Mới đây, mạng xã hội Weibo (Trung Quốc) đăng tải loạt ảnh chụp cảnh một ga tàu ngập nước ở Hamamatsu, một thành phố nằm ở phía Đông Nhật Bản.
Bức ảnh chụp cảnh nước lũ trong veo trong một ga tàu ở phía đông Nhật Bản thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Ảnh: Hongkongfp. |
Điều khiến mọi người ngạc nhiên chính là dòng nước lũ ở đây trong veo đến khó tin dù đất nước mặt trời mọc vừa trải qua cơn bão Etau khiến 4 người chết, 15 người mất tích và 15.000 nhà dân bị hủy hoại.
Nhiều người bình luận, nước ở đây tinh khiết và sạch hơn cả trong hồ bơi. Trong khi đó, số khác lại tỏ vẻ nghi ngờ rằng, đây chỉ sản phẩm của photoshop. Vấn đề này hiện gây tranh cãi trong cộng đồng mạng thế giới cũng như tại Việt Nam.
Vũ Thuận Ly - du học sinh Việt tại Nhật Bản - cho biết: "Mình thấy chuyện này không có gì quá bất ngờ nếu bạn sinh sống và làm việc tại đất nước này. Ở đây, lương của nhân viên vệ sinh cùng chế độ đãi ngộ, bảo hiểm, ngày nghỉ không kém một người tốt nghiệp đại học 4 năm là mấy. Bên cạnh đó, người dân hoàn toàn tự nguyện tham gia các hoạt động nhặt rác, dọn vệ sinh vào ngày nghỉ mà không cần loa phường thông báo.
Dù vừa trải qua cơn bão Etau để lại nhiều mất mát về vật chất và tinh thần, Nhật Bản vẫn giữ được vẻ đẹp xanh, sạch nhờ ý thức cao của người dân. Ảnh: Hongkongfp. |
Ở Nhật Bản, nhà nước luôn tận dụng mọi nguồn nhân lực, mọi lao động vì chỉ cần bạn muốn đi làm thì họ sẽ tạo điều kiện để bạn kiếm việc làm. Nền giáo dục dạy cho trẻ em từ 3 tuổi biết đứng lên là cầm rác bỏ túi mang về nhà".
Thu Giang cũng kể lại kỷ niệm khi có dịp du lịch tại đây: "Mình đã đến Nhật một lần, phải nói đây là đất nước sạch cực kỳ và không khí rất trong lành. Công trình thi công đến đâu sẽ được bọc ni lông đến đó. Mình đi mua sắm đúng hôm trời mưa nhưng khi tạnh đã sạch bóng. Các phương tiện lúc khô xong cứ như vừa rửa vậy, không dính tí bùn đất nào".
Hình ảnh đã qua chỉnh sửa, chụp tại sân ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội khiến mọi người nghi ngờ bức ảnh tại Nhật Bản cũng là sản phẩm của photoshop. Ảnh: Trang Barbie. |
"Sống ở đó mới biết, không chỉ thiên nhiên mà cả tính cách con người đều khắc nghiệt. Tôn trọng kỷ luật một cách tối thượng đến mức "cay nghiệt". Căng thẳng, kiệt sức do lao động xảy ra thường xuyên. Họ biết đất nước thường gặp thiên tai, động đất nên từ bé đã được giáo dục yêu lao động. Vậy nên nhìn thì thích nhưng không phải ai cũng đủ khả năng sống trong môi trường như vậy" - Nguyễn Thị Thanh bày tỏ ý kiến của mình.