Ngày 20/3, Bộ Y tế công bố 2 ca mắc là nhân viên y tế đầu tiên của cả nước. Đó là 2 nữ điều dưỡng của Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Sau 2 ca đầu tiên, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc mới. Cũng từ đây, Việt Nam chính thức chuyển sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Sẵn sàng đối phó tình huống xấu nhất
Ngày 28/3, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 2 ca mắc mới là nhân viên Công ty Trường Sinh, đơn vị cung cấp dịch vụ thức ăn tại viện. Ngay sau đó, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành phong tỏa khu vực nhà ăn và thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập" từ tối cùng ngày.
Ngay trong đêm 28/3, Binh chủng Hóa học với 10 xe đặc chủng CDS 1.000, Saniz 921, trạm tiêu tẩy đa năng, xe tẩy độc diệt trùng tiến vào bên trong Bệnh viện Bạch Mai. Các khu vực khám bệnh, hành lang và các tuyến đường bên trong bệnh viện đều được tiêu độc, khử trùng.
Quân đội tiêu độc, khử trùng Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Việt Linh. |
Cũng ngay trong đêm, với sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, Bệnh viện Bạch Mai tiến hành xây dựng bệnh viện dã chiến ngay trong khuôn viên.
Bệnh viện dã chiến được dựng trên diện tích 2.500 m2, tổng cộng bố trí 140 giường. Một khu 10 lều, mỗi lều 6 giường và một khu 4 lều lớn, mỗi lều kê 20 giường bệnh, đảm bảo khoảng cách đúng quy định. Trang thiết bị, máy móc phục vụ cho bệnh viện dã chiến cũng được chuẩn bị đầy đủ.
"Đây là phần kịch bản dự phòng để bệnh viện sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu nhất", GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ.
Những sự sống được hồi sinh
Sau lệnh phong tỏa, Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang điều trị cho gần 800 người, trong đó có khoảng 200 bệnh nhân nặng cần sự hỗ trợ tích cực hoặc phải hồi sức cấp cứu. Mỗi ngày, hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên của bệnh viện vẫn làm việc tích cực để điều trị cho các bệnh nhân.
Ngoài điều trị, các nhân viên y tế còn đảm nhiệm luôn phần việc của người nhà bệnh nhân do phần lớn những người này đã được đưa đi cách ly.
Còn nhân viên bệnh viện, họ bị địa phương coi như người dương tính, buộc cách ly tại chỗ và không thể đến bệnh viện làm việc. Đồng thời, sau lệnh phong tỏa nhà ăn, lãnh đạo bệnh viện phải đau đầu tìm giải pháp dinh dưỡng.
Do tính chất đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối với các khoa cấp cứu A9, hồi sức tích cực, chống độc... khó có thể thay thế, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép bệnh viện được tiếp tục tiếp nhận bệnh nhân nặng chuyển lên từ tuyến dưới.
Bộ Y tế cũng bố trí nơi cách ly riêng là một khách sạn ở quận Hà Đông, Hà Nội, cho nhân viên y tế. Nhiều ngày tiếp theo, những sự sống đã được hồi sinh ngay trong chính bệnh viện dù đang có lệnh phong tỏa.
Sản phụ 34 tuổi được y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cứu sống sau 2 lần chạm "lưỡi hái tử thần". Ảnh cắt từ clip. |
Ngày 3/4, khoa Cấp cứu A9 tiếp nhận nữ bệnh nhân 30 tuổi (Hà Đông, Hà Nội) trong tình trạng ngưng tuần hoàn. Ngay tại cổng bệnh viện, kíp cấp cứu vừa ép tim trên cán, vừa khẩn cấp đưa bệnh nhân vào khu can thiệp.
Sau 15 phút, bệnh nhân tái lập tuần hoàn và được thực hiện các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu. Chiều cùng ngày, bệnh nhân xuất hiện ngừng tuần hoàn lần 2.
Với sự quyết tâm còn nước còn tát, các biện pháp về hồi sức tích cực vẫn được tiến hành, sau hơn 120 phút ép tim liên tục, sản phụ tái lập tuần hoàn trở lại. Sau 24 giờ, bệnh nhân có xu hướng cải thiện. Sau 72 gờ, huyết động học cải thiện. Sau 5 ngày điều trị, sản phụ được gặp lại chồng sau 2 lần chạm lưỡi hái tử thần.
5 em bé chào đời trong bệnh viện cách ly
Trong một tuần cách ly, khoa Phụ sản, Bệnh viện Bạch Mai, đón 5 bé sơ sinh, trong đó, có hai người mẹ mắc bệnh lý phức tạp. Hai bé được chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt.
Cháu bé thứ nhất được sinh ra từ người mẹ 35 tuổi, mổ đẻ một lần, sảy thai một lần, bị đái tháo đường thai kỳ, viêm tụy cấp một lần ở tuần thai 28. Ngày 26/3 chị đến Bệnh viện Bạch Mai khám lại ở tuần thai 36, được chỉ định nhập viện.
Ngày Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa cũng là lúc sản phụ được chuyển vào phòng mổ cấp cứu. May mắn, bé gái nặng 2,6 kg chào đời khỏe mạnh.
Trong một tuần cách ly (kể từ ngày 28/3), khoa Phụ sản - Bệnh viện Bạch Mai - đã đón 5 em bé chào đời. Ảnh: Mai Thanh. |
Cháu bé thứ hai sinh ra từ người mẹ 40 tuổi. Thai phụ nhập viện cấp cứu với chẩn đoán đái tháo đường, nhiễm toan, thai 33 tuần, tiền sản giật. Chiều 3/4, chị được mổ đẻ do thai to, đa ối, nứt vết mổ cũ. Bé gái nặng 3,8 kg chào đời khỏe mạnh.
Trong thời gian cách ly, khoa Sản, Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang theo dõi 10 thai phụ chờ sinh và nhiều nhân viên y tế của bệnh viện đang mang thai sắp sinh.
Bác sĩ Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Sản, cho biết bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án để đảm bảo an toàn cao nhất cho cả mẹ và con. Dù vòng ngoài bệnh viện được giám sát chặt chẽ. Nhưng bên trong, các y bác sĩ vẫn ngày đêm chữa trị, chăm sóc cho các bệnh nhân.
Không chùn bước
TS Dương Đức Hùng, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhấn mạnh đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có vụ dịch lớn.
“Trong những lần đó, chúng tôi bao giờ cũng vào cuộc rất sớm, đầy tích cực, tự nguyện và trách nhiệm. Xin mọi người hãy yên tâm. Chúng tôi sẽ cố gắng, cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đó là đảm bảo về sức khỏe của mọi người và cũng mong mọi người ủng hộ để chúng tôi có thể làm tốt nhiệm vụ”, TS Hùng chia sẻ.
Bệnh viện Bạch Mai - một trong những bệnh viện hàng đầu cả nước chính thức hoạt động trở lại sau 14 ngày cách ly. Ảnh: Việt Linh. |
Ngày 10/4, 158 y, bác sĩ liên quan đến hai trường hợp nhân viên y tế của bệnh viện dương tính với SARS-CoV-2 đã hoàn thành 23 cách ly với kết quả 3 lần âm tính.
“Ngay từ đầu mùa dịch đến nay, khi có nhân viên y tế bị phơi nhiễm, chúng tôi chưa bao giờ có cảm giác đơn độc. Điều đó có giá trị động viên tinh thần cực kỳ lớn. Đó chính là động lực để hôm nay chúng tôi đầy tinh thần, cũng như gạt hết mọi khó khăn lo âu sang một bên để tiếp tục làm việc một cách hiệu quả”, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nói.
Chiều 10/4, nữ điều dưỡng đầu tiên mắc Covid-19 của Bệnh viện Bạch Mai cũng được công bố khỏi bệnh
0h ngày 12/4, sau 14 ngày cách ly, Bệnh viện Bạch Mai chính thức được dỡ lệnh phong tỏa. Bệnh viện hạng đặc biệt này sẽ tiếp tục hoạt động khám chữa bệnh bình thường và những sự sống sẽ tiếp tục được hồi sinh.