Hình ảnh những bải biển đầy nhựa, chú chim hải âu chết với bụng rác, rùa biển đau đớn khi rút ống hút khỏi mũi khiến chúng ta không khỏi rùng mình.
Không sai khi nói cuộc sống hiện tại của con người đang ngập ngụa và mắc kẹt trong nhựa.
Ông Vũ Minh Lý - Phó giám đốc trung tâm truyền thông Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sau khi có lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ gửi tới các bộ, các ngành, các cấp, các cấp ủy chính quyền địa phương và toàn xã hội, phong trào chống rác thải nhựa đã lan tỏa rất sâu rộng tới toàn bộ đối tượng trong xã hội, đăc biệt đối với các doanh nghiệp và trong các đoàn viên thanh niên, bạn trẻ.
Có nhiều hoạt động, mô hình, sáng kiến đã được thực hiện để chống rác thải nhựa theo lời kêu gọi của Thủ tướng.
Nếu chưa thể hoàn toàn loại bỏ, hãy thực hiện 10 bước đơn giản này để giảm lượng rác nhựa đang thải ra mỗi ngày.
Hãy sử dụng các loại ống hút thủy tinh, inox, cỏ,... thay vì ống hút nhựa. |
Tái sử dụng và tái chế nhựa
Chai nhựa trong, lọ đựng dầu gội đầu, hộp sữa chua, đồ chơi và hộp đựng thực phẩm có khả năng tái chế cao.
Trong khi đó, dao, thìa, nĩa nhựa, cuộn màng bọc thức ăn, cốc nhựa đựng cà phê và nắp đậy thường chỉ dùng được một lần và khả năng để tái chế rất thấp. Vì vậy, hãy hạn chế mua và sản xuất thêm các sản phẩm này.
Một sản phẩm nhựa mà chúng ta thải ra mỗi ngày là ống hút. Một trong những cách đơn giản nhất là nói với người bán hàng hoặc nhân viên phục vụ rằng bạn không cần dùng tới ống hút nhựa. Hãy sử dụng các loại ống hút thủy tinh, inox, cỏ,...
Nói với Zing.vn, đại diện BRG cho rằng thật đáng buồn khi mà ở các bãi biển đẹp của Việt Nam, du khách lại đang phải tắm chung với rác thải nhựa. Nguyên nhân chính vẫn từ ý thức mỗi người.
"Ai cũng nghĩ một cốc nhựa hay một ống hút nhựa vứt ra thì cũng có sao đâu. Nhưng khi hàng nghìn, hàng triệu người cùng lắm như thế thì lại thành 1 vấn nạn. Trên thế giới, cũng đã có những bãi biển hoặc hòn đảo du lịch nổi tiếng phải đóng cửa để thu dọn rác, làm vệ sinh lại trước khi tiếp tục hoạt động", đại diện này cho biết.
Mua số lượng lớn
Nếu mua những loại thực phẩm được đóng gói sẵn như gạo, mì ống, đậu, các loại hạt, ngũ cốc… bạn không nên mua lẻ tẻ mà nên cân nhắc mua với số lượng lớn để hạn chế các loại bao bì.
Bạn cũng có thể mang theo hộp thủy tinh để đựng các loại thực phẩm tại chợ để tiết kiệm cả tiền bạc và bao bì.
Hạn chế các loại hộp nhựa
Các loại hộp thủy tinh, kim loại có thể được sử dụng thay thế hộp nhựa để đựng các loại hạt, gia vị, thức ăn và kể cả xà phòng, sữa tắm, bột giặt, nước rửa chén.
Luôn mang theo túi vải để đựng đồ thay vì sử dụng túi nylon sẵn có tại các cửa hàng sẽ góp phần bảo vệ môi trường. |
Thay vì dùng túi nhựa để đựng mang về nhà rồi bỏ chúng đi, hãy sử dụng các lọ để đựng thực phẩm hoặc mang theo chúng khi bạn mua thực phẩm được bán với số lượng lớn.
Tuy nhiên, không nên vội vứt hết các loại hộp nhựa đang sử dụng. Bạn có thể tiếp tục sử dụng nếu còn tốt và chỉ thay thế dần khi không còn sử dụng được nữa để tránh lãng phí.
Mang theo bộ dụng cụ
Đũa, thìa từ gỗ, ống hút, khay đựng thức ăn không làm từ nhựa và một bình đựng nước thủy tinh sẽ giúp loại bỏ các đồ vật làm từ nhựa sử dụng một lần trong cuộc sống của bạn.
“Các nhà hàng, quán nước trên toàn thế giới đang dần quen với việc khách hàng mang theo bộ dụng cụ của mình”, Jay Sinha – người sáng lập cửa hàng trực tuyến mang tên Life Without Plastic – cho biết.
Trả lại đồ không dùng
Nếu bạn không cần sử dụng đến những chiếc hộp mà người bán đã đóng gói sẵn, bạn thậm chí có thể yêu cầu người bán nhận lại những chiếc hộp đó để họ có thể tái sử dụng chúng.
Mua đồ cũ
Nhiều thiết bị, đồ gia dụng phổ biến hiện nay đều được làm chủ yếu từ nhựa. Trước khi có một chiếc máy giặt, máy hút bụi làm hoàn toàn từ kim loại, hay bất kỳ một vật liệu nào khác mà không phải nhựa, Beth Terry, tác giả của blog My Life – Free Life đề xuất nên mua đồ cũ để sử dụng.
Đây vừa là một cách tiết kiệm tiền, hạn chế việc sản xuất, sử dụng nhựa mới vừa tránh được các khâu bao bì, đóng gói có thể tạo thêm rác thải.
Mua đồ cũ vừa tiết kiệm tiền, vừa hạn chế việc sản xuất, sử dụng nhựa mới, tránh việc tạo thêm rác thải. |
Dùng chất tẩy rửa tự chế
Dùng soda baking, dấm và những nguyên liệu xanh sạch để chế chất tẩy rửa.
Làm như vậy, bạn sẽ tiết kiệm được một khoảng không gian, tiết kiệm một ít tiền, và tránh những chất độc hại bằng cách làm ra sản phẩm làm sạch của riêng mình.
Khi hầu hết sản phẩm vệ sinh được đóng gói trong chai nhựa và có chứa các hạt vi nhựa, Chantal Plamondon, người sáng lập Life Without Plastic, đã quyết định trở thành một nhà hóa học tại gia.
“Chúng tôi tự làm kem đánh răng bằng baking soda, dầu dừa và các loại tinh dầu. Chúng tôi làm kem dưỡng da từ dầu dừa hoặc dầu macadamia”, cô cho biết.
Mặc quần áo làm từ chất liệu thiên nhiên
Sợi tổng hợp là yếu tố chính gây ra ô nhiễm vi nhựa (micro plastic), loại ô nhiễm được cảnh báo gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường sống, đặc biệt là các đại dương và sức khỏe con người.
Chọn quần áo làm từ các loại vải có thành phần tự nhiên như cotton, len, gai và lụa sẽ góp phần hạn chế tình trạng này.
Khi hầu hết sản phẩm vệ sinh được đóng gói trong chai nhựa và có chứa các hạt vi nhựa. |
Luôn mang theo túi có thể tái sử dụng
Mỗi lần đi chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, chúng ta có thể mang về hàng chục túi nylon vì tiện lợi và thường được cho miễn phí. Tuy nhiên, toàn bộ sẽ thải ra môi trường và trở thành rác vì không thể tái sử dụng.
Hơn nữa, loại túi này mất khoảng 500 năm để phân hủy nên có tác hại kinh khủng với môi trường. Trong khi đó, một số loại túi có thể tái sử dụng, ít tạo ra rác thải hơn.
Luôn mang theo túi vải để đựng đồ thay vì sử dụng túi nylon sẵn có tại các cửa hàng sẽ góp phần bảo vệ môi trường.
Là 1 tập đoàn đa ngành đa lĩnh vực, đại diện BRG khẳng định tập đoàn luôn cố gắng sáng tạo, tận dụng triệt để các cơ hội bảo vệ môi trường.
"Về lĩnh vực thương mại – bán lẻ, ở các chuỗi siêu thị của BRG như Intimex, FujiMart, Hapro, Big C… nhân viên luôn ý thức không sử dụng túi nylon bừa bãi. Chúng tôi cũng đã triển khai các chiến dịch đưa vào hệ thống siêu thị các túi sử dụng nhiều lần bằng sợi tổng hợp thay thế nylon miễn phí; đồng thời lên kế hoạch thay thế dần túi nylon gói sản phẩm bằng các đồ có nguồn gốc hữu cơ như lá chuối", đại diện nói.
Sống không cần nhựa
Nếu chỉ có một sự lựa chọn: nhựa. Bạn hoàn toàn có thể không sử dụng. Trước khi hành động, thay đổi thói quen, điều quan trọng nhất chính là thay đổi suy nghĩ, nhận thức.
Báo điện tử Zing.vn đồng hành với Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Tập đoàn BRG triển khai chiến dịch “Màu xanh của nhựa” nhằm góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giới thiệu tới độc giả những sáng kiến, ý tưởng tái chế rác thải nhựa, góp phần giữ gìn màu xanh của Trái đất. Vì mục tiêu phát triển bền vững, Tập đoàn BRG nỗ lực cống hiến hết mình cho những hoạt động vì cộng đồng.