Tối 31/12, giới trẻ Hà thành tập trung quanh khu vực Hồ Gươm tham gia chương trình Countdown chào đón năm mới. Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh đẹp trong thời khắc tạm biệt năm cũ, không ít câu chuyện về ý thức của giới trẻ nơi công cộng khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Vô tư giẫm đạp hoa, trèo cây, xả rác
Chen nhau tìm chỗ đứng đẹp trong đêm giao thừa, nhiều bạn trẻ vô tư giẫm đạp lên các bồn hoa ven hồ. Một số thanh niên khác trèo lên các cây lớn để... tạo dáng chụp ảnh, tạo ra cảnh tượng phản cảm nơi công cộng. Những hình ảnh này lan truyền trên một số diễn đàn dành cho người trẻ, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Giới trẻ vô tư giẫm đạp lên vườn hoa ở Hồ Gươm, khiến nơi đây bỗng chốc biến thành bãi đất trống. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ngoài ra, không ít người còn xả rác bừa bãi, vứt túi nilon, vỏ chai xuống ngay chỗ ngồi, thay vì đem đến thùng rác gần đó. Hơn 40 bạn nhóm Dấu chân tuổi trẻ đã nán lại để nhặt rác và giúp lao công dọn dẹp đường phố.
Nhìn vườn hoa bị giẫm đạp, những người qua đây lắc đầu tiếc nuối. Bình luận về những hình ảnh trên, bạn Lê Ngọc viết: "Không phải công dân thủ đô, mình vẫn thấy hổ thẹn cho hành động của một số bạn trẻ. Các bạn ấy ăn mặc đẹp nhưng ý thức kém quá".
Bạn Thu Hà đặt câu hỏi: Vì sao các bạn trẻ không nghĩ đến công sức của người lao động để có được vườn hoa đẹp. Vườn hoa cũng là tài sản của Hà Nội và của các bạn mà. Đó là hành vi văn hóa ứng xử nơi công cộng, chứ không chỉ hành động nhất thời nữa.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều về việc này. Bạn Thảo Nguyễn cho rằng, không thể trách người dân. Lượng người tập trung quá đông ở một khu vực làm sao không chen chúc và giẫm lên vườn hoa được.
Hai thanh niên trèo hẳn lên cây cao để tạo dáng chụp ảnh. Ảnh: Anh Tuấn. |
Hành động nhỏ, hậu quả lớn
Trước đó, hành vi giẫm đạp hoa tại thung lũng hoa Hồ Tây (Hà Nội) và cánh đồng hoa hướng dương ở Nghệ An, Đà Lạt bị lên án. Chỉ vì một bức ảnh, nhiều bạn trẻ đã phá hỏng công sức trồng trọt và chăm sóc của chủ vườn hoa.
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Trưởng khoa Tâm lý học, ĐH Sư Phạm TP HCM, ý thức nơi công cộng của một số người dân còn hạn chế, trong đó có không ít bạn trẻ. Không thể đổ lỗi cho ban tổ chức, điều kiện khách quan mà mọi thứ phụ thuộc khá nhiều vào ý thức của mỗi người.
"Có thể vì điều kiện xung quanh, môi trường, những thách thức hay sự lôi kéo của người khác, nhưng nếu chúng ta ý thức tốt, kiểm soát được chính mình, thì vấn đề cũng không đến nỗi trầm trọng", tiến sĩ Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, những hành động thiếu văn hóa như vậy xảy ra không ít trong cuộc sống do nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý "cha chung không ai khóc". Những biểu hiện thiếu văn minh kéo theo hàng loạt hệ lụy xấu nếu mỗi cá nhân không biết kiểm soát chính mình. Một hành động nhỏ nhưng hậu quả có thể rất lớn.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn khuyên giới trẻ nên nhìn xa hơn đến quá trình lao động rơi cả mồ hôi lẫn nước mắt của người lao động để kiểm soát hành vi bản thân tốt hơn. Theo ông, chắc chắn không thể tạo nên hiệu ứng toàn cục ngay lập tức, nhưng sẽ bớt đi những hành vi thiếu cân nhắc, từ đó giảm hậu quả đáng buồn.
Trong khi đó, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) đề cập góc độ: Giới trẻ ngày nay sẵn sàng hy sinh danh dự của bản thân để đạt được mục đích nổi tiếng trên thế giới ảo. Theo bà, đây là hệ lụy của việc giáo dục chưa tốt ở nhà trường, gia đình và một phần nguyên nhân từ việc sử dụng mạng xã hội chưa thực sự đúng đắn.