bệnh nhân 1440 là có cơ sở thì người trong đường dây đưa bệnh nhân mắc Covid-19 về nước đã có dấu hiệu vi phạm Điều 348 Bộ luật Hình sự về tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Luật sư phân tích ở tội danh này, người vi phạm có thể bị phạt tù 1-5 năm. Nếu lợi dụng chức vụ quyền hạn; có tính chất chuyên nghiệp hay phạm tội từ 2 lần trở lên thì có thể đối diện mức án 5-10 năm tù.
Còn trường hợp kết quả điều tra xác định đường dây này thu lợi bất chính trên 500 triệu, dẫn 11 người trở lên nhập cảnh trái phép hay làm chết người thì khung hình phạt là 7-15 năm tù.
Đối với người thân của bệnh nhân 1440, nếu cơ quan điều tra có căn cứ xác định họ đã chi 50 triệu để thuê đường dây đưa bệnh nhân về nước không qua chính ngạch, luật sư Tâm cho rằng đó là hành vi đồng phạm với đường dây phạm tội.
Dẫn khoản 3, Điều 17 Bộ luật Hình sự 2015, luật sư Tâm nhấn mạnh người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm và được coi là đồng phạm trong vụ án hình sự.
"Nhờ có 50 triệu đồng của gia đình mà bệnh nhân 1440 mới có thể nhập cảnh trái phép", luật sư phân tích và cho rằng người nhà liên quan vụ việc có vai trò giúp sức tích cực cho đường dây phạm pháp.
Nhiều nơi bị phong tỏa do liên quan bệnh nhân 1440. Ảnh: Duy Hiệu. |
Có cùng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá mấu chốt trong vụ án là việc gia đình của bệnh nhân 1440 đã chi tiền để đường dây có tổ chức đưa người mắc Covid-19 về nước.
Theo ông Trạch, nếu không có 50 triệu đồng như lời khai của bệnh nhân, thì việc tổ chức cho người bệnh nhập cảnh trái phép đã không xảy ra.
"Nếu chứng minh có sự câu kết, cùng thống nhất thực hiện tội phạm với người nhập cảnh trái phép thì người tổ chức, môi giới phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm", ông Trạch nhìn nhận.
Luật sư đưa quan điểm người thân đã có dấu hiệu tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện tội phạm và có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm.
Cũng theo luật sư Trạch, chính bệnh nhân 1440 khai báo biết mình có khả năng mắc Covid-19 nhưng vẫn nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thông qua một đầu mối nhận tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép. Vì vậy, ngoài việc xử lý những người liên quan, cơ quan điều tra cần củng cố chứng cứ, xem xét trách nhiệm của bệnh nhân.
Nếu hành vi của bệnh nhân nhập cảnh trái phép cấu thành tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bệnh nhân 1440 có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu hoặc bị phạt tù đến 12 năm.
Sáng 30/12, đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, đã chỉ đạo Phòng An ninh điều tra củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án Tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép liên quan đến bệnh nhân 1440.
Sau khi khởi tố vụ án, các lực lượng của Công an An Giang sẽ phối hợp với bộ đội biên phòng và chính quyền huyện An Phú truy tìm nhóm người tổ chức đưa bệnh nhân 1440 nhập cảnh trái phép từ Campuchia để xử lý theo pháp luật.
Đối với bệnh nhân 1440, công an sẽ xử lý hành vi vi phạm về nhập cảnh sau khi trị bệnh xong.