Một chế độ ăn giàu chất béo tốt và nhiều rau có thể giúp "khắc chế" bệnh tăng huyết áp. Ảnh: Unsplash. |
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc làm cân bằng huyết áp. Một chế độ ăn nhiều trái cây, rau, sữa ít béo và các thực phẩm giàu chất xơ khác có thể giúp hạ huyết áp tự nhiên và tăng cường sức khỏe tim mạch.
"Mọi người đều biết chế độ ăn nhiều muối có khả năng gây tăng huyết áp. Trong khi đó, chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả lại có tác dụng ngược lại", bà Melissa Prest, phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng Mỹ, cho biết.
Dưới đây là 10 thực phẩm được khuyến cáo nên ăn hàng ngày để đảm bảo cân bằng huyết áp.
Sữa chua ít béo hoặc không béo
Các sản phẩm từ sữa ít béo là nguồn cung cấp canxi dồi dào, một trong những hợp chất chính giúp chống lại huyết áp cao. Bên cạnh canxi, sữa chua cũng giúp bạn bổ sung thêm kali, protein, vitamin và khoáng chất có lợi khác.
Một khẩu phần sữa chua ít béo khoảng 350 gr sẽ cung cấp khoảng 30% lượng canxi được khuyến nghị trong ngày.
Chuối
Một quả chuối cỡ trung bình chứa khoảng 420 mg kali, tương đương khoảng 9% lượng khuyến nghị hàng ngày. Theo bà Prest, kali rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra chế độ ăn ít kali có liên quan đến huyết áp cao.
Chuối chứa nhiều kali, hợp chất giúp điều hòa huyết áp. Ảnh: Unsplash. |
Súp lơ xanh
Các loại rau họ cải, như bông cải xanh, có hàm lượng cao canxi, kali, magiê và vitamin C. Đây đều là những hợp chất giúp hạ huyết áp hiệu quả. Các nghiên cứu cũng chỉ ra chế độ ăn nhiều rau họ cải có thể giúp giảm mức độ bệnh tim và tăng tuổi thọ.
Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina, cải xanh, cải cầu vồng, rau cải xanh và rau diếp cung cấp nhiều kali và magiê. Mọi người có thể kết hợp những loại rau này trong salad, trứng tráng hay sinh tố để điều hòa huyết áp.
Yến mạch
Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ, đặc biệt là yến mạch, có khả năng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, hỗ trợ giảm cân và giảm cholesterol.
Các nghiên cứu đã chỉ ra bạn chỉ cần ăn 3 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày (84 gr) có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim tới 15%.
Yến mạch có thể được sử dụng cho bữa sáng, kết hợp cùng sữa chua không đường và các hoa quả có lợi khác. Ảnh: Unsplash. |
Cá hồi
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các loại cá béo như cá hồi và cá thu chứa nhiều axit béo omega-3, giúp giảm viêm và hạ huyết áp. Chúng cung cấp vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, chống lại bệnh trầm cảm và điều hòa huyết áp.
Quả bơ
Quả bơ chứa rất nhiều canxi, magiê và kali giúp giảm huyết áp. Một quả bơ chứa khoảng 975 mg kali, chiếm khoảng 25% lượng kali bạn cần hấp thụ hàng ngày.
Dầu ôliu
Dầu ôliu chứa nhiều calo có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Sử dụng dầu ôliu giàu polyphenol có liên quan đến việc hạ huyết áp, đặc biệt là ở phụ nữ.
Các nghiên cứu cho thấy việc thay thế bơ bằng dầu ôliu có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Thêm vào đó, việc tiêu thụ nhiều dầu ôliu hơn có thể làm giảm nguy cơ tử vong liên quan đến chứng mất trí.
Dầu ôliu có thể sử dụng trong nấu ăn hàng ngày thay dầu ăn thông thường hoặc trộn salad để tăng hương vị. Ảnh: Unsplash. |
Chocolate đen
Theo một nghiên cứu năm 2017, chocolate đen giàu flavonol giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Theo đó, flavonol trong chocolate đen giúp thúc đẩy chức năng mạch máu khỏe mạnh. Mỗi ngày, mọi người chỉ nên ăn khoảng 30 gram để đảm bảo sức khỏe tốt.
Quả mọng
Quả mọng, đặc biệt là quả việt quất, chứa nhiều oxit nitric, một loại khí giúp tăng lưu lượng máu, từ đó làm giảm huyết áp. Một nghiên cứu năm 2015 của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ cũng cho thấy việc ăn ít hơn 30 gram quả việt quất mỗi ngày cũng có thể giúp hạ huyết áp đáng kể.
Bệnh của thời thức ăn tiện lợi
Qua 400 trang sách, bác sĩ Robert H.Lustig đã chỉ ra nguy cơ các bệnh con người có thể mắc phải trong bối cảnh thực ăn nhanh, đồ đóng hộp lên ngôi. Trong đó, Lustig nhấn mạnh rằng, thực phẩm tiện lợi được sản xuất hàng loạt chính là sát thủ âm thầm.
Cuốn sách Bệnh của thời thức ăn tiện lợi giải thích nguyên nhân gây ra tất cả bệnh mạn tính, cách thực phẩm tiện lợi đã tác động đến chúng dẫn đến tổn hại cho sức khỏe, nền kinh tế và môi trường, từ đó đề xuất giải pháp để chữa lành cho con người.