1. Nhận định đề
Sau khi nhận được đề thi, việc đầu tiên không phải là cắm đầu giải luôn, mà nhất thiết phải đọc qua một lượt để phân loại các câu hỏi. Phải xác định được phần nào khó, phần nào dễ. Thí sinh trình bày cẩn thận, làm từ câu dễ đến khó.
Khi đứng trước một bài toán cụ thể, học sinh cần phân biệt chính xác thuộc dạng toán nào. Các bài toán trong đề thi THPT quốc gia có 60% kiến thức cơ bản, phần còn lại thường được mở rộng từ các bài toán cơ bản đã có trong SGK và hình thức câu hỏi có thể thay đổi chút ít.
Sau khi xếp hàng ngoài hành lang, các thí sinh được gọi vào phòng để làm thủ tục tại Đại học Sư phạm TP HCM. Ảnh: Hải An. |
2. Phân bố thời gian hợp lý
Khi làm bài, thí sinh nên chia thời gian từng câu. Ví dụ 180 phút có 10 câu hỏi, mỗi câu hỏi, kể cả suy nghĩ và nháp và trình bày sạch đẹp khoảng 18 phút. Không nên làm ngay những bài khó vì sẽ chiếm thời gian của những bài khác. Điều này đồng nghĩa việc chỉ vì một hoặc hai điểm của bài đó mà mất tám chín điểm ở những bài khác.
3. Trình bày cẩn thận
Rất nhiều học sinh có sức học tốt thường mất điểm ở những bài dễ chỉ vì chủ quan, giải tắt. Học sinh nên viết tất cả các bước cơ bản để thực hiện bài toán đó. Vì nếu bỏ qua một vài phép trung gian, nhiều khi sẽ không được chấm mức điểm tối đa cho những bài đó, mặc dù kết quả cuối cùng chính xác.
Chú ý đặt điều kiện cho bài toán có nghĩa; các phép biến đổi tương đương... sau khi giải phải kiểm tra kết quả.
4. Không nên trình bày cẩn thận vào giấy nháp
Tờ giấy nháp là công cụ để hỗ trợ tính toán trong mỗi câu hỏi, vì vậy, với những bài toán đã định hướng được cách giải, không nên giải hoàn toàn trên giấy nháp rồi mới ghi vào giấy thi.
Làm như vậy, thí sinh vừa mất thời gian, lại dễ sai sót. Bởi vì, giải trực tiếp bài toán là “viết ra những gì trong đầu” nên rất chủ động.
Một bài thi chỉ trình bày ngắn gọn vừa đủ, có người làm gần chục tờ giấy thi thì quả khủng khiếp. Trong hoàn cảnh trời nắng nóng, tìm mãi không thấy đáp số, người chấm bài dễ bị ức chế.
5. Có thể không làm theo thứ tự
Cả đề bài có rất nhiều câu hỏi, trong mỗi câu hỏi có thể có nhiều câu hỏi nhỏ (ví dụ ở câu 3 có ý 3a, 3b, 3c). Đối với những câu kiểu này, phần lớn những kết quả của ý trước sẽ trở thành điều kiện cho cho ý sau.
Tuy nhiên, nếu không làm được ý trước, bạn vẫn có thể thừa nhận kết quả để làm ý sau. Như vậy, thí sinh vẫn được tính điểm cho những ý làm được.
Khi bị bế tắc ngay ở ý đầu tiên, không nên bỏ qua luôn mà phải xem kỹ những ý tiếp theo có thể làm được không. Thứ tự các câu hỏi được giải là theo khả năng giải quyết của từng học sinh, không nên bị lệ thuộc vào thứ tự trong đề bài.
Chú ý, nếu không làm theo thứ tự, các em phải đánh dấu những phần đã làm được và chưa làm được để còn biết để suy nghĩ, phân bố thời gian hợp lý các phần bài làm.
6. Trình bày lời giải trong sáng, rõ ràng
Giải một bài toán không phải chỉ là các đáp số và kết quả tính toán mà lời giải cũng có ý nghĩa quan trọng. Lời giải không chỉ là liên kết giữa các phép toán, mà còn chứng tỏ tư duy của người làm bài đó có chính xác, thực sự hiểu bài toán hay không. Vì vậy, lời giải cần phải viết rành mạch, rõ ràng. Những bài thi có lời giải như vậy sẽ nhận được cảm tình của người chấm.
7. Cẩn thận khi biến đổi và sử dụng máy tính hiệu quả
Chú ý khi các bước biến đổi phương trình, bất phương trình, hệ phương trình cần phải biến đổi tương đương hay chỉ là được hệ quả cần phải kiểm tra lại.
Khi làm bài nhớ viết đủ các điều kiện, nhớ thử lại kết quả vào bài toán xem có đúng không?
Máy tính là công cụ đắc lực trợ giúp tính toán. Ví dụ: Phần tính tích phân, học sinh có thể kiểm tra ngay lại kết quả bằng máy tính. Phần giải phương trình, bất phương trình, máy tính có thể đưa ra ngay được kết quả. Nhưng các em phải kiểm tra lại khi bấm máy tính vì có thể có sự sai sót, bấm nhầm số trong qua trình bấm máy.
Ví dụ, khi tính tích phân, nếu các em không đổi đơn vị trong máy tính sang radian mà để đơn vị đo là độ, thì kết quả máy tính với phần bài làm sẽ khác nhau rất nhiều.
8. Nhặt các điểm dù là nhỏ nhất
Đề thi có những câu rất khó. Nếu chỉ làm được một phần mà chưa làm được trọn vẹn, thí sinh vẫn nên viết vào bài làm. Vì những phần làm được nếu đúng theo ba-rem chấm thi, các em vẫn được một phần số điểm.
9. Tránh nộp bài thi sớm
Giả sử các em làm bài thi sau 2/3 thời gian, nộp bài thì cũng chưa chắc được ra khỏi khu vực thi. Vì vậy, nếu làm xong bài sớm, thí sinh cũng không nên nộp bài mà cần kiểm tra lại.
10. Kết luận
Ở cuối mỗi bài toán hoặc một ý hỏi nên có câu kết luận. Có thể viết lại đáp số hoặc trả lời câu hỏi của đề bài để người chấm biết thí sinh đã kết thúc bài đó hay chưa và có cảm tình hơn khi chấm bài. Tránh việc đóng khung đáp số dẫn đến giám khảo nghĩ đây là đánh dấu bài.