Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 bí mật nghề nghiệp của tiếp viên hàng không

Luôn gọn gàng, xinh đẹp, hào nhoáng, được đi nhiều nơi… là những gì du khách nghĩ về các tiếp viên hàng không. Những thực tế, công việc của họ còn nhiều khó khăn hơn thế.

1. Chỉ được tính lương cho thời gian ở trên chuyến bay: Mặc dù các tiếp viên mất rất nhiều thời gian qua cửa an ninh, lên máy bay, cho hành lý lên cabin, ngồi đợi trong lúc hướng dẫn an toàn bay…, nhưng họ không được tính lương cho tới khi máy bay cất cánh. Ngoài ra, thời gian chờ đợi cho những chuyến bay trễ giờ cũng không được tính. Tiếp viên chỉ được tính là làm việc bắt đầu từ khi cửa máy bay đóng lại cho đến khi mở ra.

2. Tiếp viên bị đối xử như hầu bàn: Mặc dù họ là các chuyên gia về hàng không, hành khách chỉ nhìn đơn giản ở công việc đẩy xe phục vụ ăn uống dọc lối đi. Trong khi đó, hầu hết những gì các tiếp viên hàng không được đào tạo đều liên quan đến an toàn chứ không phải dịch vụ. Họ cần kiến thức và kỹ năng riêng biệt cho từng loại máy bay, nắm bắt mọi thứ bên trong và cách máy bay vận hành. Họ phải ghi nhớ sơ đồ chỗ ngồi, biết chỗ để các thiết bị khẩn cấp và các dụng cụ khác bên trong các loại máy bay khác nhau…

3. Giờ giấc linh hoạt nhưng có thể phải lên đường bất cứ lúc nào: Các tiếp viên thường có lịch trình cố định và lịch trình cơ động, có nghĩa họ sẽ phải ở gần sân bay và sẵn sàng lên đường khi được yêu cầu. Trong thời gian cơ động, họ được trả 75 giờ một tháng, bất luận có làm việc hay không. Họ được trả công tác phí khi bay, trong đó có tiền ăn và phụ phí. Bởi vậy, tiếp viên nào cũng cố bay càng nhiều càng tốt để kiếm tiền.

Công việc khó khăn sau vẻ ngoài hào nhoáng của tiếp viên. Ảnh: Getty.

4. Không được nghỉ lễ: Trừ những tiếp viên có thâm niên hàng chục năm hoặc có vị trí nhất định, các tiếp viên khác vẫn phải làm việc trong những dịp lễ như năm mới, Giáng sinh hay lễ Tạ ơn. Những kỳ nghỉ lễ rơi vào mùa đông càng khó khăn hơn nữa do máy bay thường bị chậm chuyến vì thời tiết, khách hàng bực tức, còn tiếp viên cũng không vui vẻ gì.

5. Phải quen với việc ngủ ở chỗ lạ: Nếu tiếp viên đi chuyến 2 ngày, thời gian đợi có thể lên tới 10 tiếng đồng hồ, vừa đủ để ngủ tại một khách sạn gần sân bay để đợi nối chuyến. Với những chuyến bay quốc tế thì thời gian ngủ còn bị rút ngắn hơn nữa. Các loại máy bay lớn thường có một khu vực riêng phía trên khoang hành khách, có chiều cao hơn 1,2 m và chiều dài hơn 12 m với 8 chiếc giường mỗi bên. Mỗi tiếp viên có 2-3 giờ ngủ trong suốt chuyến bay ở đây.

6. Dễ bị mất tinh thần: Lương thấp, phải làm việc vào những giờ giấc không cố định, phải ngủ ở những nơi xa lạ, xa bạn bè và gia đình, ăn những món chán ngắt ở sân bay và thường xuyên bị stress là những gì nghề tiếp viên hàng không phải trải qua. Lo lắng và trầm cảm là những hiện tượng xảy ra phổ biến.

7. Yêu cầu về ngoại hình: Mọi hãng hàng không đều có những quy định cụ thể và nghiêm ngặt về đầu tóc, trang phục. Họ phải để kiểu tóc như thế nào, trang điểm kiểu gì, đi giày cao đến đâu, và đồng phục phải được là phẳng phiu mỗi ngày… Son môi và sơn móng tay cũng phải ở gam màu trung tính và trầm như hồng, đào, nude. Tóc phải để màu tự nhiên, không được nhuộm ombré.

Các tiếp viên phải đảm bảo không quá béo để lọt qua các loại cửa, từ cửa thoát hiểm đến lối đi trên những loại máy bay nhỏ nhất. Một số hãng còn có yêu cầu về chiều cao để tiếp viên có thể mở được cabin chứa hành lý phía trên.

8. Bay miễn phí: Các tiếp viên hầu như có thể bay miễn phí hoặc bay cùng gia đình với giá giảm 90%. Họ cũng có những suất vé cho bạn bè với giá rất rẻ.

9. Làm việc với những đồng nghiệp chỉ gặp một lần: Đôi khi các tiếp viên làm việc cùng nhau trong chuyến bay dài khoảng 3 ngày và chia sẻ mọi thứ cho nhau. Họ cùng ngồi trên máy bay, ở cùng khách sạn, đi giải khuây ở quán bar cùng nhau trong lúc chờ nối chuyến, nhưng rồi chia tay sau khi chuyến bay kết thúc.

10. Chi phí đắt đỏ ở các thành phố lớn: Hầu hết các hãng hàng không đặt tại các thành phố lớn, vì vậy chi phí khá đắt đỏ so với thu nhập của các tiếp viên. Nhiều người phải đặt chung phòng ở các khách sạn rẻ tiền để cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, họ có được trải nghiệm ở các thành phố mới lạ và có cơ hội khám phá nhiều hơn những nghề khác.

Tiếp viên hàng không tiết lộ 10 bí mật trên máy bay

Cơ trưởng và cơ phó ăn 2 suất ăn không giống nhau và không được chia sẻ đồ ăn; các chuyến bay luôn bị đặt quá số ghế thực tế... là những bí mật của ngành hàng không.


Thúy Nguyễn

Theo Cosmopolitan

Bạn có thể quan tâm