15.000 gánh hàng rong, quán ăn nhỏ trên các đường phố như Thonglor, Ekkamai và Pridi Banomyong buộc phải ngừng hoạt động và di dời trước ngày 17/4. Nhiều người lên tiếng phản đối vì cho rằng điều này làm mất cơ hội thưởng thức bữa ăn giá rẻ đầy hấp dẫn tại Bangkok.
Korakot Punlo Pruksa, một cây viết về ẩm thực, cho rằng quyết định di dời các quầy hàng bán rong của chính quyền thủ đô Bangkok làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. “Ẩm thực đường phố đóng vai trò như là huyết mạch của Bangkok. Đó là nét đẹp, là danh tiếng, là văn hóa của Bangkok”, Korakot nói.
Malai Panuwannarat, 51 tuổi, một người bán cháo ăn liền trên đường Thonglor buồn bã nói: "Chúng tôi đã bán hàng ở đây 17 năm, nhưng buộc phải chấp nhận việc di dời, vì các cơ quan chức năng đã nhận được ý kiến phàn nàn rằng quầy hàng rong chặn mất lối đi bộ"
Người bán rong cố gắng tìm địa điểm bán hàng mới với xe đẩy và bàn ghế nhựa nhỏ hơn. Ảnh: Liam Cochrane/ABC News. |
Nhiều người đã phải di chuyển quầy hàng đến khu vực khác. Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu.
Bangurn Meebuaheng cho biết khi cô còn được bán hàng ở phố Soi 38, các quầy hàng rong rất đông khách, cả khách thường xuyên và khách vãng lai. Nhưng kể từ khi chuyển đến nơi khác, thu nhập đã giảm rất nhiều.
Soi 38 trước đây là một “thánh địa” cho người ăn chay. Người dân địa phương và người nước ngoài sống trong khu phố gần đó cũng thường tìm đến đây để thưởng thức đồ ăn ngon miệng. “Rất nhiều khách nước ngoài từng đến đây, họ quay lại và cho tôi xem những bức ảnh cũ và thắc mắc những quán ăn đó đã chuyển đi đâu”, Bangurn nói.
Việc di dời hàng rong cũng khiến du khách tiếc nuối. Adam Spacey, du khách Anh từng trải nghiệm ẩm thực ở Soi Thonglor, nói rằng ông sẽ đi tìm lại bằng được quầy bán hàng mà mình từng ăn nếu họ đi nơi khác. “Bangkok là một nơi tuyệt vời cho ăn vặt. Thực phẩm rất phong phú với giá phải chăng. Việc phải rời khỏi Soi Thonglor chắc chắn ảnh hưởng đến các quầy hàng ăn”, Adam nói.
Bangkok từng được trang CNN xếp hạng là nơi có ẩm thực đường phố tuyệt nhất thế giới trong 2 năm liên tiếp, 2015 và 2016. Những xe đẩy hàng rong trên phố với món ăn ngon miệng là đặc điểm hấp dẫn du khách của Bangkok. Ngay cả người dân Thái Lan cũng thường xuyên mua thực phẩm đường phố. Nhiều người dễ dàng có một bữa ăn bổ dưỡng chỉ với giá từ 1-2 USD. Ước tính 2/3 người dân Bangok mỗi ngày dùng ít nhất một bữa ăn được mua từ các quầy bán rong trên phố.
Du khách Anh, Adam Spacey, ăn cơm ở khu phố Soi Thonglor. Ảnh: Liam Cochrane/ABC News. |
Anatchaya Chaisanam, một lái xe ôm thường ăn cơm gà ở quầy hàng cố định vào buổi trưa, nói: “Tôi thường đến đây ăn mà không đến nơi khác. Nếu Bangkok chỉ có những cửa hàng đắt tiền, những người như tôi không thể có đủ tiền để ăn”.
Trong một xã hội có khoảng cách giàu nghèo như ở Bangkok, thực phẩm đường phố được coi như yếu tố giúp xóa mờ sự phân tầng đó. “Ở Bangkok có rất nhiều tầng lớp, cuộc sống phức tạp, có người nghèo đến tận cùng, cũng có những người siêu giàu, nhưng chính quyền thành phố lại không hiểu bản sắc của Bangkok là gì”, tác giả chuyên viết về ẩm thực Korakot Punlo Pruksa nói.