Cụ thể, công ty Yakult đã thúc đẩy quan điểm cho rằng chế phẩm sinh học probiotics trong sản phẩm của mình có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị Covid-19, Shine đưa tin.
Chi nhánh của nhãn hiệu Yakult Nhật Bản tại Thượng Hải (Trung Quốc) bị cơ quan quản lý thị trường ở Pudong New Area phạt 450.000 nhân dân tệ (69.767 USD) vì quảng cáo gây hiểu nhầm.
Mức phạt hành chính được đưa ra dựa trên luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc.
Chi nhánh của Yakult ở Trung Quốc bị xử phạt vì quảng cáo gây hiểu nhầm. |
Theo thông báo phạt hành chính do Cơ quan quản lý thị trường đưa ra, quảng cáo trên cản trở sự cạnh tranh công bằng giữa các nhãn hiệu đồ uống có chứa lợi khuẩn khác.
Công ty này cũng bị phát hiện đã trích dẫn không đúng về "Quy trình chẩn đoán và điều trị bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới" trong quảng cáo của mình. Điều này sẽ tạo ra niềm tin y tế đối với thức uống Yakult lactobacillus trong công chúng.
Công ty Yakult cũng bị phát hiện có những nội dung quảng cáo gây hiểu lầm khác.
Thương hiệu này từng tuyên bố rằng việc bổ sung lợi khuẩn đường ruột mỗi ngày là cần thiết để duy trì sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên, quảng cáo trên cũng khiến người tiêu dùng nhầm tưởng rằng không sử dụng lợi khuẩn đường ruột hàng ngày là có hại cho sức khỏe.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, một số nhãn hàng đã cố tình lợi dụng tâm lý lo lắng của người tiêu dùng để quảng cáo sai sự thật để bán hàng.
Cuối tháng 5, thương hiệu bán lẻ Mosaic Brands Limited đã bị cơ quan giám sát người tiêu dùng của Australia phạt 630.000 USD vì quảng cáo sai sự thật về sản phẩm "COVID-19 Health Essentials", bao gồm dung dịch rửa tay và khẩu trang dành cho trẻ em.
Những sản phẩm dung dịch rửa tay của Mosaic Brands không đủ tiêu chuẩn để phòng ngừa Covid-19. |
Theo ABC News, công ty này đã tuyên bố các sản phẩm dung dịch rửa tay Air Clean và Miaoyue Sanitiser của họ chứa 70% cồn.
Theo Cơ quan Quản lý Sản phẩm Trị liệu, nước rửa tay phải chứa ít nhất 60% cồn để có hiệu quả chống lại virus gây ra Covid-19. Các sản phẩm dựa trên công thức của WHO cần phải chứa ít nhất 80% etanol hoặc 75% cồn isopropyl.
Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm mẫu của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cho thấy Air Clean chứa 17% cồn, còn Miaoyue chỉ chứa 58% cồn.
Khẩu trang an toàn cho trẻ em KN95 cũng được hãng này bán với tuyên bố đã được "Chứng nhận FDA/CE", nhưng ACCC cho biết không phải như vậy.
Mặc dù gây hiểu lầm cho người mua về chất lượng và hiệu quả của sản phẩm, người tiêu dùng vẫn được thông báo rằng sản phẩm không được hoàn lại tiền, đây là hành động đi ngược lại luật bảo vệ người tiêu dùng của Australia.
Ngoài việc trả tiền phạt, Mosaic Brands đồng ý hoàn lại tiền cho hàng trăm khách hàng đã mua bất kỳ sản phẩm nào được liệt kê trong danh sách sai phạm.
Công ty sau đó đã gửi lời xin lỗi đến người tiêu dùng, nói rằng họ "rất thất vọng" vì sự cố này.