Dự án “Huy động khối tư nhân tham gia đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - PEPHER”, là dự án phi lợi nhuận do PSI Việt Nam (Tổ chức dịch vụ dân số quốc tế) thực hiện, nhằm nâng cao năng lực đội ngũ y tế tư nhân, chung sức với chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Xuyên suốt dự án, các dược sĩ vẫn thầm lặng ngày đêm cống hiến cho nền y tế nước nhà.
Trong thời điểm hiện tại, khi dịch bệnh bùng phát, những dược sĩ, bác sĩ tư nhân là người tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng. Với những người bán thuốc, họ tiếp xúc ban đầu với người có triệu chứng nhiễm bệnh. Bởi vậy, họ đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm cao.
Những dược sĩ, bác sĩ tư nhân là người tiếp xúc trực tiếp với cộng đồng. |
Chị Lan Hương, một dược sĩ trẻ, tâm sự về công việc của mình: “Tôi nhớ có những hôm phải đeo khẩu trang đứng bán thuốc liên tục hàng chục giờ liền. Dù khách cứ hàng này nối tiếp hàng khác, tôi vẫn nhiệt tình tư vấn cho từng người, hướng dẫn khai báo y tế cho những ai có triệu chứng ho sốt”.
Biết bao áp lực đè nặng lên đôi vai của người dược sĩ. Không chỉ dừng ở những giấc ngủ dở dang, những bữa ăn vội vàng, họ còn chấp nhận đối diện với nguy cơ cao lây nhiễm từ cộng đồng. Thế nhưng, họ chẳng vì thế mà sợ hãi hay từ bỏ công việc của mình. Thay vào đó, họ càng kiên cường hơn trên chính con đường đã chọn lựa.
Đây là thời điểm nhiều áp lực đè nặng lên đôi vai của người dược sĩ. |
Chị Kiều Thùy Linh, một dược sĩ trẻ làm việc 2 năm tại quầy thuốc trên đường Cổ Nhuế, tâm sự: “Người dược sĩ nào khi lựa chọn công việc này trước hết cũng với tâm nguyện vì người bệnh. Ngày nào tôi còn yêu nghề thì ngày đó khó khăn không thể quật ngã được”.
Chị chia sẻ thêm, hiện tại, công việc của chị ngoài kê thuốc còn có theo dõi sức khỏe của mọi người. Với những người có các triệu chứng nhiễm bệnh ban đầu như ho, sốt, khó thở, dù lo lắng nhưng chị vẫn hướng dẫn họ khai báo y tế tại các cơ sở gần nhất, đồng thời tiếp nhận và báo cáo thông tin dịch tễ thường xuyên cho các cơ quan chuyên trách.
Các dược sĩ mong muốn được chia sẻ gánh nặng với hệ thống y tế nhà nước bằng những cống hiến của mình mỗi ngày. |
Trước những thách thức mà đất nước và thế giới đang đối mặt, dược sĩ Lâm Hà bày tỏ: “Chúng tôi luôn mong muốn được chia sẻ gánh nặng với hệ thống y tế nhà nước bằng những cống hiến của mình mỗi ngày, giúp mọi người có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc khám chữa bệnh. Đồng thời, tôi mong muốn không chỉ đội ngũ y tế tư nhân mà cả người bệnh nói riêng và cộng đồng nói chung sẽ cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh này”.
Tại mỗi điểm bán thuốc, các dược sĩ luôn làm tốt vai trò truyền thông cho khách nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng. Ý thức và trách nhiệm cao quý của người thầy thuốc giúp đội ngũ y tế tư nhân dễ dàng vượt qua được những khó khăn để làm tốt vai trò của mình, cống hiến cho xã hội.
Tháng 8, tổ chức dịch vụ dân số quốc tế tại Việt Nam (PSI Việt Nam) khởi động dự án phi lợi nhuận “Huy động khối tư nhân tham gia đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng” (viết tắt là PEPHER). Dự án do Bộ Phát triển quốc tế Anh (DFID) và Tập đoàn Unilever đồng tài trợ, được PSI Việt Nam thực hiện dự kiến trên 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Thái Nguyên. Dự án PEPHER là lời kêu gọi mạnh mẽ sự chung tay của các đơn vị y tế tư nhân, thông qua các chương trình đánh giá và đào tạo nâng cao năng lực y tế; xây dựng quy trình báo cáo mẫu các ca nhiễm, nghi nhiễm; cung cấp các vật tư vệ sinh thiết yếu và truyền thông cộng đồng ngay tại cơ sở. Độc giả tham khảo chi tiết về dự án tại đây.
Bình luận