Nghị định của Chính phủ vừa ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. So với Nghị định hiện hành, Nghị định này có nhiều điểm mới.
Theo Nghị định này, với các cơ sở giáo dục ĐH nếu không thành lập Hội trường theo quy định sẽ bị phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Đối với vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh ở bậc ĐH, theo Nghị định mới ban hành thay thế cho Nghị định năm 2013, mức phạt cũng đã tăng lên và tách thành từng trình độ đào tạo.
Nghị định của Chính phủ vừa ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. |
Với trình độ ĐH, mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 70 triệu đồng. Còn với trình độ sau đại học, mức phạt thấp nhất là 10 triệu đồng và cao nhất là 80 triệu đồng.
Trong khi đó, ở quy định cũ, việc tuyển vượt chỉ tiêu từ cao đẳng lên đến tiến sĩ có chung mức phạt, thấp nhất là 2 triệu đồng và cao nhất là 60 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định nếu cơ sở giáo dục kỷ luật người học không đúng quy định hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) có thể bị phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với mỗi một hành vi.
Nghị định cũng quy định mức phạt tiền tối đa với cá nhân là 50-100 triệu đồng đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giáo dục.
Có thể thấy, nghị định này, các cơ sở giáo dục sẽ phải tuân thủ luật pháp, các quy định chặt chẽ hơn bởi nghị định đã rà soát khá kỹ những sai phạm trong lĩnh vực giáo dục.
So với Nghị định được ban hành năm 2013, Nghị định lần này quy định cụ thể rất nhiều hành vi vi phạm hành chính trong giáo dục.
Các hành vi vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục hoặc tổ chức thực hiện dịch vụ giáo dục; chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục.
Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh; các hành vi vi phạm quy định về nội dung chương trình, đào tạo liên thông, liên kết; các hành vi vi phạm quy định về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập.
Ngoài ra là các hành vi vi phạm quy định về tư vấn du học; hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục; các hành vi vi phạm quy định về quản lý, cấp và sử dụng văn bằng, chứng chỉ; các hành vi vi phạm quy định đối với nhà giáo và người học; các hành vi vi phạm quy định về cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 10/3 tới.