Theo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 mà nhiều trường đã công bố, năm nay, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký xét tuyển theo khoảng 20 phương thức.
Tuy nhiên, dù đăng ký xét tuyển vào bao nhiêu trường, thông qua các con đường khác nhau, thí sinh cũng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng.
Năm 2022, thí sinh có thể lựa chọn nhiều phương thức để cạnh tranh suất vào đại học. Ảnh minh họa: Việt Hùng. |
Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển
Nhiều trường áp dụng phương thức xét tuyển này nhưng dành chỉ tiêu không lớn. Ngoài quy định xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển của Bộ GD&ĐT, một số trường cũng có quy định riêng.
Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển thẳng học sinh giỏi theo quy định của Bộ GD&ĐT. Đây là một trong 3 phương thức của nhóm xét tuyển tài năng. Chỉ tiêu dành cho 3 phương thức chiếm 20-30% tổng chỉ tiêu.
ĐH Ngoại thương cũng dành chỉ tiêu nhất định để xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và trường.
Các trường thành viên của ÐH Quốc gia TP.HCM đều áp dụng việc tuyển thẳng thí sinh theo quy chế tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của bộ, ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT theo quy định của ÐH Quốc gia TP.HCM hay ưu tiên xét tuyển theo quy định của ÐH Quốc gia TP.HCM.
Xét điểm thi tốt nghiệp THPT
Đây là phương thức được áp dụng ở hầu hết đại học. Tuy nhiên, xu hướng chung, chỉ tiêu dành cho phương thức này giảm dần trong bối cảnh các trường ngày càng đa dạng hóa phương thức xét tuyển.
Ví dụ, ĐH Bách khoa Hà Nội chỉ dành 10-20% chỉ tiêu cho một số chương trình đào tạo có tổ hợp xét tuyển A00, A01, A02, B00, D01, D07, D26, D28 và D29.
Với phương thức này, trường yêu cầu thí sinh có điểm trung bình chung 6 học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7 trở lên (hoặc tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn học từ 42 trở lên), được công nhận tốt nghiệp THPT, có điểm thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển do trường quy định.
ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ dành 10-15% cho phương thức này, giảm mạnh so với con số 50% năm 2021.
Tại ĐH Ngoại thương, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được áp dụng cho các chương trình tiêu chuẩn và định hướng nghề nghiệp quốc tế.
Xét học bạ và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT là 2 phương thức tuyển sinh được áp dụng nhiều năm nay. Ảnh minh họa: Chí Hùng. |
Xét học bạ
Xét học bạ hay kết quả học tập THPT cũng là phương thức được nhiều trường lựa chọn. ĐH Ngoại thương là một trong số đó.
Trường có phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT nhưng chỉ dành cho 3 nhóm đối tượng, gồm thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia (hoặc tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực phù hợp với tổ hợp điểm xét tuyển của trường); thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12; thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên.
Tại ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM xét học bạ theo 2 hình thức, gồm xét theo tổng điểm trung bình 3 môn lớp 12 và theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12).
Ngoài ra, thay vì xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT, Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM lại căn cứ vào điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học để tuyển sinh.
Kết quả thi Đánh giá năng lực, Đánh giá tư duy
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy và dùng kết quả để xét tuyển 60-70% tổng chỉ tiêu. Đây là phương thức tuyển sinh chiếm tỷ trọng lớn nhất của trường.
Thí sinh cần có điểm trung bình chung 6 học kỳ của mỗi môn học ở bậc THPT từ 7 trở lên thuộc một trong những tổ hợp môn trường đưa ra.
Năm nay, hai đại học quốc gia là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM đều tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực. Theo thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, đến nay, gần 50 đại học đăng ký sử dụng kết quả từ kỳ thi để tuyển sinh năm 2022.
Trong số đó, ĐH Ngoại thương sử dụng phương thức xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi Đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm 2022 để tuyển sinh cho một số chương trình tiêu chuẩn.
Xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế
Năm nay, nhiều trường cũng áp dụng phương thức tuyển sinh theo chứng chỉ quốc tế.
Ở nhóm xét tuyển tài năng, ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển dựa trên các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, A-Level. Thí sinh cần có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11 và 12 đạt từ 8 trở lên.
ĐH Kinh tế Quốc dân nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh có điểm SAT từ 1200 hoặc ACT từ 26 điểm trở lên. Phương thức này chiếm 1-3% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Điểm xét tuyển quy về thang điểm 30, lấy thí sinh từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.
ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng có phương thức tuyển sinh theo kết quả kỳ thi SAT. Khoa Y, ĐH Quốc gia TP.HCM, sẽ dành một phần chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế.
ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM, xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài, xét học lực kết hợp phỏng vấn.
Xét tuyển kết hợp đa dạng
Xét tuyển kết hợp là phương thức được nhiều đại học hàng đầu sử dụng trong năm tuyển sinh 2022. Các trường có thể xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT hay với học bạ hoặc cả phỏng vấn…
Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội xét tuyển dựa trên kết quả và thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
Phương thức này dành cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, ACT; điểm thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội hoặc ĐH Quốc gia TP.HCM; điểm thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm thi Đánh giá năng lực; chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; học sinh hệ chuyên trường THPT chuyên/THPT trọng điểm quốc gia kết hợp điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; tham gia vòng thi tuần cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hoặc đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hay giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.
Những em có chứng chỉ IELTS (academic) quốc tế 6.0 trở lên (hoặc tương đương) được đăng ký xét tuyển tài năng vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Kinh tế - Quản lý theo hình thức xét tuyển kết quả, thành tích học tập phổ thông kết hợp phỏng vấn.
ĐH Ngoại thương áp dụng 3 hình thức xét tuyển kết hợp. Trường xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; hoặc kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và chứng chỉ năng lực quốc tế (SAT, ACT, A-level), áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại; hay giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và Ngôn ngữ thương mại.
ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Thăng Long đều có phương thức xét tuyển xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt, ĐH Kinh tế Quốc dân có đề án xét tuyển riêng, trong đó có 4 nhóm đối tượng theo hình thức kết hợp.
Ngoài phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT như các trường trên, ĐH Kinh tế Quốc dân còn xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế với kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH quốc gia; thí sinh là học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên/THPT trọng điểm quốc gia với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT; thí sinh đã tham gia vòng thi tuần/tháng/quý/năm Đường lên đỉnh Olympia hoặc đoạt giải HSG cấp tỉnh hoặc giải khuyến khích quốc gia kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2022, việc xét tuyển kết hợp còn có thêm hình thức xét kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn, dự kiến được áp dụng tại ĐH Bách khoa TP.HCM.
Ngoài ra, nhiều trường dù chưa công bố phương thức tuyển sinh song sẽ duy trình phương thức tương tự các năm trước như kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm bài thi năng khiếu.