Nếu dự luật trên được quốc hội thông qua, Hàn Quốc sẽ là quốc gia phát triển đầu tiên yêu cầu camera ghi lại quá trình phẫu thuật, theo AsiaOne.
Nỗ lực xây dựng luật yêu cầu trang bị camera trong phòng mổ được thúc đẩy sau vụ việc vào năm 2016, khi bác sĩ phẫu thuật tại viện thẩm mỹ tư nhân bị cáo buộc đã chỉ định y tá hoặc bác sĩ không đủ trình độ thực hiện các thủ thuật, dẫn đến cái chết của bệnh nhân.
Nạn nhân là Kwon Dae-hee, khi đó đang là sinh viên đại học. Anh tử vong vì xuất huyết vào tháng 10/2016, sau 49 ngày hôn mê do hậu quả của một cuộc phẫu thuật hàm ở Seoul.
Kwon Dae-hee tử vong sau khi bị bác sĩ không đủ trình độ thực hiện phẫu thuật cằm. Ảnh: CNN. |
Mẹ của anh, bà Lee Na-geum (61 tuổi) nói với Reuters rằng con trai đã không báo với gia đình về cuộc phẫu thuật này.
Con trai của bà Lee từng tổn thương do bị bắt nạt ở trường trung học vì chiếc cằm của mình, vì vậy anh đã quyết tâm trả 6,5 triệu won để phẫu thuật thẩm mỹ.
Lee cho biết bà cảm thấy may mắn khi có được đoạn phim CCTV về ca phẫu thuật của con trai, bởi có hàng trăm bậc cha mẹ sẽ không bao giờ biết được nguyên nhân cái chết của con mình trên bàn mổ.
Bà đã xem đi xem lại đoạn phim dài 7 tiếng rưỡi về ca phẫu thuật của Kwon nhiều lần.
Bà tin rằng nó được thực hiện một phần bởi một trợ lý điều dưỡng không đủ trình độ và một bác sĩ thực tập, chứ không phải bởi bác sĩ thẩm mỹ, bởi cùng thời điểm, bác sĩ phẫu thuật theo hợp đồng đang giải quyết 2 cuộc phẫu thuật khác cùng một lúc.
Kết quả, Kwon mất hơn 3,5 lít máu và chết vì xuất huyết quá nhiều.
Với bằng chứng video thu thập được, Lee đã kiện bệnh viện và bác sĩ phẫu thuật chính. Người này sau đó bị kết tội ngộ sát và bị kết án 3 năm tù.
"Đó là một tội ác y tế khi 'bác sĩ ma' thực hiện phẫu thuật chứ không phải bác sĩ được thuê mà không có sự đồng ý của bệnh nhân. Nhiều gia đình khác không thể tiết lộ sự thật khi con họ chết trên bàn mổ vì họ không có bằng chứng xác thực", bà Lee nói.
Bà Lee đã cố gắng nhiều năm để đòi lại công bằng cho con trai. Ảnh: CNN. |
Nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm sửa đổi Đạo luật Dịch vụ Y tế để yêu cầu phải lắp camera giám sát, chủ yếu ngăn chặn các "bác sĩ ma" phẫu thuật không có giấy phép - một hành vi có thể bị phạt tối đa 5 năm tù giam hoặc 50 triệu won.
Dự luật nhận được sự ủng hộ lớn từ công chúng. Trong một cuộc thăm dò của Ủy ban Nhân quyền và Chống Tham nhũng, một cơ quan độc lập của chính phủ, vào tháng 6, dự luật đã nhận được sự tán thành của 97,9% trong số 13.959 người được hỏi.
Tuy nhiên, dự luật đã vấp phải sự phản đối từ các bác sĩ, bệnh viện và các nhóm y tế, bao gồm Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA) với 140.000 thành viên. Họ tuyên bố việc giám sát bằng video sẽ làm mất lòng tin đối với các bác sĩ, vi phạm quyền riêng tư của bệnh nhân và không khuyến khích các bác sĩ chấp nhận rủi ro để cứu sống người bệnh.
"Chúng tôi nghĩ rằng sự tin tưởng là chìa khóa trong mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân.
Nhiều người đã bày tỏ ý định không nộp hồ sơ vào các khoa phẫu thuật nếu hệ thống camera quan sát được lắp đặt trong các phòng phẫu thuật, điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ của một bộ phận chăm sóc y tế thiết yếu của Hàn Quốc", phát ngôn viên KMA Park Soo-hyun nói với Reuters.