Trong tâm thức của mỗi người Việt, bữa cơm tất niên chiều 30 Tết luôn là một ký ức đẹp đẽ. Đó là khoảnh khắc thiêng liêng mỗi năm chỉ có một, khi cả gia đình sum vầy bên nhau, cùng ôn lại những chuyện đã qua và kể nhau nghe những dự định sắp tới. Dù bận rộn đến đâu, mỗi người đều cố gắng thu xếp công việc để kịp trở về bên bữa cơm tất niên tươm tất, đầy đủ các món ăn truyền thống.
Theo quan niệm của ông bà xưa, bữa cơm tất niên thể hiện sự no ấm và sung túc. Nhờ bao thế hệ giữ gìn, mâm cỗ chiều 30 Tết giữ được phong vị truyền thống đến tận ngày nay. Mỗi món ăn đều mang đến ý nghĩa riêng, chứa đựng những lời chúc tốt lành cho một năm mới vạn sự như ý, tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Mỗi món ăn trong bữa cơm tất niên đều mang đến lời chúc tốt lành cho năm mới. |
Tùy theo tập tục của từng vùng miền, bữa cơm ngày Tết sẽ có những đặc trưng riêng, nhưng nhất định phải có gà luộc, bánh chưng/bánh tét, dưa hành, giò chả, canh măng/canh khổ qua… Đây đều là những món cần chuẩn bị nhiều nguyên liệu, yêu cầu chế biến tỉ mỉ và nấu nướng công phu. Nhờ vậy, món ăn mới mang lại được đúng ý nghĩa mà ông bà ta muốn gửi gắm.
Thông thường, mâm cơm cúng tất niên của nhà nào cũng phải có gà trống luộc. Gà phải được luộc thật khéo, giữ được lớp da vàng óng, mượt mà, được tạo dáng đẹp và chắc chắn. Gà vốn là loài vật quen thuộc với con người, biểu trưng cho sự cương trực và mạnh mẽ, mang đến sức khỏe và công danh. Đồng thời, gà luộc còn có ý nghĩa đánh thức mặt trời trong thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, từ đó nhận về nhiều may mắn.
Dù có đủ món ngon, trên mâm cỗ tất niên, bánh chưng vẫn luôn được đặt ở vị trí trung tâm và mang ý nghĩa thiêng liêng. Với hình dáng vuông vức, bánh chưng thể hiện sự biết ơn với trời đất, cầu chúc một năm no ấm, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Ngoài ra, bánh còn thể hiện sự trân trọng đối với công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Để điều chỉnh phù hợp với thói quen ăn uống, người miền Nam còn biến tấu bánh chưng thành bánh tét, thể hiện mong muốn an cư lạc nghiệp, cầu chúc một năm bình an.
Bánh chưng có ý nghĩa cầu chúc một năm no ấm. |
Giò chả mang ý nghĩa cầu mong “trong ấm ngoài êm”, hàm ý tạo ra phúc lộc đầy nhà, mang đến một năm may mắn. Giò chả thường được ăn kèm với dưa hành hay củ kiệu - một món được ưa chuộng trong ngày Tết của cả 3 miền. Nhờ vị chua nhẹ, cay dịu, thơm nồng của hành sẽ giúp các món như giò chả bớt ngậy và hỗ trợ tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Trong quan niệm của người xưa, củ kiệu, dưa hành ngày Tết tượng trưng cho tiền bạc, vinh hoa và phú quý.
Mâm cỗ ngày Tết thường có nhiều món nước như canh măng khô nấu giò, canh khổ qua. Mùi thơm ngào ngạt của măng khô hòa quyện với vị béo ngậy của giò làm nên hương vị Tết đậm đà, khó quên. Canh măng khô nấu giò có ý nghĩa là vạn sự tốt lành, no ấm cả năm. Trong khi đó, ăn canh khổ qua vào dịp Tết tượng trưng cho hy vọng mọi khó khăn trong năm cũ sẽ qua đi để năm mới suôn sẻ, thuận lợi.
Thịt đông và thịt kho tàu đều có ý nghĩa mang đến sự sum vầy. |
Ngoài ra, mâm cỗ miền Bắc còn có món thịt đông, miền Nam có thêm sự hiện diện của thịt kho tàu. Chế biến nhiều nguyên liệu kết dính với nhau, thịt đông thể hiện cho sự gắn bó, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của các thành viên trong gia đình. Còn ăn thịt kho tàu ngày Tết tượng trưng mong muốn no ấm, sum vầy.
Càng tìm hiểu, chúng ta lại càng khám phá được nhiều nét đẹp văn hóa trong tập tục truyền thống của người Việt. Tết không ở đâu xa mà nằm ngay trong chính những món ăn truyền thống mà các bà, các mẹ dành hết tâm huyết nấu nướng trong chiều 30. Và quan trọng hơn hết, chúng ta chỉ thật sự cảm nhận được giá trị của Tết trong niềm vui sum vầy bên mâm cơm ấm cúng, cùng gắp cho nhau những món ăn thân thuộc và trao gửi lời chúc tốt lành cho năm mới.
Zing cùng Coca-Cola đồng hành thực hiện tuyến bài “Điều giản dị làm nên Tết diệu kỳ” nhằm lan toả niềm vui và hy vọng về Tết diệu kỳ cùng một năm mới lạc quan. Các hoạt động thuộc chiến dịch cùng tên của thương hiệu sẽ được cập nhật tại fanpage Coca-Cola.
Bình luận