Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

2017 tuyển sinh tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam

Dự kiến đến giữa năm 2017, Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ thông báo tuyển sinh chương trình tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam.

Chiều 27/11, hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” đã được tổ chức tại Thiền Viện Sùng Phúc (Gia Lâm, Hà Nội) với sự phối hợp của Viện Trần Nhân Tông thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Đây là một trong chuỗi sự kiện chào đón lễ ra mắt và đi vào hoạt động của Viện Trần Nhân Tông, đồng thời nhằm hướng tới lễ kỷ niệm 708 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2016).

Mục đích của hội thảo nhằm giới thiệu, đánh giá các di sản văn hóa, các di tích lịch sử, phân tích, làm rõ thêm giá trị của hệ thống các di tích liên quan đến Phật hoàng Trần Nhân Tông, qua đó nêu lên các quan điểm và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm.

Tham dự hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội - Vũ Minh Giang - đề xuất các học giả cần tập trung làm rõ 3 vấn đề: làm thế nào để có lượng định chuẩn xác về di sản Phật giáo Trúc Lâm, đánh giá thực trạng: di tích đang ở mức độ nào và đưa ra các giải pháp bảo tồn.

tuyen sinh tien si Phat hoc Viet Nam anh 1
Hội thảo “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Phật giáo Trúc Lâm” có sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các sư trụ trì. 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - khẳng định Trần Nhân Tông là danh nhân văn hóa, nhà chính trị, lãnh tụ tôn giáo lớn của Việt Nam và nhân loại.

Ông cho rằng việc nghiên cứu về Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm đã khởi sắc và nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, học giả, người hâm mộ trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khá phân tán, tùy hứng, không tập trung, chưa có những chuyên luận chuyên sâu, những chương trình hay dự án nghiên cứu lớn. Vì thế, việc định hình một chiến lược nghiên cứu, một số tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về Trần Nhân Tông, Trúc Lâm là việc hết sức cần thiết.

“Viện Trần Nhân Tông đã được xác định tôn chỉ là: nghiên cứu và đào tạo chất lượng cao, chuyên sâu về Phật học, di sản Trần Nhân Tông, thiền phái Trúc Lâm và các vấn đề văn hóa học thuật có liên quan.

Mục tiêu nghiên cứu và đào tạo của Viện cũng không gì lớn hơn việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc lâm, đúng như chủ đề của Hội thảo khoa học ngày hôm nay”.

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho rằng việc nghiên cứu mang tính học thuật đối với đối tượng nghiên cứu là Phật học, các tư tưởng và trải nghiệm tôn giáo là việc có nhiều khó khăn.

“Nghiên cứu Phật học vướng vào mâu thuẫn giữa tính khoa học, lô gic, lý tính và tính tôn giáo trực ngộ và phi lô gic, phi lý tính… Khen thái quá cũng là hạ thấp.

Đề cao một cách không khách quan và không bằng chứng cũng là tầm thường hóa. Nhiều người khi viết về Trần Nhân Tông, vì bản ý muốn ca ngợi ông nên nói ông trút bỏ ngai vàng như vứt cái giầy rách.

Nói thế tưởng ca ngợi hóa ra lại tầm thường hóa Phật Hoàng. Ngai vàng của tổ tông và vận mệnh dân tộc qua xương máu gian khổ của chúng sinh mới giành và giữ được đâu phải cái tầm thường có thể vứt bỏ. Đạo và đời ở ông hài hòa vô biệt”.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đề xuất cần hướng tới việc quốc tế hóa việc nghiên cứu về Trần Nhân Tông. Ông cũng cho rằng cần đại chúng hóa, giản dị hóa tư tưởng của Trần Nhân Tông để ai cũng có thể hiểu được, ai cũng có thể thể nghiệm và học tập theo.

 Dự kiến tới giữa năm 2017, chương trình Tiến sĩ Phật học của Viện Trần Nhân Tông sẽ thông báo tuyển sinh. Chương trình đào tạo tiến sĩ của học viện sẽ phát huy lợi thế liên ngành và quan hệ quốc tế sâu rộng của ĐH Quốc gia Hà Nội.

 Ngoài định hướng đào sâu và nâng cao tri thức Phật học và các tri thức khoa học tương thông liên đới, chương trình sẽ tăng cường các định hướng nghiên cứu theo hướng giải quyết các vấn đề hiện đại, tư vấn chính sách và định hướng xã hội, cung cấp kỹ năng giải quyết các vấn đề Phật sự cho tăng ni theo kỹ năng quản trị tự viện hiện đại.

 Ông kỳ vọng chương trình tiến sĩ Phật học đầu tiên ở Việt Nam sẽ hữu ích, thiết thực và trở thành một khâu quan trọng trong việc đổi mới giáo dục tăng ni nói riêng và đổi mới giáo dục đào tạo nói chung.

Nữ giáo sư kể chuyện mở trường đại học tư đầu tiên

“Bây giờ cho thành lập trường ngoài công lập chắc tôi không làm được, vì làm giáo dục cần rất nhiều tiền. Việc nuôi một ngôi trường vô cùng khủng khiếp”, GS Hoàng Xuân Sính nói.

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/2017-tuyen-sinh-tien-si-phat-hoc-dau-tien-o-viet-nam-342256.html

Theo Nguyễn Thảo / Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm