Xuân Lan: “Thí sinh bị loại cần xem lại thái độ của mình”
- Chị nghĩ như thế nào về trường hợp thí sinh bị loại vì không biết nói lời cảm ơn gây tranh cãi khán giả những ngày qua?
- Thực ra, tôi nghĩ những cơ hội mà BGK cho các bạn thí sinh được đồng hành cùng chương trình, nắm bắt ước mơ theo đuổi nghề nghiệp, các bạn phải luôn trân trọng. Trong cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2014, việc thí sinh được chọn vào vòng trong là vô cùng khó khăn vì có hàng ngàn đối thủ. Thể hiện lời cảm ơn chỉ là việc hết sức đơn giản, hết sức dễ dàng, bởi vì tôi là ban giám khảo, là người cho các bạn đến gần hơn với cuộc thi. Hành động cảm ơn thể hiện sự tôn trọng của thí sinh đối với ban giám khảo.
Đối với trường hợp của thí sinh kể trên, khi bị chúng tôi nhắc nhở, cô ấy vẫn tỏ thái độ không có thiện ý, sau đó mới nói xin lỗi. Tôi hiểu cảm giác căng thẳng nên các bạn có thể quên lời cảm ơn, nhưng những thí sinh được mời vào vòng trong và thậm chí đi rất sâu, khi bị chúng tôi nhắc nhở, các bạn ấy liền tỏ thái độ rất chân thành.
Chúng tôi không có ác ý gì cả nhưng các bạn đó cần phải xem xét lại thái độ của mình. Vì ngay từ đầu, chúng tôi đã truyền đạt cho bạn ấy những kỹ năng ứng xử cần thiết mà bạn ấy còn không muốn tiếp thu huống hồ là những bài học chuyên môn kỳ công hơn khi được bước tiếp. Chúng tôi không muốn đào tạo những người nổi tiếng để sau này bị mắng là thầy cô giáo đào tạo ra những ngôi sao không biết cách ứng xử và thái độ không đúng mực.
Host mùa giải thứ 5 - Xuân Lan - được đánh giá là nữ giám khảo khó tính. |
- Đối với một thí sinh tiềm năng chỉ vỉ một lỗi như vậy mà phải bị loại, liệu các giám khảo của Vietnam’s Next Top Model 2014 có sợ làm đánh mất đi một tài năng trong tương lai?
- Vietnam’s Next Top Model năm nay có hàng ngàn thí sinh chất lượng và màu sắc rất rõ ràng. Chúng tôi phải rất khó khăn mới có thể tìm và lựa chọn ra 16 gương mặt xuất sắc để bước vào ngôi nhà chung. Thực sự, một tiềm năng mà không biết cách ứng xử thì làm sao mà có thể sánh bằng với những thí sinh khác vừa có tài năng lại vừa biết cách ứng xử.
Chúng tôi muốn đào tạo ra một thế hệ người mẫu biết cách ứng xử vì đó có thể là những gương mặt đại diện cho người Việt Nam khi ra với thế giới. Người xưa có câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Đi thưa về trình"... Chúng ta phải biết tôn trọng những người lớn tuổi hơn mình.
Chúng tôi luôn muốn trao cơ hội cho những thí sinh biết trân trọng cơ hội, biết trân trọng ban giám khảo. Chúng tôi không tiếc nuối trường hợp này và muốn dành cơ hội cho những người biết cách cư xử hơn.
- Theo chị, một người mẫu chuyên nghiệp cần những yếu tố gì?
- Ngoài yếu tố ngoại hình, chiều cao, sắc vóc, chính cá tính riêng và một cái đầu thông minh mới giúp các bạn có thể nắm bắt được kỹ thuật và các bài học chuyên môn mà chúng tôi truyền đạt. Bên cạnh đó, người mẫu phải biết lắng nghe, việc này giúp các bạn càng giỏi hơn và hoàn thiện hơn trong từng bước đi catwalk, nhất là cách biểu cảm trong khuôn mặt với những shoot hình khác nhau.
Hơn thế nữa, các bạn phải biết áp dụng kỹ thuật vào thực tế và biết ưu điểm, khuyết điểm của mình nằm ở đâu để biết chắt lọc và lựa chọn những điều phù hợp cho bản thân mình khi làm việc. Khi biết tất cả những điểm ở trên, các bạn sẽ biết cách làm thế nào để trở thành một người mẫu chuyên nghiệp tỏa sáng trên sân khấu không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế.
Adam Williams: “Cảm ơn cho thấy thái độ làm việc chuyên nghiệp"
- Anh nghĩ như thế nào về trường hợp thí sinh bị loại khi không biết nói lời cảm ơn gây tranh cãi gần đây?
- “Cảm ơn” là câu nói rất rất đơn giản nhưng lại mang một hàm nghĩa to lớn. Quán quân của chương trình Vietnam’s Next Top Model phải là người có khả năng truyền cảm hứng cho khán giả cũng như đại diện cho Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu bạn đã đủ tuổi để tham dự chương trình của chúng tôi, thì tôi tin bạn cũng đủ tuổi để hiểu được những quy tắc ứng xử cơ bản.
- Có một số bình luận nhận xét thí sinh đó không đáng bị loại mà chỉ nên bị nhắc nhở để rút kinh nghiệm cho lần sau, anh nghĩ như thế nào về việc này?
- Ban đầu, tất cả chúng tôi quyết định cho thí sinh này cơ hội vào vòng tiếp theo là vì chúng tôi đều nghĩ cô ấy có những tố chất của một người mẫu chuyên nghiệp. Nhưng không may, việc cô ấy không nói “cảm ơn” là một minh chứng rất rõ rằng cô ấy không có tố chất cần thiết của một người mẫu chuyên nghiệp, một tấm gương để các bạn trẻ noi theo. Điều đó cũng đồng nghĩa, cô ấy không đáp ứng được những tiêu chí mà chúng tôi tìm kiếm.
Chuyên gia catwalk đến từ Úc đảm nhận vai trò giám khảo xuyên suốt mùa giải năm nay. |
- Việc loại thí sinh vì đạo đức thay vì chuyên môn của giám khảo Next Top Model gây nhiều phản ứng, thậm chí còn khiến khán giả lo ngại, chương trình sẽ không có nhiều tài năng, anh trả lời sao?
- Có thể chúng tôi đã đánh mất một người mẫu tiềm năng trong tương lai, nhưng chúng tôi chắc chắn không đánh mất một người mẫu chuyên nghiệp thực thụ, hay còn gọi là một “top model”. “Top model” có những tố chất mà những người mẫu bình thường khó có thể đạt được.
Một “top model” có thể đại diện cho Việt Nam ở cả trong nước lẫn quốc tế. Đặc biệt trên trường quốc tế, kỹ năng ứng xử là kỹ năng quan trọng nhất của những người làm việc chuyên nghiệp. Không những thế, kỹ năng ứng xử và giao tiếp là kỹ năng rất cơ bản.
- Với anh, một người mẫu chuyên nghiệp cần những yếu tố gì?
- Yếu tố ưu tiên số một trong danh sách của tôi là thái độ làm việc chuyên nghiệp… và điều đó được thể hiện ở kỹ năng ứng xử.
Lý Ngọc Tâm - Thí sinh Vietnam's Next Top Model bị loại vì quên nói cám ơn
- Chị cảm thấy như thế nào khi trường hợp bị loại vì quên nói cảm ơn giám khảo của mình gây trãnh cãi nơi cộng đồng mạng?
- Ngay khi tập đầu tiên phát sóng, tôi nhận được rất nhiều lời hỏi thăm từ bạn bè và người thân. Thật sự, tôi sốc khi nghe những lời bình luận từ dư luận. Không ai hiểu cảm giác của tôi lúc đó như thế nào. Họ không đặt bản thân vào trường hợp của tôi nên cứ mặc nhiên bình luận chỉ trích.
Họ đâu biêt rằng đằng sau nét mặt lanh lùng lúc đi catwalk là nỗi sợ hãi run rẩy đến kinh hoàng, lúc mà gọi đến số báo danh, hai chân tôi quíu đến nổi không thể đứng vững. Lúc đối diện trước BGK đầu óc như trống rỗng.
Thật sự, nỗi sợ hãi đó quá lớn đến khi bước vào cánh gà không đối diện với BGK nữa. Tôi mới dám thở phào nhẹ nhõm và quay sang cười với giám khảo Adam.
- Theo bạn, giám khả làm như vậy là đúng hay sai?
- Về phía BGK, tôi không nói đúng hay sai vì họ là người có quyền quyết định và đánh giá thi sinh đậu hay rớt. Tôi nghĩ họ nói thì nên nghĩ cho thí sinh khi đánh giá về đạo đức của thí sinh, nên đặt mình vào hoàn cảnh của thí sinh. Họ khiến tôi bị tổn thương nghiêm trọng.
- Chị rút ra được cho mình bài học gì khi phải đối mặt với những khó khăn vừa qua?
- Qua sự việc này, tôi rút kinh nghiệm cho mình là phải dạn dĩ, đừng để sự run rẩy làm mất đi con người thật của mình. Bây giờ, tôi mạnh dạn hơn trước đám đông và tham gia các buổi thuyết trình của nhóm.
Tôi chưa nghĩ tới vấn đề sẽ quay lại tham gia cuộc thi tiếp hay không. Lúc này tôi vẫn còn sốc và chưa vượt qua được dư luân, điều mà trước giờ tôi chưa từng bị chỉ trích về nhân cách đạo đức. Chỉ mong mọi người hãy nhìn nhận và đặt mình vào vị trí của người khác trước khi phán xét.