Ngày 28/4, phiên xử phúc thẩm Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm bước sang ngày thứ 5. HĐXX tiếp tục làm rõ khoản "lại quả" hơn 1,6 triệu USD.
Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines) khai nhận việc thành lập đoàn khảo sát là do Trần Hữu Chiều trình. "Bị cáo khẳng định là anh Chiều không báo cáo là công ty Nga chào giá ụ nổi dưới 5 triệu USD, và trước đây bị cáo khai việc lại quả 1,666 triệu USD là do anh Dũng hoặc phải là người có quyền quyết định để thỏa thuận việc lại quả của Công ty AP. Sau này, tại phiên tòa thì bị cáo lại nghĩ khác vì thấy Sơn khủng khiếp quá", bị cáo Phúc khai.
Nguyên Tổng giám đốc Vinalines nói thêm, trong một cuộc họp bị cáo Dũng từng đe dọa sẽ báo cáo một lãnh đạo cấp cao cách chức nếu Phúc không tổ chức thực hiện việc mua ụ nổi 83M và để ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Trước thông tin này, Dương Chí Dũng khẳng định không nói như vậy.
Do xuất hiện một số tình tiết mới nên HĐXX nghỉ phiên tòa sớm hơn những ngày xử trước đó. |
"Nói ra thì không hay nhưng anh Phúc luôn chống đối Chủ tịch HĐQT, không tuân theo chỉ đạo. Nếu tham thì bị cáo trực tiếp làm với ông Goh, và không bao giờ chia cho Phúc vì bị cáo và Phúc có mâu thuẫn".
Về độ xác thực của lời khai "mua ụ nổi 83M, lại quả số tiền 1,666 triệu USD, một mình Sơn không thể thao túng được việc này", Dương Chí Dũng lý giải do sơ suất nên bị cáo ký vào bản cung này và không khai như vậy. Bị cáo thừa nhận việc mua ụ nổi 83M là tổn thất do quyết định đầu tư của Vinalines. Với tư cách là Chủ tịch HĐQT, bị cáo có trách nhiệm.
Trong phiên xử sáng 28/4, bị cáo Trần Hải Sơn khẳng định việc đưa tiền cho Dũng và Phúc là đúng và chắc chắn có. "Bị cáo đã nhiều lần đến nhà anh Dũng ở Hải Phòng vì nhà em gái bị cáo gần nhà anh Dũng. Bị cáo đưa cho anh Dũng 3 lần. Bị cáo đưa 3 lần tiền cho anh Phúc, lần thứ nhất 2,5 tỷ đồng và thứ 2 là 5 tỷ đồng ở nhà anh Phúc tại chung cư, làng quốc tế Thăng Long, còn lần thứ 3 là nhà anh Phúc ở Hải Phòng 2,5 tỷ đồng", nguyên Tổng giám đốc công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines nói.
Trước lời khai của Trần Sơn Hải khi đưa 5 tỷ đồng đến nhà, Mai Văn Phúc nhận rồi mang vào buồng cất, nguyên Tổng giám đốc Vinalines phản pháo rằng thông tin trên là không chính xác bởi ngôi nhà bị cáo ở Hải Phòng là ngôi nhà 3 gian thông nhau, không phân chia phòng khách. “Không có chuyện mang tiền vào buồng cất xong lại quay ra như lời khai của Sơn”, bị cáo Phúc nói.
Lý giải về việc đưa tiền cho Mai Văn Phúc trước Dương Chí Dũng, bị cáo Sơn trình bày: "Thời điểm đưa tiền cho anh Phúc và anh Dũng tôi chỉ nhớ khoảng thời gian và không nhớ đưa cho ai trước ai sau".
Ông Nguyễn Tuấn Khang, đại diện ủy quyền của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam trình bày: Trong giao dịch rút tiền bằng chứng minh thư thì không giới hạn tiền là bao nhiêu. Và việc lưu giữ giấy tờ rút tiền của khách hàng bằng chứng minh thư là 30 năm.
Khi trả lời cơ quan điều tra đối với việc xác minh rút tiền của Trần Hải Sơn thì ngân hàng Hàng hải có văn bản trả lời là không tra soát được là như thế nào? Trả lời câu hỏi của chủ tọa, ông Khang nói: "Về việc này tôi không nắm được, nếu khách hàng có thông tin đầy đủ thì ngân hàng sẽ tra soát được. Còn trường hợp của ông Sơn thì tra soát trên phần mềm thì giao dịch này không ra".
Bị hỏi cụ thể về số lần đưa tiền lấy ở đâu và gia đình Phúc như thế nào thì Sơn nói không nhớ chi tiết.
Trả lời luật sư Trần Đại Thắng về việc Sơn đưa tiền 5 tỷ cho Dương Chí Dũng, bà Trần Thị Hải Hà (em gái Sơn) trình bày: "Khi anh tôi nói chuẩn bị 5 tỷ đồng để anh đưa cho anh Dũng "tổng" thì tôi chuẩn bị. Tôi chỉ biết anh tôi nói hẹn được bác tầm chiều, còn cụ thể giờ thế nào tôi không biết”.
Chiều nay, HĐXX công bố mới nhận được một số tài liệu trong đó có bản ghi nhớ hợp đồng mua ụ nổi; bảng tính toán theo hợp đồng mua bán giữa AP và Nakhodka, giấy chứng nhận xoá đăng kiểm tàu Nakhodka, biên bản kiểm tra chi tiết hàng hoá…
HĐXX cho biết do mới nhận được nên chưa công bố. Toà sẽ gửi các luật sư xem xét.
15h30 tòa quyết định tạm nghỉ để nghiên cứu. 8h ngày 29/4 tòa tiếp tục làm việc.