Lohanny Santos, 27 tuổi, ở Brooklyn, New York (Mỹ) tốt nghiệp Đại học Pace năm 2020 với bằng kép về truyền thông và diễn xuất, nhưng không thể tìm được việc làm, theo Fortune.
Vào tháng 11/2023, cô mất luôn công việc bảo mẫu đang làm kể từ khi tốt nghiệp và vật lộn tìm một công việc thay thế.
Trong clip gây “viral” thu hút hơn 25 triệu view đăng tải lên TikTok vào đầu tháng 2, Santos rơi nước mắt và chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người cùng thế hệ đồng cảm sâu sắc: “Đây là sự thất bại lớn nhất tôi từng cảm thấy trong cuộc đời mình”.
Trong tay ôm chồng résumés sau một ngày dài đi xin việc đầy thất vọng, Santos nói tiếp: “Thành thật mà nói, tôi hơi hổ thẹn vì thực sự tôi chỉ đang nộp đơn xin những công việc có mức lương tối thiểu (nhưng cũng không có ai nhận)”.
Cô gái Gen Z không những tốt nghiệp đại học với chuyên ngành kép mà còn thông thạo 3 ngôn ngữ (Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha), cho hay bản thân đã gõ hết cánh cửa này tới cánh cửa khác để tìm việc nhưng vô vọng.
Santos bật khóc khi thừa nhận rằng cô từ bỏ hy vọng ban đầu là trở thành một người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và cần một công việc toàn thời gian.
Lohanny Santos thất vọng sau khi gõ nhiều cánh cửa để xin việc làm nhưng bất thành. |
“Thật tệ. Thực ra tôi vốn chỉ muốn trở thành một TikToker, nhưng tôi không thể ảo tưởng được. Tôi thực sự cần phải kiếm sống”.
Sau khi thu nhập từ việc làm TikToker không đủ để trả các hóa đơn, Santos đã đến một số quán cà phê để rải hồ sơ xin việc - giống những gì cô từng làm khi 16 tuổi.
Tuy nhiên, cũng không mất nhiều thời gian để nữ sinh viên tốt nghiệp Đại học Pace nhận ra rằng ngay cả “hai tấm bằng về truyền thông và diễn xuất” cũng không đủ để kiếm được một công việc với mức lương 16 USD/một giờ ở New York trong thị trường việc làm khó khăn hiện nay.
Thực tế phũ phàng
Những sinh viên tốt nghiệp thời kỳ lockdown đang phải đối mặt với con đường gập ghềnh sau khi phải học trực tuyến trên Zoom trong thời kỳ đại dịch Covid-19 thay vì tận hưởng cuộc sống sinh viên quý giá của tuổi trẻ như thế hệ cha mẹ của mình. Giờ đây họ nhận những “gáo nước lạnh” khi đi xin việc vì nhận ra tấm bằng mà nhiều sinh viên thậm chí phải vay nợ để học được, không hứa hẹn cho họ một công việc đủ sống, như những gì Santos đã nhận ra.
Nhiều nhà tuyển dụng lớn đã bỏ yêu cầu về bằng cấp lâu nay; trong khi đó, các nhà tuyển dụng trên toàn cầu hiện có xu hướng tìm kiếm nhân viên mới theo kỹ năng cao hơn gấp 5 lần so với trình độ học vấn đại học. Ngay cả LinkedIn cũng khẳng định rằng những kỹ năng cần thiết nhất để tìm việc làm hiện nay không thể học được trong sách giáo khoa.
Santos nói với Business Insider: “Tôi rất buồn và thất vọng về bản thân vì khi lớn lên, tôi được dạy rằng nếu tôi được học hành, nếu tôi vào đại học thì tôi sẽ thành công”.
Đây cũng không phải Gen Zer đầu tiên bày tỏ thất vọng về việc đã theo đuổi học hành để có bằng cấp tốt nhưng lại vỡ mộng.
Mới tháng trước, Robbie Scott, 27 tuổi, cũng “viral” tương tự trên TikTok với phát ngôn Gen Z không hề ít sẵn sàng làm việc hơn so với các thế hệ trước. Thay vào đó, anh nói, họ “tức giận, và thất vọng” về viễn cảnh phải làm việc chăm chỉ trong suốt quãng đời trưởng thành còn lại của mình, chỉ để “không nhận được gì”.
Scott nêu trực diện: “Chúng ta đi học trung học, rồi vào đại học. Chúng ta làm việc từ năm 15, 16 tuổi…làm mọi thứ mà họ nói để rồi kết quả ra sao? Chúng ta vẫn sống ở nhà cha mẹ ở độ tuổi cuối hai mươi à?”.
Nhiều người đồng cảnh ngộ
Chỉ vài giờ sau khi Santos đăng tải khoảnh khắc thực tại phũ phàng của mình, hơn 3 triệu người đã theo dõi và hàng nghìn bình luận đổ về từ những người có hoàn cảnh tương tự.
Cô nói với Business Insider: “Ban đầu tôi có 50.000 người theo dõi trên TikTok và tôi thức dậy với 130.000 người theo dõi 48 giờ sau đó”. Những ngày tiếp đó, số lượng người theo dõi của cô đã tăng lên hơn 150.000.
Santos "viral" trên TikTok chỉ sau một đêm, thu được hàng triệu lượt xem và tăng từ lượng khán giả 50.000 lên hơn 160.000. Ảnh: Instagram. |
“Tôi rất vui vì đã chia sẻ điều này với các bạn vì tôi cảm thấy mình có thể khiến người khác cảm thấy bớt cô đơn hơn”, TikToker nói thêm trong một video tiếp theo gần đây.
“Cô gái ơi, tôi hoàn toàn hiểu điều này”, một người dùng mạng bày tỏ thông cảm. “Tôi là một người nhập cư, thông thạo 2 ngôn ngữ, có bằng thạc sĩ, công việc duy nhất tôi có được là bán hàng ở một tiệm trà sữa và đó là công việc tôi đang làm hiện nay”.
Một người khác chia sẻ: “Hiện rất nhiều người đang phải trải qua điều này! Bạn không đơn độc! Dường như không ai biết được tương lai sẽ như thế nào, tất cả đều sợ hãi”.
Trong khi đó, những người khác cáo buộc Santos “chỉ cố gắng thu hút sự chú ý để không cần phải kiếm một công việc thực sự”.
Dù thế nào, dường như nỗ lực tìm kiếm công việc công khai của Santos dường như đã được đền đáp. Sau khi clip trở thành hiện tượng “viral”, cô gái 27 tuổi đã “chốt đơn” hợp tác với một công ty thuốc tránh thai. Tài khoản LinkedIn của cô hiện ghi công việc là “diễn viên, người sáng tạo nội dung truyền thông xã hội”.
Santos nói rằng cô muốn trở thành influencer hạng A nhờ sự nổi tiếng bất ngờ trên mạng xã hội.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.