Trong báo cáo về chống xâm hại tình dục trẻ em vừa được công bố, Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100, đứng thứ 37 trong xếp hạng 40 nước, với điểm yếu nằm ở thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông.
Nhìn sang vụ bé gái bị dâm ô trong thang máy chung cư Galxy 9 (quận 4, TP.HCM) đã xuất hiện trên báo chí cả trong nước lẫn quốc tế 15 ngày nay, công chúng vẫn đang chờ đợi kết quả điều tra từ cơ quan chức năng cùng các vụ xâm hại trẻ em khác bị “chìm xuồng”, có lẽ kết quả xếp hạng đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Sau bài viết phân tích hành vi "sờ mông", "ôm hôn" là dâm ô của tiến sĩ Vũ Thị Thúy, Zing.vn tiếp tục trao đổi cùng ông Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa Luật, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, người có nhiều nghiên cứu về vấn đề nhân quyền.
Không giải thích, cơ quan tố tụng mãi băn khoăn
Ông Quang cho biết hiện nay, do Bộ luật Hình sự (BLHS) không có định nghĩa cụ thể thế nào là “dâm ô” nên việc vận dụng pháp luật để tranh cãi về tội dâm ô trẻ em được dựa vào các nguồn sau: Thông tư liên tịch số: 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV của Hội đồng Thẩm phán TANDTối cao; các thông tư liên ngành TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an; bình luận khoa học BLHS; đại từ điển tiếng Việt.
Từ đó dẫn đến các cách hiểu khác nhau cũng như tranh cãi về việc hành vi "sờ mông", "ôm hôn" trẻ em có phạm vào tội dâm ô hay không?
"Khi luật không rõ ràng thì cần phải giải thích luật. Nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là luật phải được giải thích cho đúng quy trình, đúng trình tự. Hiện nay, theo Điều 49 luật Tổ chức Quốc hội quy định Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có trách nhiệm giải thích hiến pháp, luật", ông Quang nói.
Ông Nguyễn Khắc Thủy ban đầu không bị xử lý hình sự về hành vi dâm ô. Sau đó, nhờ sự đấu tranh miệt mài của gia đình các bé và sự lên tiếng của dư luận, ông ta mới lĩnh bản án 3 năm tù giam. Ảnh: Tiên Tiên. |
Cụ thể, UBTVQH tự mình hoặc theo đề nghị của Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc kiến nghị của đại biểu Quốc hội quyết định việc giải thích luật.
Quy trình này gồm ba bước: Một là soạn dự thảo nghị quyết giải thích luật. Theo đó, tùy tính chất, nội dung của vấn đề cần được giải thích, UBTVQH giao Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao hoặc Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội xây dựng dự thảo nghị quyết giải thích luật trình UBTVQH xem xét, quyết định.
Hai là thẩm tra dự thảo nghị quyết giải thích luật. Theo đó, nghị quyết này phải được Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội thẩm tra về sự phù hợp của dự thảo nghị quyết giải thích luật với tinh thần và nội dung quy định được giải thích của luật. Ba là UBTVQH thông qua và công bố nghị quyết giải thích luật.
Theo ông Quang, vấn đề đặt ra ngay lúc này là trách nhiệm của UBTVQH. UBTVQH là cơ quan thường trực của Quốc hội nên việc luật trao cho họ thẩm quyền này được hiểu là thay mặt Quốc hội để giúp cho hoạt động hành pháp và tư pháp được diễn ra thông suốt khi có những khúc mắc hay điểm mờ trong các văn bản pháp luật tương ứng.
"Nếu lúc này UBTVQH không giải thích cụ thể hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 của BLHS năm 2015, những tranh cãi sẽ không bao giờ ngừng, dư luận mãi bức xúc. Các cơ quan tố tụng sẽ mãi băn khoăn điều luật sẽ được hiểu như thế nào mới đúng, xử lý ra sao", giảng viên luật nêu quan điểm.
Giọt nước tràn ly
Ông Quang cho rằng việc dư luận phản ứng gay gắt với vụ ông Nguyễn Hữu Linh có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy là "giọt nước tràn ly" trong bối cảnh có quá nhiều vụ xâm hại trẻ em đã và đang xảy ra nhưng bị chìm xuồng hoặc xử lý theo kiểu "trêu ngươi".
"Trong vụ việc bé gái bị dâm ô trong thang máy, tính đến lúc này, chỉ vài vị ĐBQH lên tiếng nhưng cũng chỉ là những tiếng nói đơn lẻ. Ngoài những chỉ đạo chung chung thì chưa có bất kỳ nhà chức trách nào chỉ đạo cụ thể rõ ràng để khởi động tố tụng hình sự?", vị giảng viên nói thêm.
Ông Quang cho rằng trong vụ việc này, chính cách ứng xử chậm chạp của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở TP.HCM và UBTVQH đã góp phần không nhỏ thổi bùng nỗi bức xúc từ phía dân chúng. Thay đổi thì cần đi từ cái gốc - xây dựng thể chế chứ không phải là nên khởi tố người này hay bắt người kia.
"Không có ông Linh này thì có hàng trăm ông Linh khác nếu pháp luật thiếu minh bạch và bất hợp lý. Vụ này là cơ hội để chứng minh, nhìn nhận lại một cách nghiêm túc cả hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp", ông Quang nói.
Với trẻ em, ông Quang cho rằng đáng lẽ nên quy định cụ thể là chỉ cần tiếp xúc trái ý muốn, làm cho trẻ sợ thôi thì đã là dâm ô chứ đừng nói phải hôn hay sờ vào vùng kín. Tất cả các bộ phận của trẻ em đều nhạy cảm, phải hiểu như vậy. Đó mới là tư duy đúng về nhân quyền nói chung, quyền trẻ em nói riêng.
Vị giảng viên cũng nêu quan điểm khi luật pháp chưa rõ ràng, còn kẽ hở thì tòa án có thể nhân danh công lý lấp chỗ trống. Với các vụ án mà hành vi rõ ràng theo cách hiểu thông thường nhất là dâm ô thì tòa án hoàn toàn có thể biến thành một án lệ.
Điều 102 Hiến Pháp năm 2013 quy định rất rõ rằng tòa án không chỉ bảo vệ pháp luật, mà trước tiên là bảo vệ công lý. Nhiệm vụ đó đã trở thành tiền đề để tòa án công bố án lệ từ năm 2016.