Trong 21 ngày thuộc tháng 5, Zou Yaqi, sinh viên Học viện Mỹ thuật Trung ương ở Bắc Kinh, ngủ trong sảnh của những khách sạn sang trọng, đeo thử vòng tay ngọc bích tại các cuộc đấu giá và làm việc tại văn phòng của hãng nội thất Ikea. Tất cả đều miễn phí, theo SCMP.
Cuộc sống xa hoa của Zou không phải trò lừa đảo. Đó là dự án dành cho tân cử nhân Học viện Mỹ thuật Trung ương.
Zou đã ghi lại toàn bộ trải nghiệm của mình. Các video được trưng bày tại học viện vào tháng 6.
Tháng 9, Zou đăng vài clip của dự án trên trang cá nhân nhưng không chuẩn bị cho cuộc tranh cãi nổ ra từ đó.
Zou Yaqi giả làm người giàu có khi tham gia dự án của trường. |
Thử làm người thượng lưu
Trong các đoạn video, Zou dùng đồ ăn nhẹ miễn phí tại các trung tâm thương mại, ngủ trên những chiếc ghế dài sang trọng và thử nhiều bộ quần áo đắt tiền.
Nữ sinh trường nghệ thuật tới những địa điểm mà cô cảm thấy an toàn như sảnh khách sạn hay chuỗi nhà hàng Haidilao trong khi khoác lên người trang phục sang trọng, chiếc nhẫn giả và túi Hermes nhái.
Theo Zou, dự án xuất phát từ mối quan tâm lâu dài của cô về việc liệu một người có thể sống bằng “vật chất dư thừa” do xã hội tạo ra hay không.
“Thật thú vị khi thấy cách các vật chất này được phân phối. Chúng thường được trao cho những người trông có vẻ có đầy đủ của cải trong cuộc sống. Họ có thể ngủ trong sảnh của khách sạn sang trọng, tắm ở sân bay, sử dụng bể bơi của khách sạn miễn phí hay ăn tiệc buffet, thưởng thức đồ ăn nhẹ, rượu tại các cuộc đấu giá”, cô cho biết.
“Tôi giả vờ là quý cô giàu có và sống nhờ những ‘vật chất dư thừa’ này”.
Để có vẻ ngoài sang chảnh, Zou diện trang phục, đồ trang sức, túi xách hàng hiệu giả. |
Dự án của Học viện Mỹ thuật Trung ương nhận được nhiều phản ứng trái chiều ở Trung Quốc. Trong khi nhiều người cho rằng nó có ý nghĩa, số khác gọi cuộc thử nghiệm là “trò chơi khăm để có được đồ ăn và thức uống miễn phí”.
Không ít dân mạng chỉ trích Zou “giả dạng thượng lưu” và “lợi dụng lối sống xa hoa”. Cụm từ “quý cô giả mạo” cũng xuất hiện trong tiêu đề của một số tin lan truyền về dự án mà nữ sinh ngành nghệ thuật tham gia.
Tranh cãi về bất bình đẳng giàu nghèo
Zou đang vướng vào tranh cãi xoay quanh làn sóng chống chủ nghĩa vật chất và bất bình đẳng giàu nghèo ở Trung Quốc.
Khoảng cách giàu nghèo ngày càng trở thành vấn đề xã hội gây chia rẽ sau sự gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc về sự thịnh vượng trong những thập kỷ qua.
Gần đây, bất bình đẳng giàu nghèo lại nổi lên như mối quan tâm lớn sau cuộc đàn áp của chính phủ đối với việc trả lương cho người nổi tiếng. Cụ thể, thu nhập của những ngôi sao hàng đầu như Trịnh Sảng đang bị giám sát chặt chẽ khi có thông tin cho rằng mỗi ngày, nữ diễn viên này kiếm được nhiều tiền hơn không ít người làm cả năm.
Vào tháng 8, chính quyền cho biết Trung Quốc phải hướng tới hệ thống xã hội công bằng hơn, hay còn gọi là “sự thịnh vượng chung”.
Nhiều người chỉ trích dự án Zou tham gia, nói cô là "quý cô giả mạo". |
Đáp lại những lời chỉ trích mình, Zou nói rằng cô không phải quý cô thượng lưu và chỉ giả vờ như vậy để tham gia dự án. Bên cạnh đó, dự án này cũng không nhằm xem xét sự bất bình đẳng giàu nghèo hay định nghĩa thế nào là người thượng lưu.
“Khoảng cách thịnh vượng và sự phân tầng giai cấp chỉ là tạm thời, công chúng sẽ đạt đến sự thịnh vượng chung sớm hay muộn”, cô nói.
Một số người có quan điểm tích cực hơn đối với thí nghiệm của Zou. Họ nói rằng trải nghiệm của nữ sinh ngành nghệ thuật khác với cuộc sống của Sanmao, nhân vật hoạt hình trẻ em nổi tiếng được tạo ra vào những năm 1930, được một số người so sánh với cô.
“Cô ấy đã sống miễn phí 21 ngày trong đô thị, dựa vào lòng khoan dung và lòng tốt của xã hội thương mại của chúng ta”, tạp chí Nanfengchuang ở Quảng Châu bình luận.