1. Phần Lan
Không chỉ có tới 80% nữ giới đăng ký theo học tại các cơ sở giáo dục cấp cao, phụ nữ Phần Lan còn chiếm tới 60% tổng số sinh viên tốt nghiệp đại học và sau đại học. Hệ thống giáo dục nước này trao nhiều cơ hội hơn cho nữ giới trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Chính sách này đã giúp biến Phần Lan trở thành quốc gia có tỷ lệ nữ giới tốt nghiệp có việc làm cao nhất trong số các nước Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế với 66%.
Ở một số quốc gia, tỷ lệ sinh viên nữ áp đảo số lượng các nam sinh viên. |
2. Canada
Hệ thống giáo dục của Canada đã được định hình lại theo hướng tạo thuận lợi hơn cho nữ giới và giảm khoảng cách về giới đã tồn tại khá lâu tại đây. Cho tới những năm 1990, sự mất cân bằng về giới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo này vẫn tồn tại.
Nhưng ngày nay, đã có trên 51% người trưởng thành tại Canada sở hữu một tấm bằng cao đẳng, đại học và trên 62% sinh viên tốt nghiệp trên khắp quốc gia Bắc Mỹ này là nữ.
Đặc biệt, họ chiếm tới 2/3 số sinh viên y khoa. Điều này cũng giúp giải quyết được tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ khi Canada là một trong những nền kinh tế có tỷ lệ nữ giới có việc làm cao nhất thế giới, 70%.
3. Iran
Mặc dù là quốc gia lấy đạo Hồi là quốc giáo, Iran là nước có tỷ lệ nữ giới học cao đẳng, đại học thuộc hàng cao nhất thế giới, tới 77% tổng số sinh viên và rất ngạc nhiên là đa số lại theo học các ngành STEM.
Tuy nhiên, những rào cản về xã hội, tôn giáo và tư duy khiến chỉ có khoảng 25% nữ sinh viên tốt nghiệp tới được thị trường lao động.
Rào cản văn hóa này đã là một trở lực lớn đối với sự tham gia của phụ nữ trong việc nâng cao chất lượng lực lượng lao động và góp phần vào sự tăng trưởng của đất nước trong bối cảnh Iran đang gặp nhiều khó khăn vì lệnh cấm vận của Phương Tây.
4. Chile
Từ năm 2009, phụ nữ đã chiếm phần lớn sinh viên trong các cơ sở đào tạo cấp cao ở Chile. Tuy vậy, tỷ lệ nữ giới có mặt trên thị trường lao động vẫn chỉ hơn 40%.
Một nguyên nhân chính của bất cập này đó là dù khoảng cách về giới trong giáo dục cao đẳng, đại học đã giảm qua nhiều thế hệ người Chile, quốc gia này vẫn có truyền thống xem phụ nữ nên ở nhà để đảm đương công việc gia đình. Thực tế là ngay cả những phụ nữ có trình độ học vấn cao vẫn chọn ở nhà để chăm sóc gia đình hơn là đi làm.
5. Estonia
Trong khi còn rất nhiều người chưa từng nghe tới Estonia, một quốc gia ở khu vực Bắc Âu, một con số chắc hẳn khiến nhiều người ngạc nhiên đó là nước này sở hữu tỷ lệ nữ giới tốt nghiệp cao đẳng, đại học cao nhất trong số 34 quốc gia thành viên của OECD.
Với tỷ lệ 204 nữ so với 100 sinh viên nam tốt nghiệp, phụ nữ Estonia áp đảo hẳn nam giới quốc gia này trên mảng giáo dục cao đẳng, đại học. Họ cũng có xu hướng thống trị trên mọi cấp độ giáo dục, song vẫn chưa theo kịp nam giới trong ngành khoa học tự nhiên và khoa học chính xác.
6. Tây Ban Nha
Chính phủ Tây Ban Nha rất coi trọng phát triển giáo dục. Bằng chứng là trong những năm đầu tiên của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, Tây Ban Nha đã không cắt giảm chi tiêu dành cho giáo dục.
Với 60% sinh viên tốt nghiệp đại học và sau đại học là nữ giới, Tây Ban Nha chứng tỏ họ có chiến lược phát triển dài hạn nhằm nâng cao số và chất lượng của hoạt động đào tạo dành cho nữ.
Một điểm đáng lưu ý khác đó là phụ nữ Tây Ban Nha tốt nghiệp cao đẳng, đại học thu nhập bằng 89% số lương mà những đồng nghiệp nam có được. Đây là mức chênh lệch giới tính về lương thấp hơn hẳn so với mặt bằng của đa số các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trên thế giới.
7. Brazil
Quốc gia Nam Mỹ này đã có những cố gắng rất lớn trong việc gia tăng tỷ lệ dân số được đào tạo cao đẳng và đại học, đồng thời thu hẹp khoảng cách về giới trong hoạt động đào tạo này. Năm 2009, trên 60% sinh viên tốt nghiệp đại học và sau đại học tại Brazil là phụ nữ.
Nhưng phụ nữ Brazil có bằng cao đẳng và đại học vẫn chỉ mới chiếm 20% lực lượng lao động, đồng thời thu nhập ít hơn 30% so với nam giới làm cùng công việc.
8. Mỹ
Phụ nữ tại Mỹ chiếm 57% tổng số sinh viên tại các trường đại học và theo Bộ Giáo dục Mỹ, kể từ năm 2010, nữ giới đã có bước tiến đáng ngạc nhiên so với nam giới trong việc theo học tại các cơ sở đào tạo cấp cao ở mọi trình độ đào tạo.
Khoảng cách về giới trong các ngành nghề thuộc STEM cũng đang được rút ngắn tại Mỹ. Tuy vậy, sự bất bình đẳng về lương và loại hình công việc của nữ so với nam giới tại Mỹ vẫn rất lớn so với mặt bằng chung của các nước phát triển.
9. Argentina
Trong suốt 15 năm qua, tỷ lệ nữ giới học đại học tại Argentina luôn cao hơn so với cánh mày râu. Kể từ những năm 1990, tỷ lệ này đã luôn lớn hơn 50%. Bất chấp được giáo dục tốt hơn, họ vẫn chỉ là một phần thiểu số của lực lượng lao động và đặc biệt vẫn có rất ít đại diện trong ngành STEM.
Điều này cũng phản ánh xu hướng chung của thị trường lao động thế giới khi phụ nữ hiện diện nhiều hơn trong các nghề thuộc về khoa học xã hội, nhân văn và kinh doanh, còn đàn ông vẫn thống trị mảng công việc STEM.
10. Saudi Arabia
Mặc dù phải mãi tới năm 2011, phụ nữ Saudi Arabia mới có được quyền bầu cử, nhưng hệ thống giáo dục hướng tới nữ giới tại Vương quốc Hồi giáo vùng Vịnh này đã nhanh chóng phát triển.
Nằm trong các sáng kiến nhằm nâng cao khả năng được tiếp cận giáo dục cấp cao cho nữ giới, rất nhiều trường đại học đã được hình thành và tới nay phụ nữ Saudi Arabia đã chiếm tới 60% tổng số lượng sinh viên ra trường.
Dù vậy, tại Saudi Arabia, nữ giới vẫn còn rất nhiều điều phải đấu tranh, họ vẫn chưa được phép lái xe và chỉ chiếm một phần rất nhỏ nhân lực trên thị trường lao động.