Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Zing Music Awards không chạy theo thị hiếu đám đông'

Theo bà Trương Thị Thu Dung, giải thưởng âm nhạc trực tuyến đầu tiên của Việt Nam không "quay lưng" với thị hiếu người nghe nhưng vẫn có sự định hướng thẩm mỹ với công chúng.

Bà Trương Thị Thu Dung hiện giữ vị trí Giám đốc Trung tâm băng nhạc Rạng Đông và Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV). Bà là thành viên Hội đồng nghệ thuật của Zing Music Awards (ZMA) mùa giải thứ 6. Zing.vn đã có những trao đổi với bà về giải thưởng, quan điểm "cần câm nảy mực" của Hội đồng nghệ thuật cũng như những tác động của nhạc số với thị trường nhạc Việt.

Kết quả giải thưởng dành cho người xứng đáng

- Bà có thể chia sẻ lý do nhận lời tham gia hội đồng nghệ thuật của Zing Music Awards?

 - Tôi đã có mấy chục năm trong nghề nên có sự am hiểu nhất định về thị trường âm nhạc. Thậm chí tôi còn tích cực nhận lời tham mời từ ban tổ chức vì thấy bản thân cần có trách nhiệm lên tiếng về thực trạng thị trường, giới trẻ để góp phần định hướng đúng đắn.

Đây là năm thứ 3 tôi là thành viên Hội đồng nghệ thuật ZMA. Tôi đánh giá cao tính công bằng, hiệu quả của giải thưởng đồng thời định hướng cho công chúng thẩm mỹ âm nhạc cao hơn. ZMA có tác động nhất định tới đời sống âm nhạc trong nước đặc biệt là đối với các nghệ sĩ trẻ.

Vợ người ta nổi đình đám, đi đâu tôi cũng nghe người ta mở ca khúc này và thậm chí còn chế lời, vào facebook cũng thấy mọi người bàn tán. Nhưng một tác phẩm dù có được lan truyền rộng rãi cũng phải có tính nghệ thuật trong đó và trách nhiệm của Hội đồng nghệ thuật là định hướng thẩm mỹ âm nhạc của người nghe.

- Sau buổi làm việc của Hội đồng nghệ thuật, bà đánh giá thế nào về những ứng cử viên trong top 3 các hạng mục giải thưởng chính năm nay?

- Thành viên Hội đồng nghệ thuật đều là những người có trình độ và tiếng nói trong nghề. Tuổi đời, tuổi nghề của Hội đồng nghệ thuật đều đang ở độ “chín” nhưng chúng tôi có góc nhìn mới mẻ, không khắt khe hay già nua như nhiều người nghĩ. Vì thế mọi người dễ có tiếng nói chung và thống nhất với nhau sau khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Tôi có thể khẳng định những lựa chọn của hội đồng rất công bằng và không mang tính cá nhân. Chúng tôi làm việc công tâm và đồng nhất. Như trong cuộc họp mới đây, anh Phạm Hoàng Nam vắng mặt nhưng đã gửi đến bức thư nhờ cô thư ký đọc trước mọi người. Sau khi nghe xong, nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ, anh ấy định nói những gì Phạm Hoàng Nam đã viết. Hoặc như khi nhạc sĩ Huy Tuấn phát biểu, nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng nhất trí ngay.

Không chỉ năm nay, nhiều năm trước đó, đôi khi nhiều tác phẩm của các ca sĩ được khán giả bình chọn cao nhưng Hội đồng nghệ thuật lại chưa đánh giá cao. Chúng tôi có tiêu chí riêng, không đơn thuần chạy theo thị hiếu của đám đông.

Năm nay, Vợ người ta nổi đình đám, đi đâu tôi cũng nghe người ta mở ca khúc này và thậm chí còn chế lời, vào facebook cũng thấy mọi người bàn tán. Nhưng một tác phẩm dù có được lan truyền rộng rãi cũng phải có tính nghệ thuật trong đó và trách nhiệm của Hội đồng nghệ thuật là định hướng thẩm mỹ âm nhạc của người nghe.

- Như vậy là ý kiến của Hội đồng nghệ thuật vẫn quyết liệt, không thỏa hiệp thị hiếu của đám đông?

- Tất nhiên phía chuyên môn sẽ có những đánh giá, yêu cầu khó khăn hơn trong khi người nghe bình chọn cho ca sĩ họ yêu thích dựa vào cảm tính. Nhưng chúng tôi không bài xích, ngược lại Hội đồng nghệ thuật còn cố gắng dung hòa 2 cách tiếp cận với nhau. Chúng tôi không tách biệt thị hiếu người nghe nhưng cũng không dễ dãi chạy theo đám đông. Nhiệm vụ của những người trong hội đồng là hướng khán giả, đặc biệt giới trẻ tới gu thưởng thức nhạc hiện đại nhưng tích cực hơn.

Hội đồng nghệ thuật ZMA không chịu sự chi phối của thị hiếu đám đông.

Nghệ sĩ phải lao động chân chính

- Thị trường nghe nhạc online bùng nổ khiến người ta dễ dàng trở thành ca sĩ hơn. Nhận định đó theo bà chính xác thế nào?

- Nhiều nghệ sĩ trẻ có tính sáng tạo, cố gắng và nỗ lực không ngừng. Nếu thật sự có đam mê và chịu khó trau dồi, tôi nghĩ con đường của các em sẽ lâu bền hơn. Nhưng dĩ nhiên, không phải tất cả nghệ sĩ trẻ đều có định hướng nghệ thuật nghiêm túc.

Thời đại tân tiến và thị trường nghe nhạc trực tuyến đang dần lớn mạnh, thích hợp với xu hướng chung. Tôi nghĩ mỗi giai đoạn đều tương ứng với sự phát triển của âm nhạc. Không chỉ ở Việt Nam, cả thế giới cũng đều chạy theo xu hướng mới. Với tư cách nhà sản xuất, tôi thấu hiểu điều đó nhưng buộc lòng chúng ta phải chấp nhận và đổi mới nếu muốn tồn tại.

Thật ra thị trường nghe nhạc online tạo điều kiện thuận lợi cho người nghe. Họ chỉ cần ở nhà, lên mạng là có thể xem và nghe được tác phẩm mới, không cần phải chạy ra ngoài tìm mua như trước đây. Nó vừa đáp ứng tính nghệ thuật, vừa tiện lợi cho người dùng, đặc biệt là sự nhanh chóng mà công nghệ cũ không thể có được.

Nhưng thực tế hiện nay vẫn có những đối tượng yêu thích sự hoài cổ hoặc chưa thích ứng công nghệ mới và muốn cầm đĩa nhạc trên tay để thưởng thức thay vì nghe nhạc "ảo". Điều này khiến thị trường băng đĩa vẫn tồn tại chứ chưa hoàn toàn xóa sổ.

"Tôi mong các nhân tài đi đúng hướng".

- Vậy theo bà, ảnh hưởng tích cực của nhạc số với thị trường ca nhạc trong nước nói chung như thế nào?

- Chúng ta không thể phủ nhận sức ảnh hưởng lớn của nhạc số. Ngay cả giới sản xuất băng đĩa như chúng tôi mấy năm gần đây cũng phải xác định rõ 2 hướng tiếp cận thị trường: vừa phát hành trên mạng để phục vụ cho đối tượng khán giả trẻ, vừa phát hành đĩa nhạc để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận “già”. Nhưng nhìn theo quan điểm tích cực thì đối tượng phục vụ của chúng tôi thêm chứ không mất đi.

- Song thị trường này cũng tạo ra những mặt trái khiến những giá trị chuẩn mực dần bị méo mó. Bà đánh giá thế nào về sự xáo trộn của nó?

- Tôi mừng vì đại đa số người dân Việt Nam yêu thích nghệ thuật và trong số đó có nhiều người mong ước trở thành ca sĩ. Trước tiên chúng ta hoan nghênh ước mơ đó vì tình yêu nghệ thuật nhưng họ cũng phải biết rằng điều ấy không dễ dàng, đừng nuôi nhiều hy vọng để rồi dễ sụp đổ.

Trình độ thưởng thức của khán giả bây giờ khá cao, đã bước vào con đường nghệ thuật phải lao động nghiêm túc. Nếu không có sự chân chính mà "đạo" chỗ này, "mượn" chỗ kia rất dễ tạo ra ồn ào không đáng. Ban đầu người hâm mộ có thể ngộ nhận, nhưng sau khi nhận ra họ sẽ quay lưng.

Kể cả những ngôi sao hiện giờ, họ có chỗ đứng vững chắc là nhờ sự yêu mến của khán giả. Để có được điều đó phải dựa vào tài năng và đạo đức nghề nghiệp. Muốn trở thành ngôi sao, giọng hát và ngoại hình chưa đủ, điều đó chỉ là tạm thời. Ông bà ta thường nói “có đức mặc sức mà ăn”, câu này chưa bao giờ sai.

 

Kim Chi

Bạn có thể quan tâm