Ngày 24/1 là ngày cuối cùng trong năm Âm lịch của người Trung Quốc. Hướng dẫn viên du lịch Lao Guan cũng như nhiều người khác sắp xếp công việc, vội vã trở về nhà đón năm mới cùng gia đình tại Vũ Hán. Anh lên chuyến bay mang số hiệu Scoot TR188 khởi hành từ Singapore. Nhưng chưa kịp đặt chân tới Vũ Hán, thành phố đã bị cô lập khiến Lao không thể về nhà, cũng không biết đi đâu.
Cuối cùng, Lao là một trong 314 hành khách lên đường tới Hàng Châu thay vì điểm đến Vũ Hán ban đầu. Khi hạ cánh, những người này phải kiểm tra sức khỏe nghiêm ngặt tại sân bay, sau đó cách ly 14 ngày. “Chúng tôi ai cũng lo lắng, không biết điều gì sẽ tới”, Lao nói.
Theo Tân Hoa Xã, tại sân bay Hàng Châu (Trung Quốc), Li Qian (29 tuổi, tên người đã được thay đổi) phát hiện bị sốt và có những triệu chứng nhiễm virus corona. Ngay lập tức, cô được gửi tới bệnh viện gần nhất để kiểm tra. Ở Singapore, Li bị tiêu chảy, nôn mửa. Điều đó khiến cô hoảng loạn và hối hận khi đi cùng mẹ và đứa con trai 11 tháng tuổi trong chuyến bay này.
Nhân viên y tế thảo luận công việc tại một khách sạn cách ly ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 1/2. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
“Tôi tuyệt vọng và luôn tự hỏi liệu rằng mình có bị nhiễm virus hay không”, Li Quian nhớ lại. “Thậm chí, nằm trong xe cứu thương, tôi đã nghĩ về những điều tồi tệ nhất”.
May mắn thay, thân nhiệt của Li bắt đầu ổn định. Khoảng 3h sáng ngày 25/1, cô đến khách sạn gần sân bay để cách ly. Sau đó, cô phải làm thêm xét nghiệm để có kết quả cuối cùng. Trong thời gian chờ đợi, cô không dám trả lời bất kỳ tin nhắn hỏi thăm từ người thân, bạn bè nào.
Nhưng, cô trở nên tỉnh táo hơn bao giờ hết khi nghĩ tới mẹ và cậu con trai đi cùng. “Tôi là người duy nhất mà họ có thể trông cậy vào. Tôi phải mạnh mẽ”, Li nói. Và kết quả không thể khiến họ vui mừng hơn, cả ba đều âm tính với virus corona. Dù vậy, cảm giác lo sợ vẫn còn vì trong đoàn cách ly có 7 hành khách dương tính với chủng virus mới gây bệnh viêm phổi.
Trong thời gian cách ly, khách du lịch từ Vũ Hán được kiểm tra nghiêm ngặt trong các phòng khách sạn rộng khoảng 30 m2 có 4 nhân viên an ninh kiểm soát, canh gác. Chính quyền đã chỉ định một nhân viên y tá cùng 7 nhân viên khách sạn theo dõi và phục vụ nhu cầu hàng ngày của hành khách.
Nhân viên phục vụ bữa ăn cho những người bị cách ly tại một khách sạn ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 30/1/2020. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Mỗi buổi sáng, Lao Guan sẽ bật một bài hát bằng tiếng Phúc Kiến như cách để khích lệ bản thân. “Cuộc sống của mỗi người giống như những con sóng trên biển. Nó luôn có thăng trầm”, lời bài hát rất hợp với tâm trạng của Lao khi đó.
Lao cố gắng trốn khỏi cảm giác cô đơn bằng chiếc điện thoại. Anh gọi cho vợ thường xuyên để dặn dò cô giữ sức khỏe trong lúc dịch bệnh. Lao đùa vui với những người bạn đồng hành qua nhóm WeChat và liên tục cập nhật “nhật ký kiểm dịch". Anh thậm chí đọc những câu chuyện về các nhân vật lịch sử vĩ đại, vượt qua khó khăn để nuôi dưỡng năng lượng tích cực. “Trong khoảnh khắc gian khổ, cuối cùng trí tuệ của con người luôn chiến thắng”, anh hướng dẫn viên viết trong một bài đăng.
Ngoài cách tự giải trí và trấn an, sự giúp đỡ của những người xung quanh là nguồn động viên tích cực cho bất kỳ ai bị cách ly như Lao. Mỗi ngày, họ chỉ gặp nhân viên khách sạn trong trang phục bảo hộ kín mít, chiếc kính to che gần hết khuôn mặt, chỉ nhìn thấy đôi mắt qua lớp kính dày. Nhưng những giây phút ngắn ngủi đó cũng đủ khiến hành khách như được tiếp thêm sức mạnh.
Còn với Li Quian, cô tìm kiếm nguồn sống tích cực vào ngày con trai tròn 1 tuổi. “Tôi muốn con lớn lên trở thành bác sĩ”, Li nói. Với cô, năm mới sẽ thực sự đến với quê hương mình khi thành phố Vũ Hán “khỏi bệnh”.