Sau khi Bộ GD&ĐT cho phép ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa và Dược học, nhiều người băn khoăn về chất lượng đào tạo hai ngành quan trọng này khi trường dự kiến xét tuyển thí sinh từ 20 điểm. Trong khi đó, các trường công lập như ĐH Y Hà Nội, Y Dược TP HCM..., điểm trúng tuyển cao ngất ngưởng, đến 27, 28 điểm.
Sự lo lắng trên càng có cơ sở khi nhìn lại những mùa tuyển sinh trước, điểm xét tuyển và trúng tuyển ngành Y, Dược của những trường ngoài công lập khá thấp.
Phòng học thực hành của khoa Y Dược, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cơ sở Bắc Ninh. Ảnh: Anh Tuấn. |
Điểm trúng tuyển bằng điểm sàn
Đại học Nam Cần Thơ, trong năm đầu tiên thành lập (2013), đã tuyển sinh ngành Dược học với mức điểm đầu vào là 14.
Năm học 2013 - 2014, ĐH Tây Đô (Cần Thơ) tuyển ngành Dược sĩ và Điều dưỡng (khối B) đều có điểm trúng tuyển NV1 là 14. Năm 2015, mức điểm này tăng lên 15.
Cũng trong năm học này, ĐH Thành Đô cho biết điểm vào ngành Dược học khối A là 15 điểm.
Kỳ tuyển sinh 2015, ĐH Tây Đô xác định mức điểm trúng tuyển ngành Dược học bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT là 15 điểm. Ngành này tuyển sinh 750 chỉ tiêu, cao gấp nhiều lần so với các ngành khác của trường.
Trước đó, mùa tuyển sinh 2013 - 2014, ĐH Nguyễn Tất Thành lấy điểm chuẩn ngành Điều dưỡng, Dược học bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Một năm sau, điểm trúng tuyển của Dược học là 16, còn Điều dưỡng 14 điểm.
Đợt tuyển sinh vừa qua, ĐH Lạc Hồng công bố điểm chuẩn vào ngành Dược sĩ từ 15 điểm trở lên.
Đối với ngành Y đa khoa, một số trường có điểm trúng tuyển thấp như ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang): 17 điểm; Đại học Tân Tạo: 17,5 điểm (năm 2014).
Đầu vào thấp và chất lượng đào tạo cũng chính là lý do khiến Bộ GD&ĐT có quyết định tạm dừng việc xem xét mở ngành trình độ đại học đối với Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền và trình độ đại học, cao đẳng đối với các ngành Dược học tại các cơ sở giáo dục đa ngành, không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.
Hệ lụy từ "đầu vào dễ dãi"
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, hiện có 21 trường đào tạo Y đa khoa, trong đó 5 trường ngoài công lập; 26 trường đào tạo ngành Dược (14 trường ngoài công lập).
Các trường này được quản lý theo điều kiện chung, không phân biệt đối xử công hay tư.
Trước thời điểm Bộ GD&ĐT có quyết định dừng cấp phép (tháng 12/2014), khoảng 70 trường tham gia đào tạo Y, Dược.
Trước băn khoăn của dư luận về “20 điểm vào ngành Y là quá thấp”, GS Trần Phương - Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho rằng, điểm trúng tuyển không quan trọng bằng quá trình đào tạo và đầu ra.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục nêu quan điểm, đối với đào tạo Y, Dược, chọn được sinh viên tốt là một trong những yếu tố rất quan trọng.
"Theo nghiên cứu từ kỳ thi SAT ở Mỹ, chất lượng đầu vào quyết định 36% thành công của người học. Ngoài ra, ngành Y Dược ở các nước phát triển đều yêu cầu chất lượng đầu vào rất cao, vì ảnh hưởng trực tiếp sinh mạng con người. Xét cho cùng, hai ngành này vẫn phải giữ mức điểm đầu vào cao nhất trong các ngành học", tiến sĩ Sái Công Hồng, Phó viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) nói.
Chia sẻ quan điểm này, ông Đỗ Văn Dũng, Phó hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM cho rằng, sinh viên ngành Y Dược đòi hỏi có thành thích học tập tốt, với khối lượng và cường độ công việc khá cao... Nếu lấy điểm đầu vào thấp, sinh viên nhiều khả năng không đạt được năng lực cần thiết của bác sĩ và dược sĩ.
Theo TS Nguyễn Trọng Tài, Hiệu trưởng ĐH Y khoa Vinh, việc các trường dân lập có điểm chuẩn ngành Y Dược quá thấp chắc chắn ảnh hưởng điểm trúng tuyển của trường tốp trên. Một số trường Y Dược công lập sẽ phải "hạ chuẩn", "nới chỉ tiêu" và mở thêm phân hiệu để cạnh tranh với các trường dân lập. Điều này dẫn tới chất lượng đào tạo của cả hệ thống đi xuống.
Cũng theo ông Tài, kinh nghiệm tuyển sinh hệ trung cấp, cao đẳng và đại học của ĐH Y khoa Vinh cho thấy, sinh viên vào trung cấp, cao đẳng có năng lực học tập thấp so với sinh viên đại học.
Còn GS.BS Đặng Hanh Đệ, người công tác nhiều năm trong ngành và tham gia giảng dạy tại các trường Y, Dược, khẳng định, sinh viên tốt nghiệp trường ngoài công lập có điểm đầu vào thấp sẽ gặp nhiều khó khăn khi xin việc.
Điểm chuẩn ngành Y đa khoa cao nhất là 28
Năm 2015, điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa (Bác sĩ đa khoa) của ĐH Y Dược TP HCM là 28 điểm. Ngành Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt 27,25 điểm. Ngành Dược sĩ 26 điểm.
ĐH Y Hà Nội: ngành Y đa khoa 27,75 điểm, Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt 27 điểm, Y học cổ truyền 25 điểm, Xét nghiệm Y học 24,25 điểm, Điều dưỡng 24 điểm.
ĐH Y Dược Hải Phòng: Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Y đa khoa 25,5 điểm: Răng - Hàm - Mặt 25,25 điểm; Dược học: 25 điểm.
ĐH Y Dược Thái Bình: Y đa khoa có điểm chuẩn cao nhất 26 điểm; Dược học 25,5 điểm, Y học cổ truyền 24,5 điểm, Điều dưỡng 23 điểm.
ĐH Y Dược Cần Thơ: Y đa khoa và Răng - Hàm - Mặt 25,75 điểm (thí sinh có hộ khẩu tại khu vực Tây Nam bộ) và 26 điểm (thí sinh hộ khẩu ngoài khu vực Tây Nam bộ).