Nhạc sĩ Hoàng Vân qua đời sáng nay 4/2 tại Hà Nội, tin được thông báo đến công chúng qua nhạc trưởng Lê Phi Phi, người con trai tài năng của ông.
Là tác giả của rất nhiều ca khúc được đông đảo người Việt các thế hệ biết đến và thuộc lòng, nhạc sĩ Hoàng Vân cũng có thể coi là người sáng tác nhiều nhất về các ngành của Việt Nam, trải dài cả công - nông - binh. Hơn thế, mỗi sáng tác đều hay và được người dân yêu thích đến nỗi được xem như "ngành ca" hay bài hát truyền thống.
Thêm vào đó, nhạc sĩ Hò kéo pháo cũng sáng tác nhiều bài hát đi sâu vào lòng người về các vùng miền trên cả nước, nổi tiếng nhất là Quảng Bình quê ta ơi. Sau này, ông viết thêm nhiều ca khúc thiếu nhi, đóng góp những tác phẩm vừa hồn nhiên vừa có giá trị nghệ thuật cho dòng nhạc này.
Sau đây là những ca khúc nổi bật của cố nhạc sĩ Hoàng Vân:
Quảng Bình quê ta ơi
Có lẽ không một người con Quảng Bình nào là không thuộc bài hát này, hoặc mở rộng ra là người dân miền Trung và nhiều vùng miền khác. Quảng Bình quê ta ơi được Hoàng Vân sáng tác vào năm 1964.
Bài hát không chỉ là "Quảng Bình ca" trong lòng người dân cả nước mà còn là bản tình ca thấm đẫm lòng yêu thương quê hương, yêu thương con người của người Việt Nam nói chung. Đây cũng là bài hát được Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là một người con của tỉnh Quảng Bình, yêu thích nhất.
"Giữ lấy đất trời của quê hương ta/ Giữ lấy những gì mà ta yêu quý", những ca từ ngọt ngào nhưng kiên định của bài hát khiến bất cứ ai cũng xúc động.
Hò kéo pháo
Hò kéo pháo được nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Bài hát lấy cảm hứng từ việc nhạc sĩ gắn bó với cuộc chiến tranh và nhất là chứng kiến bộ đội ngày đêm phải đưa những cỗ pháo nặng hàng tấn vượt qua dốc núi chiếm lĩnh trận địa.
Ca từ của Hò kéo pháo cũng trở thành kinh điển với đông đảo công chúng: "Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo/ Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua núi/ Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/
Vực sâu thăm thẳm, vực sâu nào bằng chí căm thù!".
Ra đời trong chiến tranh nhưng bài hát vẫn có sức sống lâu bền đến thời bình vì nói lên ý chí của con người.
Bài ca xây dựng
Một trong những ca khúc rất thành công về một ngành nghề cụ thể trong xã hội của nhạc sĩ Hoàng Vân. Bài hát cũng lý giải tại sao những ca khúc của ông lại được người nghe yêu mến và đồng cảm đến vậy: vì ông viết về ngành nghề nhưng có tình người, có bóng dáng và cuộc sống thường ngày của con người.
"Bạn đời ơi/ Bạn có nghe chăng niềm vui của những người dọn đến ngôi nhà mới/ Mà chúng tôi vừa xây xong?", ca từ bài hát cho thấy, không chỉ ngợi ca ngành xây dựng trong bối cảnh chiến tranh lửa đạn, nhạc sĩ còn biến ngành nghề này trở thành niềm tự hào của người lao động.
Hát về cây lúa hôm nay
Viết về nghề nông, nhạc sĩ Hoàng Vân có ca khúc Hát về cây lúa hôm nay khiến bất cứ ai nghe cũng phải thêm yêu vẻ đẹp của lao động và trân trọng người nông dân. Ca từ có những câu triết lý sâu sắc không dành riêng cho bất cứ ngành nghề nào: "Tình yêu bắt đầu từ đôi mắt/ Ngày mai bắt đầu từ hôm nay!".
Bài hát được đông đảo người dân Việt Nam yêu mến vì tinh thần lạc quan, hướng tới tương lai nhưng vẫn không quên ghi nhận quá khứ và nhấn mạnh lòng biết ơn.
Tôi là người thợ lò
Bài hát được Hoàng Vân sáng tác vào năm 1964 khi máy bay của quân đội Mỹ oanh tạc thị xã Hòn Gai và vịnh Hạ Long.
Ra đời giữa lửa đạn bom rơi nhưng bài hát vẫn mang tinh thần bay bổng phóng khoáng với những hình ảnh đẹp đẽ, bình yên: "Tiếng chim hót trên cánh đồng lúa chín/ Tiếng trẻ thơ cắp sách đến trường làng/ Tiếng còi tàu sớm mai rộn ràng/ Trong tiếng máy giục ăn than...".
Hà Nội - Huế - Sài Gòn
Hà Nội - Huế - Sài Gòn là một trong những ca khúc hiếm hoi do nhạc sĩ Hoàng Vân phổ thơ. Tác giả bài thơ là Lê Nguyên, người đã viết nên những câu rất đẹp: "Trên đất mẹ nắng hồng như lụa / Trải nghìn năm gắn bó ba miền/ Như cành chung gốc lớn lên/ Như anh em của mẹ hiền Việt Nam".
Bài thơ được Hà Nội - Huế - Sài Gòn được nhà thơ Lê Nguyên sáng tác năm 1960, được nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc một năm sau đó. Bài hát da diết và ngọt ngào, ca ngợi vẻ đẹp của đất nước, làm lay động những người dân Việt Nam.
7. Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng
Đây là ca khúc được nhạc sĩ Hoàng Vân viết đúng năm Mậu Thân 1968. Với mỗi giai đoạn của cuộc chiến tranh, nhạc sĩ đều có những ca khúc nói lên tinh thần của quân và dân trong lửa đạn nhưng vẫn hướng đến ngày mai tươi sáng.
Với những cống hiến như vậy, ông đã trở thành nhạc sĩ trẻ nhất được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2) về văn học nghệ thuật năm 2000.
Mùa hoa phượng nở
Mùa hoa phượng nở là bài hát viết về mùa hè đỏ rực hình ảnh của những tán phượng và rộn rã âm thanh. Nhạc sĩ Hoàng Vân giống như một nhà thơ biến hóa với ca từ của mình: "Tu hu kêu tu hú kêu hoa gạo đỏ hoa phượng nở đầy ước mơ hy vọng/ Tu hú kêu tu hú kêu mùa quả chín vào mùa thi tình bạn trong sáng dưới mái trường".
Em yêu trường em
Bài hát khắc họa hầu như toàn bộ những gì thân thương, gần gũi nhất của một em nhỏ khi đi học cho thấy nhạc sĩ khi sáng tác đã thực sự nhìn đời bằng con mắt trẻ thơ: "Nào bàn nào ghế, nào sách nào vở/ Nào mực nào bút, nào phấn nào bảng, cả tiếng chim vui, trên cành cây cao, cả lá cờ sao trong nắng thu vàng".
Con chim vành khuyên
Con chim vành khuyên trong trẻo và hồn nhiên, là bài học lễ phép nhưng được lồng ghép qua những ca từ đầy sinh động khiến trẻ em thích thú: "Có con chim vành khuyên nhỏ/ Dáng trông thật ngoan ngoãn quá/ Gọi dạ, bảo vâng/ Lễ phép ngoan nhất nhà".