Hơn 20 năm nền giáo dục Việt Nam từng bước thay đổi cách thức, quy chế thi đại học, cao đẳng cũng là ngần ấy thời gian chương trình “Tiếp sức mùa thi” lớn mạnh, nâng bước hàng triệu sĩ tử đến gần ước mơ, vì mục tiêu rạng danh giáo dục và tài trí người Việt.
Ngược dòng thời gian về năm 1997, một nhóm nhỏ sinh viên đặt bàn tư vấn kèm quyển sổ giản đơn tại Thành Đoàn TP.HCM (33 Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM) để hướng dẫn thí sinh từ mọi miền tập trung về thành phố, tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng, vốn được xem có tính chất quyết định quãng đời học sinh.
Đến nay, hoạt động tình nguyện ấy đã mở rộng với nhiều mô hình tiếp sức, thu hút hơn 984.317 sinh viên trên cả nước tham gia và được biết đến với tên gọi Tiếp sức mùa thi. Dù chương trình, quy cách hay tên gọi của kỳ thi đại học, cao đẳng thay đổi bao lần, Tiếp sức mùa thi vẫn giữ một tên gọi và tiếp tục kiên trì với nhiệm vụ: Trợ lực sĩ tử vượt vũ môn.
Vào những năm 1996-1997, các trường đại học, cao đẳng tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh. Khi ấy, phương tiện di chuyển lẫn truyền thông đại chúng, thiết bị di động chưa phổ biến như bây giờ. Hình ảnh thí sinh chân ướt chân ráo lên thành phố, bỡ ngỡ tìm chỗ trọ hay loay hoay xác định địa điểm, cập nhật thông tin làm thủ tục không phải chuyện hiếm.
Trăn trở tìm cách giúp thí sinh vơi bớt nỗi lo trước kỳ thi quan trọng, chương trình “Hỗ trợ thí sinh đi thi đại học, cao đẳng” ra đời. Với kết quả thiết thực và giàu giá trị nhân văn, chương trình dần phát triển, ngày càng đa dạng phương thức trợ giúp, từ tổ chức đội hình đón và tư vấn tại bến xe, nhà ga; giới thiệu chỗ ở miễn phí hoặc giá rẻ đến tổ chức đội xe chở thí sinh; chuẩn bị suất ăn miễn phí…
Tuy nhiên, thời điểm đó, những hoạt động này chỉ gói gọn tại TP.HCM, số lượng thí sinh được hỗ trợ còn ít. Năm 2002, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cùng Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Thiên Long thống nhất nhân rộng chương trình ra toàn quốc. Tên gọi Tiếp sức mùa thi ra đời từ đó.
Mỗi mùa thi về, người ta lại thấy màu áo xanh rong ruổi khắp ngõ ngách hỏi han nơi ở tiện nghi, giá rẻ, thậm chí cố nán lại lâu hơn để xin vài suất miễn phí cho các thí sinh khó khăn. Nhờ đó, từng thế hệ tương lai không còn bỡ ngỡ khi bước chân đến thành phố xa lạ. Họ được chào đón bằng nụ cười, sự niềm nở và nhiệt huyết của các “chiến sĩ” Tiếp sức mùa thi.
Qua từng đợt vượt vũ môn, quy chế và cách thức thi được cải tiến. Tiếp sức mùa thi cũng theo đó mà phát triển, thay đổi mô hình theo hướng nhanh chóng, phù hợp, hỗ trợ sát sao nhu cầu của thí sinh và người nhà.
Đơn cử, giai đoạn 2002-2014, kỳ thi tổ chức theo nguyên tắc chung đề, chung đợt thi và các trường sử dụng cùng kết quả để xét tuyển. Chương trình Tiếp sức mùa thi từng bước tăng về số lượng lẫn chất lượng đội hình tình nguyện, giải pháp hỗ trợ để thí sinh nhanh chóng thích nghi hình thức thi mới. Giai đoạn này đánh dấu thời kỳ vàng son của chương trình khi hàng nghìn tình nguyện viên xuống đường, năng nổ góp sức và không quản ngại khó khăn, vất vả.
Giai đoạn sau đó, một số khối thi đại học, cao đẳng đổi mới, thí sinh đã tốt nghiệp THPT tham gia kỳ thi chung theo 3 đợt. Lúc này, bên cạnh việc tư vấn, giới thiệu nơi ở, đưa đón thí sinh, hướng dẫn tại điểm thi… như trước, Tiếp sức mùa thi một lần nữa nỗ lực hỗ trợ, vận động học bổng tặng thí sinh vượt khó - học giỏi.
Khi kỳ thi THPT, tuyển sinh đại học thay đổi căn bản, toàn diện và tổ chức tại địa phương từ năm 2015 đến nay, thí sinh thuận tiện, chủ động hơn trong việc di chuyển, chuẩn bị hồ sơ. Lúc này, Tiếp sức mùa thi thay đổi phương thức hỗ trợ sâu sát nhu cầu thí sinh, theo kịp bước tiến của kỳ thi. Ngoài suất ăn ngon, dinh dưỡng, chai nước mát lạnh, những suất học bổng, phần quà ý nghĩa trao tặng đã giúp nụ cười sĩ tử thêm trọn vẹn.
Qua 20 năm không ngừng nhân rộng quy mô và sáng tạo hoạt động hỗ trợ sĩ tử, Tiếp sức mùa thi thành công trong việc tạo dựng những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là từng thế hệ thanh niên xung kích tình cảm, tiến bộ, nhiệt huyết, sẵn sàng mang sức trẻ cống hiến cho xã hội. Đó là những câu chuyện nhân văn về con người lặng thầm thắp lên ngọn lửa cảm hứng cho nhiều thế hệ sĩ tử Việt.
Hai thập kỷ trôi qua, Tiếp sức mùa thi như thước phim lưu giữ, hòa trộn hàng triệu cảm xúc, tạo ra câu chuyện cảm động, truyền đi thông điệp tốt đẹp về sức mạnh tri thức. Đặc biệt hơn, Tiếp sức mùa thi còn trở thành kênh thông tin quan trọng và hữu ích, mang tâm tư, nguyện vọng của sĩ tử, phản ánh bất cập trong công tác tổ chức kỳ thi đương thời đến Bộ GD&ĐT cùng ban ngành liên quan, góp phần thúc đẩy cải cách.
Hành trình 20 năm tiếp sức sĩ tử của Tiếp sức mùa thi thu hút 984.317 tình nguyện viên, 172.397 sinh viên tham gia đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại địa điểm thi. Không dừng ở đó, 175.397 sinh viên tình nguyện tìm kiếm nhà trọ miễn phí, giá rẻ, 192.241 người hỗ trợ di chuyển cho thí sinh và người nhà. Nhiệt huyết tuổi trẻ cùng kinh phí hơn 60 tỷ đồng đã giúp trên 10 triệu thí sinh và người nhà vơi nỗi lo, có thêm động lực tiến bước.
Nhiều thí sinh nhận hỗ trợ đã thành công trên con đường mình chọn, trở thành người có ích cho xã hội và góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Đó cũng là tác động tích cực, thành quả lớn lao mà Tiếp sức mùa thi lan tỏa suốt 2 thập kỷ qua.
“Những sĩ tử khi được ươm mầm phát triển từ chương trình sẽ làm rạng danh đất Việt dù ở bất kỳ đâu, trở thành cảm hứng để thế hệ kế cận thành công hơn. Cứ thế, người sau nối tiếp người trước như chuỗi mắt xích, đưa tương lai giáo dục Việt Nam ngày càng đi lên. Ở góc độ nhà đồng hành, chúng tôi tự hào đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục toàn diện, trở thành kênh thông tin hữu ích, mang tiếng nói của học sinh, phụ huynh và cộng đồng đến những nhà làm giáo dục. Đây là cơ sở để thay đổi thể chế, hình thức thi cử phù hợp thực tiễn hơn”, ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long - đơn vị đồng hành với Tiếp sức mùa thi từ những ngày đầu tiên, bộc bạch.
“Sức ảnh hưởng của hành trình Tiếp sức mùa thi không chỉ được ban tổ chức, phụ huynh và học sinh ghi nhận, mà còn thu hút sự quan tâm, đánh giá cao từ người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. ThS Lê Bảo Thắng - Giám đốc Công ty Tư vấn du học OSI Vietnam - khẳng định: “Tiếp sức mùa thi như cánh tay nối dài để ngành giáo dục có điều kiện hoàn thiện hệ thống, phương pháp. Chúng ta hái được quả ngọt từ 20 năm qua, mỗi ngày một sum suê với những thế hệ sinh viên ưu tú, nhân tài phục vụ đất nước”.
Ông Quách Hải Đạt (áo trắng ngoài cùng bên trái) là Giám đốc Nhà văn hoá Sinh viên TP.HCM, Nguyên trưởng ban Tiếp sức mùa thi nhiều năm liền. |
Ông Quách Hải Đạt - Giám đốc Nhà văn hoá Sinh viên TP.HCM, Nguyên trưởng ban Tiếp sức mùa thi nhiều năm liền - đồng tình với quan điểm này. Chứng kiến sự thay đổi của chương trình qua từng giai đoạn phát triển, từ mốc khởi đầu năm 1997 đến quy mô mở rộng ngày nay, anh không khỏi tự hào khi tham gia vào một trong những chương trình có sức sống bền và lâu nhất, mang lại giá trị gia tăng cao.
“Chương trình góp phần nào đó thay đổi phương thức tuyển sinh, bởi kỳ thi những năm đầu tập trung ở đô thị lớn dẫn đến tình trạng quá tải. Nhờ cải cách, thí sinh mọi miền đất nước có kỳ thi nhẹ nhàng, thoải mái và hiệu quả hơn”, ông Đạt chia sẻ.
Anh Nguyễn Đoàn Xuân Trường, Phó bí thư thường trực Đoàn trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, không thể quên cột mốc năm 2010. Khi ấy, anh còn là cậu học trò vừa kết thúc lớp 11 và được lên TP.HCM thăm anh chị đúng dịp diễn ra kỳ thi đại học. Hình ảnh đội quân “áo xanh, cổ đỏ” che mưa cho thí sinh, phát cơm trưa, hỗ trợ mua dụng cụ… khiến anh nhớ mãi. Ý định góp mặt trong đội ngũ áo xanh nhen nhóm và lớn dần trong suy nghĩ của cậu học sinh THPT ngày ấy.
Từ thí sinh nhận sự trợ giúp của anh chị sinh viên tình nguyện, ước mơ được tham gia Tiếp sức của thi của Trường trở thành hiện thực. Khoác lên mình chiếc áo xanh tượng trưng cho tinh thần nhiệt huyết, anh góp nhặt từng kỷ niệm quý báu trong suốt thời gian đồng hành cùng chương trình.
“Tôi được thấy giá trị nhân văn từ chương trình. Đó là những buổi trưa nắng, mỗi nhóm 3 bạn rảo khắp phố phường tìm phòng trống, đảm bảo không bỏ sót con hẻm nào. Đó là tình cảm của chủ nhà với sinh viên tình nguyện. Đó là chiếc xe bình thường bỗng gắn thêm tấm biển: Xe ôm chở thí sinh miễn phí. Đó là nhà hảo tâm tặng luôn chỗ ngồi lẫn thời gian nấu từng hộp cơm, bịch canh nóng hổi. Đó là anh bán vé số khiếm thị có thâm niên gần 10 năm đồng hành cùng Tiếp sức mùa thi” - những kỷ niệm vẫn luôn đong đầy trong ký ức của Trường và khiến anh bồi hồi mỗi lần nhớ lại.
Chặng đường tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ cùng Tiếp sức mùa thi cũng trở thành hồi ức đẹp của anh Phạm Thiện (nhân viên một công ty dược tại quận Bình Thạnh, TP.HCM). Năm 2014, Thiện khăn gói rời Huế vào TP.HCM dự thi tại ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM. Nam sinh nhận sự hỗ trợ nhiệt tình, từ việc đi lại đến chuyện ăn uống. Cũng chính từ đó, ngọn lửa nhiệt huyết từ Tiếp sức mùa thi thôi thúc Thiện trở thành tình nguyện viên của chương trình suốt thời sinh viên. Với anh, chương trình là lớp học lớn giúp trau dồi kỹ năng giao tiếp, ứng xử, quản lý bản thân. Tiếp sức mùa thi trao tặng anh cả trải nghiệm và những người bạn mới.
Trường hay Thiện chỉ là hai trong số hàng nghìn bạn trẻ được chương trình tiếp sức, rồi lại trở thành người tiếp sức thế hệ sau. Tiếp sức mùa thi đã hun đúc tinh thần thanh niên xung kích, làm việc tốt, sống đời có ích trong họ.
Cũng như những thanh nhiên tràn đầy nhiệt huyết ấy, người dân từng giúp đỡ thí sinh cuốc xe, suất cơm, chỗ ăn ngủ cứ thế tiếp tục mỗi mùa thi như thể đã đặt hẹn từ lâu. Giá trị nhân văn thu hút cả các tỉnh thành tập hợp, tổ chức lực lượng thanh niên tình nguyện; bến xe, nhà ga chia sẻ không gian đón tiếp thí sinh ngoại tỉnh; công an phân luồng giao thông và lập chốt tại các điểm nóng; 60.000 vé xe buýt miễn phí cho tại TP.HCM mỗi đợt tổ chức; Tập đoàn Thiên Long giúp văn phòng phẩm, kinh phí tổ chức chương trình.
Nhiều đơn vị khác với chức năng của mình cũng chung tay để thí sinh tham gia kỳ thi thuận lợi, an toàn. Hàng triệu thanh niên trong màu áo xanh cùng các đơn vị đồng hành như hàng triệu cánh tay góp sức nâng bước từng thế hệ học trò đến tri thức.
“Với tôi, triệu cánh tay không chỉ là biểu tượng của Tiếp sức mùa thi, mà còn cho thấy sự chung sức từ toàn xã hội. Trong hàng triệu bàn tay đang nắm chặt ấy, các bạn có thể thấy hình ảnh những thanh niên mang trên mình màu áo xanh nhiệt huyết đội mưa đưa thí sinh vào trường thi, phát từng chai nước cho người nhà; mạnh thường quân tài trợ cho chương trình qua bao mùa; tấm lòng thơm thảo của người dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Đó cũng là sự hỗ trợ nối dài từ nền tảng kỹ thuật số thời 4.0”, ông Cô Gia Thọ nhấn mạnh.
Dù ngày bình thường hay thời dịch nhiều thử thách, chương trình vẫn giữ vai trò là chỗ dựa vững chắc cho thí sinh. Khi nỗi lo sức khoẻ thường trực trong thời dịch, chương trình giúp sĩ tử yên tâm bằng chiếc khẩu trang, chai nước rửa tay sát khuẩn, kiểm tra nhiệt độ trước khi vào phòng thi. Rồi những chiếc bánh, suất cơm kịp thời đến tay để sĩ tử đủ sức khoẻ, vững vàng tiến về phía trước.
Hình thức tư vấn trực tuyến cũng lập tức được đẩy mạnh, xoa dịu nỗi hoang mang của thí sinh khi đối diện thử thách kép. Không còn cái ôm hay bắt tay nồng hậu bởi vách ngăn dịch bệnh, nhưng ai cũng cảm nhận ánh mắt yêu thương dành cho nhau, tinh thần tương thân tương ái chưa bao giờ dừng lại hay khuất phục trước bất kỳ rào cản nào.
Cột mốc 20 năm Tiếp sức mùa thi ghi dấu bằng những hình ảnh đẹp cũng là lúc Tập đoàn Thiên Long bước sang tuổi 40 với thông điệp "Kỷ nguyên mới của sức mạnh tri thức".
Lấy sức mạnh tri thức làm nền tảng cho mọi hoạt động, Thiên Long đồng hành, hỗ trợ kinh phí, nhân lực, trí lực và tâm huyết từ những ngày đầu Tiếp sức mùa thi ra đời. Hai thập kỷ với biết bao nỗ lực và thăng trầm, tập đoàn vẫn nối dài hành trình tiếp sức sĩ tử trong vai trò định hướng, dẫn dắt, góp phần sản sinh nhiều giá trị.
“Trong 20 năm ấy, chúng tôi hiểu rằng việc hỗ trợ không dừng lại ở tinh thần, tiếp sức tri thức, mà thiết thực hơn là hướng đến hỗ trợ cả về thể chất, an toàn sức khỏe để thí sinh vững tin. Những giá trị tốt đẹp là động lực để ban tổ chức chương trình và Thiên Long nỗ lực duy trì, mở rộng hoạt động của Tiếp sức mùa thi. Trong kỷ nguyên của sức mạnh tri thức mà Thiên Long đang theo đuổi, chúng tôi mang đến làn gió mới về công nghệ, phương hướng cải cách chương trình, bám sát biến chuyển liên tục của giáo dục cũng như gen Z - thế hệ đóng vai trò then chốt vào sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Long khẳng định.
Bình luận