Mới đây, bức ảnh người cha chịu mưa ướt áo, che ô cho con thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Anh Đồng Xuân Tứ - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện kỹ năng Đồng Đội, giảng viên Kỹ năng mềm ĐH FPT - đã có những chia sẻ với Zing.vn về khoảnh khắc này cùng việc dạy con trong cuộc sống hàng ngày.
Vì sao bức ảnh được nhiều người quan tâm đến vậy?
Đa số những người xem hình trên đều xúc động bởi đã lâu không có tình cha con nào trở thành kiểu mẫu hoặc mang tính đại diện cho truyền thông. Bức ảnh đã lột tả sự khao khát của các bạn trẻ được cha mẹ quan tâm, thấu hiểu và đồng hành… Trong cuộc sống, cha mẹ là người bạn chân thành nhất trên mọi nẻo đường đời của con. Sự hy sinh của họ dành cho con là vô điều kiện và suốt đời.
Bức ảnh ông bố toàn thân ướt sũng, che ô cho con trai gây xúc động. Ảnh: CCTV News. |
Cuộc sống vận động quá nhanh và mạnh khiến người lớn lao vào cuộc sống mưu sinh. Nhiều người không đủ thời gian hoặc quên mất bổn phận làm cha làm mẹ của mình. Đó là việc dành thời gian cho con trẻ, từ đó đồng cảm, thấu hiểu và sẻ chia cùng con.
Một lẽ khác, bức ảnh gây xúc động mạnh bởi ai cũng muốn được quan tâm, che chở và nâng niu trong vòng tay cha mẹ. Nhưng sự quan tâm quá mức, che chở quá đà đôi khi sẽ làm cho đứa trẻ mất đi bản năng sinh tồn của mình.
Yêu thương nhưng phải kỷ cương
Có nhiều người sẽ hỏi, vì sao anh ấy không bồng con và che ô để cả hai cùng không bị ướt, mà lại để con đi và che cho con, còn mình chấp nhận hy sinh bản thân?
Theo tôi, nếu anh ấy bế con lên thì hình ảnh này sẽ quá đỗi bình thường. Việt Nam hiện nay rất nhiều cha mẹ đưa con đi học từ mầm non lên đến ĐH với lý do để con một mình không yên tâm. Do đó thời gian qua, chúng ta thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, những cô cậu to đùng ngồi trên xe để mẹ dắt xe qua đoạn đường nước ngập, cha mẹ vẫn phải đút cho từng thìa thức ăn dù con đã lớn…
Vô hình chung chúng ta đang tước đi quyền được vui chơi, quyết định và tự chịu trách nhiệm... của những đứa trẻ. Chính điều đó làm cho thanh thiếu niên hiện nay rơi vào tâm lý dựa dẫm, ỉ lại và mất dần đi khả năng phòng tránh các rủi ro, thiếu tự tin vào bản thân, cũng như không biết làm việc gì ngoài học… Đây chính là một trong những nguyên nhân đa số học sinh Việt Nam bị gọi là “gà công nghiệp”.
Trong trường hợp người cha trong bức ảnh chấp nhận ướt để con tự đi bộ và che ô cho con, chúng ta thấy toát lên bản năng của cha mẹ là chở che và hy sinh vì con. Nhưng cũng phải khắt khe để con biết tự lập, có thể chịu trách nhiệm trong chính các hoạt động của mình. Việc này cũng giúp những đứa trẻ biết rằng, mọi hoạt động đều luôn có sự đồng hành của cha mẹ
Theo cảm nhận của riêng tôi: “Con à, cứ tiến về phía trước. Cha luôn đồng hành cùng con dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Hãy thực hiện điều con muốn. Không ai có thể giúp được con dù người đó là cha hay mẹ”.
Cha mẹ có 3 cái tội dẫn đến làm hỏng con: cầu toàn, ngứa mắt và thương con. Nhiều phụ huynh không tin tưởng vào khả năng của con hoặc không đủ kiên nhẫn, thời gian để dạy con. Điều chúng ta đều biết nhưng chẳng mấy ai làm được, đó là muốn hiểu con chúng ta phải thường xuyên gần gũi, trò chuyện và vui chơi cùng con. Muốn đồng hành cùng con hãy trao cho con những kinh nghiệm và kỹ năng sống để con có công cụ tự tin làm mọi việc.
Nhiều người luôn giữ quan điểm “Trẻ con thì biết gì”? Tại sao ta cứ lấy suy nghĩ và kinh nghiệm của mình để so sánh với đứa trẻ? Thay vào đó, sao không đặt mình vào vị trí của con và dùng tư duy người lớn để hướng dẫn, dẫn dắt trẻ làm đúng năng lực?
Trẻ con tuổi 3-8 tuổi là thời kỳ vàng để phát triển não bộ và hình thành nhân cách sống. Qua thời kỳ này, tất cả sẽ hoàn thiện về mặt nhận thức và kỹ năng. Đầu óc đứa trẻ lúc này sẽ sao chụp, bắt chước mọi hành vi, cử chỉ của người lớn. Chúng có khả năng ghi nhớ rất lâu, thậm chí suốt đời.
Do đó, môi trường sống tác động rất lớn đến suy nghĩ, tâm hồn và nhân cách của trẻ sau này. Tôi đảm bảo người lớn sẽ nhìn thấy chính mình trong các hành vi, cư xử của con như cách nói chuyện, cáu gắt hay đơn thuần chỉ là cái lườm, suy nghĩ…
Dạy con tự lập từ khi còn nhỏ
Trong gia đình tôi, cả hai đứa con đều được cho đi xa để làm quen với xe cộ từ 8 tháng tuổi. Bởi vậy, mỗi lần lên xe, con chơi vui vẻ, nhiều đứa trẻ khác say quá chừng dù lớn hơn.
Anh Đồng Xuân Tứ cùng hai con của mình. Ảnh: NVCC. |
18 tháng tuổi, tôi cho chúng đi tắm biển để bé cảm nhận và tận hưởng sự thích thú với nước, thuận tiện cho việc học bơi sau này. Đến khi chúng biết đi, tôi thường cho ra chợ hay về quê, giới thiệu với con về rau, củ, quả, tôm, cua cá… và cho sờ, đụng vào để con không có cảm giác sợ. Khi biết nói thì đố con tìm hoặc nói được tên của các thứ bán ở chợ - đây cũng là cách phát triển ngôn ngữ cho con...
Việc để con tự xúc ăn ban đầu tèm nhem, nhưng dần sẽ gọn gàng và sạch sẽ. Bé lớn 4 tuổi nhà tôi đã biết tự gấp quần áo cho mình và em trai, cùng nhặt rau và vào bếp xem bà, mẹ nấu ăn. Chủ nhật, hai chị em tự bày trò chơi, thu dọn sau khi chơi xong.
Tôi luôn khích lệ con tự làm, tự giải quyết vấn đề của mình như khi ngã, phải tự đứng lên hay tập làm những việc con có thể. Bên cạnh đó, tôi cũng dành sự quan sát và khen ngợi mỗi lúc chúng hoàn thành tốt việc cá nhân.
Việc cho con ra với thiên nhiên, nghịch cát, giang nắng và tắm mưa trong tầm kiểm soát cũng giúp con làm quen với môi trường và cảm nhận về thiên nhiên. Thực tế, con tôi rất ít ốm vặt.
Tôi rất yêu thương con nhưng cũng nghiêm khắc trong cách dạy chúng. Đặc biệt, tôi luôn tự đề ra tiêu chuẩn của mình để con có thể học tập. Tôi quan niệm, nếu bố mẹ làm sai cũng cần xin lỗi con và nghiêm túc điều chỉnh.
Dù còn nhỏ, hai con anh Tứ đã học tính tự lập, chăm sóc lẫn nhau. Ảnh: NVCC. |
Nghịch ngợm là tâm lý của con trẻ. Càng nghịch, chứng tỏ chúng càng thông minh, linh hoạt vì là tuổi khám phá, tò mò nên điều đó dễ hiểu. Nếu đứa trẻ không biết vui chơi với bạn bè, không nghịch ngợm mới đáng lo. Đương nhiên, khi nghịch ngợm sẽ thiệt hại, hư hỏng về đồ đạc và nếu thiệt hại là do lỗi của người lớn, không phải của trẻ vì chúng ta không lường trước điều đó.
Tôi không la mắng hay đánh con mỗi khi con mắc lỗi. Nếu bé khóc, tôi chờ khóc xong sẽ nói chuyện để con hiểu điều gì nên và không nên. Bé lên 3 tuổi, tôi cho đến trung tâm tham gia các lớp kỹ năng sống dù chỉ ngồi nghe hay tham gia cùng cũng giúp bé phát triển hơn trên nhiều phương diện.
Dạy trẻ là cả một nghệ thuật mà người dạy là một nghệ sĩ. Tôi không có lời khuyên cụ thể với bất kỳ phụ huynh nào, nhưng tôi xin chia sẻ chung cho tất cả chúng ta. Hãy là người dẫn dắt, đồng hành để thấu hiểu, giúp con tự lập, tự chủ, tự giác và biết tự trọng.
Các bậc phụ huynh cũng nên tham gia hoặc đọc, nghiên cứu các chương trình về tâm lý lứa tuổi, cách nuôi dạy con để ứng dụng phù hợp với con em mình. Tin vào khả năng của con, khuyến khích, khích lệ và không so sánh con mình với con nhà người khác. Trẻ mắc lỗi là việc đương nhiên, nhưng làm sao để trẻ hiểu và không lặp lại mới là điều cốt yếu. Lúc trẻ mắc lỗi là lúc trẻ cần sự quan tâm, yêu thương và sự rộng lượng của cha mẹ nhất. Hãy dành thời gian để vui chơi, nói chuyện và tham gia các hoạt động cùng con.