Trần Lê Khai Minh (du học sinh Nhật):
1.000 lần tự lập mới sống nổi
Khi đi du học Nhật, tính tự lập phải phát huy thêm 1.000 lần mới sống nổi. Nhìn lại khoảng thời gian gần 3 năm đi du học, mình mới thấy rằng sự chuẩn bị của ba mẹ ngày trước thật đáng quý, dù vậy phải mất một năm để mình ổn định, lấy lại thăng bằng cho việc học và làm thêm.
Trần Lê Khai Minh. |
Đặng Hà An (du học sinh Mỹ):
Tuổi tác không liên quan
Rất nhiều bạn trẻ mới 15, 16 tuổi mà chững chạc, nhiều kinh nghiệm sống, có nhiều kỹ năng cứng và mềm hơn một số bạn 18 tuổi hoặc lớn hơn. Bởi thế, tuổi tác không phải là yếu tố chính quyết định đến sự trưởng thành hay những quyết định quan trọng khác trong cuộc sống.
Đặng Hà An. |
Rèn tính tự lập là một quá trình từng bước một, có lúc thành công mà cũng có lúc thất bại và đó là điều rất bình thường. Điều quan trọng nhất trong quá trình rèn luyện tính tự lập là phải nhận ra rằng bản thân có thể làm chủ và thay đổi.
Khánh Linh (du học sinh Mỹ):
18 tuổi, hãy tự tin vào bản thân mình
Theo tôi, 18 tuổi không phải là quá nhỏ để các bạn có thể tự lo được cho mình trong kỳ thi đại học. 18 tuổi các bạn đã có thể và nên tự chăm sóc bản thân. Cá nhân tôi nghĩ 18 tuổi là đã lớn nhưng chưa trưởng thành trong suy nghĩ và hành động.
Khánh Linh. |
Lúc 18 tuổi tôi thật sự không biết gì vì lười tìm tòi học hỏi và tâm lý ỷ lại. Tôi rất tiếc vì điều đó. Nếu được quay lại, tôi muốn được tự làm mọi việc, vì tuổi trẻ mà, có làm thì mới biết được sức mình tới đâu, mình đã trưởng thành như thế nào.
Trương Minh Khánh (du học sinh Úc):Tự lập sớm, xử lý tình huống tốt hơn
Tôi thấy việc ba mẹ đi theo chăm sóc sĩ tử đi thi không ít thì nhiều cũng giúp ích về mặt tinh thần cho các em. Bên cạnh đó, do người Việt đánh giá cao việc thi đại học, ngưỡng cửa rất quan trọng trong cuộc đời, cha mẹ trong nền văn hóa Á Đông có xu hướng chăm sóc con kỹ lưỡng nên việc giúp đỡ con toàn tâm toàn ý trong đợt này cũng không thể trách được.
Trương Minh Khánh. |
Độ tuổi không thúc đẩy sự trưởng thành mà chính là sự va chạm trong cuộc sống, kinh nghiệm cuộc sống và quan trọng hơn cả là sự suy ngẫm, đúc kết cho bản thân.
Tôi ủng hộ việc nhận thức và tự chăm sóc bản thân từ sớm, không nhiều thì ít. Một điều dễ thấy không thể phủ nhận được là đa số các bạn học xa nhà, tự lập sớm sẽ có xu hướng lanh lẹ trong ứng xử xã hội, xử lý tình huống tốt hơn.
Trúc Huỳnh (du học sinh Singapore):“Lớn” phải là trưởng thành
Tính tự lập cần được hình thành và trui rèn từ rất nhỏ chứ không phải đợi đến lúc 18 tuổi. Không có giới hạn nào cho độ tuổi trưởng thành cả. Con người sẽ trưởng thành từ rất sớm nếu có được những trải nghiệm hay cọ xát thực tế, nhưng có người đã có gia đình, công ăn việc làm ổn định vẫn chưa thấy trưởng thành đó thôi. Sự trưởng thành thể hiện qua cách suy nghĩ, cách sống và cách đối xử với những người xung quanh.
Trúc Huỳnh. |
Đồng xu nào cũng có hai mặt, các bạn trẻ Việt tôi quen thường có xu hướng lắng nghe trước rồi sau đó mới phát biểu quan điểm cá nhân của mình. Có thể nói, Tây lẫn ta đều có điểm để học hỏi và ghi nhận.
18 tuổi đủ lớn nhưng chưa đủ trưởng thành
Một số người nước ngoài sống tại VN chia sẻ:
Dana Filek-Gibson (người Canada):
Ở VN nhiều người vẫn sống chung với ba mẹ sau tuổi 18, việc này không hề xấu. Theo tôi đó là sự khác biệt văn hóa giữa VN và Bắc Mỹ. Nhưng dù sống riêng hay sống chung với gia đình, tôi nghĩ điều quan trọng cũng là bạn có khả năng tự lập thông qua việc tự quyết định, tự lo về tài chính, quản lý quỹ thời gian của mình...
Thế nhưng tôi nghĩ các bậc phụ huynh không nên chăm sóc những đứa con 18 tuổi của mình như lúc chúng còn 12 hay 15, vì việc này có thể khiến con em sinh thói dựa dẫm và đôi khi không có trách nhiệm với bản thân mình.
Không có gì sai khi bạn có mối liên hệ thân thiết với gia đình nhưng cũng nên tự mình bước ra ngoài một chút, thậm chí chỉ là đi du lịch và khám phá cuộc sống không có người thân bên cạnh. Học cách tự lập cũng là một bước quan trọng để phát triển thành một con người hoàn thiện.
Robert Ackley (người Mỹ):
Tôi nghĩ 18 tuổi là đã có thể sống tự lập được rồi. Ở Mỹ khi bạn 18 tuổi, bạn có quyền tự quyết định những chuyện quan trọng của mình, thậm chí là có tiếp tục đi học nữa hay không.
Nhưng để gọi là trưởng thành thì phải mất ít nhất 4-5 năm sau đó nữa để có thể thật sự tự lo cho cuộc sống của mình và học cách sống với người khác mà không phải gia đình mình. Độ tuổi 22 - 23, sau khi tốt nghiệp đại học, theo tôi, mới có thể gọi là chín chắn.
Tôi nghĩ tuổi 18 chưa đủ kinh nghiệm để gọi là trưởng thành, tuy nhiên điều này cũng thay đổi tùy người.
Theo tôi, một trong những kỹ năng cần thiết nhất các bạn ở lứa tuổi 18 cần trang bị cho mình để có thể tự lập là kỹ năng giao tiếp. Giao tiếp tốt để có thể giải quyết chuyện thuê nhà, chuyện ngân hàng, tài chính, xích mích bạn bè, bạn cùng phòng... và nhiều thứ khác.