Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Y tá mùa dịch: 'Tôi thấy mình như siêu anh hùng cứu thế giới'

Trong thời điểm này, dù làm việc ở những quốc gia khác nhau, hầu hết y tá đều sẵn sàng hy sinh bản thân để chống dịch, bảo đảm an toàn cho xã hội.

Zing trích dịch bài đăng BBC, đề cập đến câu chuyện của ngành y tá điều dưỡng trên thế giới trong mùa dịch Covid-19.

Trong thời điểm hơn 4 triệu người dương tính Covid-19 trên toàn cầu, ngành y tá điều dưỡng chưa bao giờ quan trọng hơn đến vậy.

Bức ảnh nữ y tá Elena Pagliarini kiệt sức ngủ gục trên bàn làm việc cho thấy rõ thực trạng của đội ngũ nhân viên y tế ở Italy. Đây là tâm dịch đầu tiên ở châu Âu với số ca dương tính Covid-19 tăng nhanh "như một cơn sóng thần".

“Chúng tôi làm việc xuyên đêm và liên tục phải chứng kiến bệnh nhân chết ngay trước mắt. Tới 6 giờ sáng, tôi ngồi vào bàn và ngủ gục luôn. Đó là khoảnh khắc bình yên nhất trong ngày”, Elena kể lại về tấm ảnh được đồng nghiệp chụp trộm.

cau chuyen y ta mua dich anh 1

Elena Pagliarini kiệt sức trên bàn làm việc. Ảnh: Reuters.

Cô hoàn toàn không nhận ra tầm ảnh hưởng của bức hình đó cho đến khi nhận được lời mời phỏng vấn từ các nhà báo. Elena nói: “Tấm ảnh đó đại diện cho toàn thể các y bác sĩ chúng tôi. Tôi tự hào về ngành nghề của mình”.

Tới giữa tháng 3, khi các bệnh viện chật cứng các bệnh nhân với hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, Elena bị nhiễm virus và phải ở nhà 23 ngày. Cô trở lại làm việc từ đầu tháng 4, đúng lúc Italy chạm đỉnh dịch. Có ít nhất 160 nhân viên y tế ở quốc gia này qua đời khi thực hiện nhiệm vụ.

Sau đó, số ca dương tính giảm đáng kể và tình hình ở các bệnh viện có thể kiểm soát được. Elena cho biết: “Hiện Italy đang bước vào giai đoạn 2. Chúng tôi vẫn còn nhiều ca nhiễm mới nhưng triệu chứng bệnh của họ nhẹ hơn trước”.

Gabriela Serrano (31 tuổi), một y tá tự do tham gia chống dịch ở San Francisco (Mỹ), nhớ lại ngày cô chứng kiến bệnh nhân Covid-19 đầu tiên được xuất viện. Cô nói: “Khi tôi đẩy xe lăn ra ngoài, bà ấy vui lắm vì lâu rồi không được đón nắng và tận hưởng bầu không khí trong lành”.

“Cũng có 2 người nữa chiến thắng được Covid-19 dù họ đã ngoài 70 và có bệnh lý nền. Điều này đem lại cho tôi hy vọng”, cô chia sẻ.

Tuy nhiên, những nỗ lực của cô chưa được đền đáp xứng đáng. Do số ca nhiễm mới giảm, bệnh viện liền chấm dứt hợp đồng với Gabriela vì bản thân cô chỉ là một y tá tự do và ký hợp đồng ngắn hạn.

“Dù vậy, tôi khá lạc quan trong chuyện tìm việc làm mới trong tháng tới”, cô vui vẻ nói.

Niềm tự hào của gia đình và đất nước

Mzwakhe Mohlaloganye (37 tuổi) đã làm y tá được 5 năm. Ông bố 2 con này cũng tự nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch ở thành phố Johannesburg (Nam Phi) kể từ tháng 3.

cau chuyen y ta mua dich anh 4

Anh Mzwakhe làm việc ở tuyến đầu chống dịch tại Nam Phi. Ảnh: BBC.

Đối với Mzwakhe, đây là một cơ hội đặc biệt để nghiên cứu về Covid-19 và cách nó ảnh hưởng tới các bệnh nhân. Nhưng gia đình anh lo lắng cho sức khỏe của Mzwakhe nhiều hơn.

“Ban đầu, gia đình không ủng hộ vì sợ tôi nguy hiểm. Tuy nhiên, khi họ thấy bức ảnh tôi được trang bị thiết bị bảo hộ đầy đủ, họ đã an tâm hơn”, anh chia sẻ.

Có thể nói, Nam Phi có những phản ứng nhanh với dịch Covid-19. Ngay từ những ca dương tính đầu tiên, quốc gia này áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, đặc biệt là hạn chế đi lại.

Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm trong cộng đồng và nâng cao nhận thức của người dân cũng góp phần giảm thiểu số ca lây nhiễm. Những người trên 59 tuổi hoặc mắc các bệnh lý nền được ưu tiên kiểm tra sức khỏe trước.

cau chuyen y ta mua dich anh 5

Các nhân viên y tế ở Kenya đeo thiết bị bảo hộ trước khi vào ca làm. Ảnh: Reuters.

Anh kể lại: “Mẹ tôi nói rằng bà tự hào khi có người con trai sẵn sàng chiến đấu vì sự an toàn của xã hội. Điều này khiến tôi thấy mình như một siêu anh hùng giải cứu đất nước vậy”.

Mzwakhe cũng nhận thấy ngành nghề của anh được tôn trọng hơn bao giờ hết.

“Đừng bỏ cuộc nhé hỡi các đồng nghiệp. Các bạn phải cố gắng ngăn chặn được dịch bệnh”, anh nói.

Trước khi dịch bùng phát, Shanti Teresa lakra tình nguyện tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe cho các dân tộc ít người sắp tuyệt chủng ở Ấn Độ trên đảo Andaman và Nicobar.

Đồng thời, cô được nhận giải Florence Nightingale, giải thưởng danh giá nhất ở quốc gia này dành cho các y tá điều dưỡng.

cau chuyen y ta mua dich anh 6

Nữ y tá Shanti Teresa lakra. Ảnh: BBC.

“Ngày 24/3, chúng tôi hay tin Ấn Độ đã xuất hiện ca dương tính Covid-19 đầu tiên. Lập tức tôi nghĩ tới 2 bệnh nhân dân tộc thiểu số đang được tôi chăm sóc tại bệnh viện. Tôi phải yêu cầu họ xuất viện ngay khi có thể”, nữ y tá nhớ lại.

Hai bệnh nhân ở câu chuyện trên là cậu bé 5 tuổi ở bộ lạc Jarawa bị viêm phổi và phụ nữ người Shompen đang điều trị khả năng sinh sản.

Tộc Jarawa sống bằng nghề săn bắt hái lượm trong rừng bảo tồn, cách nơi Shanti làm việc 80 km. Sau khi cậu bé xuất viện, đích thân cô đến tận nơi trú thân để hỏi thăm. Ngoài ra, cô cũng khuyên cả bộ tộc nên vào sâu trong rừng hơn nữa để tránh nhiễm Covid-19.

“Khả năng miễn dịch của họ thấp. Chỉ cần một ca dương tính với virus thôi có thể đe dọa tính mạng của cả tộc người”, cô nói.

Disneyland mở cửa, khách phải có chứng nhận sức khỏe mới được vào chơi

Sau hơn 3 tháng ngừng hoạt động, công viên Disneyland tại Thượng Hải (Trung Quốc) chính thức mở cửa trở lại. Các fan của nhà chuột Mickey đã nhanh chóng "vét sạch" vé vào cửa.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm