![]() |
66% lãnh đạo khẳng định sẽ không tuyển dụng ứng viên thiếu kỹ năng AI. Ảnh: Thinkstock. |
Trong bối cảnh AI ngày càng phát triển, các doanh nghiệp toàn cầu đang cạnh tranh để thu hút nhân lực AI chất lượng cao và trang bị kỹ năng AI cho đội ngũ hiện có.
Đây là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo. Một báo cáo năm 2024 của Microsoft và LinkedIn, khảo sát 31.000 người tại 31 quốc gia, đã chỉ ra 66% lãnh đạo khẳng định sẽ không tuyển dụng ứng viên thiếu kỹ năng AI. Ngoài ra, 71% ưu tiên ứng viên ít kinh nghiệm hơn nhưng có kỹ năng AI so với người giàu kinh nghiệm hơn nhưng không có kỹ năng này.
Để đánh giá nguồn cung nhân tài AI trên toàn thế giới, LinkedIn đã đưa ra chỉ số "mật độ nhân tài AI". Chỉ số này được tính toán dựa trên dữ liệu hồ sơ người dùng thu thập từ nền tảng mạng xã hội chuyên nghiệp này.
LinkedIn định nghĩa nhân tài AI bao gồm cả người có kỹ năng về kỹ thuật AI (như học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên) và người có kiến thức cơ bản về AI (như sử dụng ChatGPT, GitHub Copilot).
Dựa trên dữ liệu năm 2024 của LinkedIn, 10 quốc gia sau đây có mật độ nhân tài AI cao nhất so với mức trung bình toàn cầu:
- Israel (1,98%)
- Singapore (1,64%)
- Luxembourg (1,44%)
- Estonia (1,17%)
- Thụy Sĩ (1,16%)
- Phần Lan (1,13%)
- Ireland (1,11%)
- Đức (1,09%)
- Hà Lan (1,07%)
- Hàn Quốc (1,06%)
Đáng chú ý, 6 quốc gia đứng đầu năm 2024 vẫn giữ nguyên thứ hạng so với năm 2023. Trong khi đó, Ireland tăng 4 bậc lên vị trí thứ 7 và Hàn Quốc tụt 3 bậc xuống vị trí thứ 10.
Bà Chua Pei Ying, chuyên gia kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của LinkedIn, nhận xét các quốc gia dẫn đầu về mật độ nhân tài AI như Israel, Singapore, Luxembourg và Estonia, dù có quy mô dân số và diện tích địa lý tương đối nhỏ, nhưng lại đang cho thấy khả năng phát triển nhân tài AI vượt trội so với tiềm năng vốn có.
Bà giải thích thêm với CNBC Make It rằng điều này có thể đạt được nhờ việc xây dựng một hệ sinh thái năng động, nơi nhân tài được bồi dưỡng thông qua việc các công ty đầu tư vào phát triển kỹ năng cho nhân viên và chính phủ ban hành các chính sách khuyến khích học tập suốt đời.
Một điểm đáng lưu ý khác, Ấn Độ không nằm trong top 10 về mật độ nhân tài AI năm 2024, nhưng quốc gia này đã có mức tăng trưởng đáng kinh ngạc, tăng 252% trong giai đoạn 2016-2024.
Theo LinkedIn, đây là dấu hiệu cho thấy các chuyên gia Ấn Độ đang "tích cực trau dồi các kỹ năng liên quan đến AI".
Ấn Độ cũng ghi nhận mức tăng 33,4% trong tỷ lệ tuyển dụng nhân sự AI so với tỷ lệ tuyển dụng chung trong năm 2024, cho thấy nhu cầu lớn về nhân tài AI tại quốc gia này. Trong khi đó, mức tăng này ở Singapore là 25% và ở Mỹ là 24,7%.
“Sự chú trọng văn hóa học tập của Singapore góp phần tạo nên lợi thế cạnh tranh của quốc gia này trong kỷ nguyên AI. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy các chuyên gia ở Singapore là một trong những người học hỏi tích cực nhất, dành nhiều hơn 40% thời gian để nâng cao kỹ năng AI so với mức trung bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương", bà Chua nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.