Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

22 ngày chưa trở về nhà, cuộc gọi nhòe nước mắt ở nơi tâm dịch

Khu vực sinh hoạt chung của 29 y bác sĩ tại Phòng khám đa khoa Quang Hà (Vĩnh Phúc) chiều 25/2 bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi bệnh nhân cuối cùng sắp xuất viện.

22 NGÀY CHƯA TRỞ VỀ NHÀ, CUỘC GỌI NHOÈ NƯỚC MẮT Ở NƠI TÂM DỊCH

Khu vực sinh hoạt chung của 29 y bác sĩ tại Phòng khám đa khoa Quang Hà (Vĩnh Phúc) chiều 25/2 bỗng nhộn nhịp hẳn lên bởi bệnh nhân cuối cùng sắp xuất viện.

Những ngày tháng 2 ở Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc):

"Bác sĩ ở đây được bao lâu rồi?". "Để tôi nhớ xem nào, chắc chục ngày, à không chắc phải 20 ngày rồi chưa về nhà".

"Mẹ ơi, mẹ về với con được không? Mẹ mặc đồ bảo hộ rồi, con ôm mẹ bên ngoài nhé".

“Chúc mừng anh ngày mai không phải ở đây một mình nữa, mai là được gặp vợ con rồi nhé!”.

Điều gì đã diễn ra đằng sau những cuộc đối thoại với đủ cung bậc cảm xúc giữa điều dưỡng - đứa con bé bỏng, bệnh nhân - bác sĩ?

'Diệt xong virus corona bố sẽ về với con' 29 y tá, bác sĩ ở Trung tâm điều trị Covid-19 (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) phải cách ly gia đình, hàng ngày họ trò chuyện với con cái, người thân qua màn hình điện thoại.

22 ngày trực chiến chống virus corona

Chiều 25/2, buổi thăm khám bệnh nhân N.V.V (50 tuổi) nhiễm Covid-19 gần như là lần cuối bác sĩ Trần Quang Vịnh và điều dưỡng Nguyễn Thị Hồng Nhung cần phải mặc đồ bảo hộ khi tiếp xúc với ông tại khu cách ly đặc biệt. Bệnh nhân đã có kết quả âm tính và ngày mai ông được chuyển qua khu dành cho người chờ ra viện. Trong căn phòng rộng chừng 20 m2, không khí vui vẻ bao trùm.

“Chúc mừng anh ngày mai không phải ở đây một mình nữa, mai là được gặp vợ con rồi nhé”. Bác sĩ Vịnh vui vẻ thông báo kết quả cho bệnh nhân thứ 16. Qua lớp khẩu trang che gần kín khuôn mặt, người đàn ông run run nói: “Cảm ơn các bác sĩ”.

Tính đến 26/2, ông N.V.V là trường hợp cuối cùng nhiễm virus corona tại Việt Nam và đã khỏi bệnh.

Dù bệnh nhân cuối cùng đã xuất viện, 29 y bác sĩ tại đây vẫn chưa kết thúc nhiệm vụ. Trong tình huống khả quan nhất, khi các trường hợp nghi nhiễm được trở về nhà và không tiếp nhận thêm trường hợp mắc mới, các y bác sĩ vẫn phải tiếp tục ở lại phòng khám 7 ngày để cách ly.

bac si phong kham quang ha anh 1
bac si phong kham quang ha anh 4

Là một phòng khám tuyến huyện, Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà trở thành nơi điều trị của 5 bệnh nhân dương tính với Covid-19 và 39 trường hợp nghi nhiễm.

Đều đặn, 6h sáng mỗi ngày, công việc của đầu tiên của điều dưỡng Bùi Thị Kim Huệ và đồng nghiệp là lau chùi cửa kính, giường bệnh, sàn nhà rồi phun khử khuẩn toàn bộ khu vực. 7h, các y bác sĩ có mặt tại phòng họp để nhận nhiệm vụ của mình trong ngày.

bac si phong kham quang ha anh 5
bac si phong kham quang ha anh 8

Mỗi bác sĩ có một nhiệm vụ khác nhau, được phân công rõ ràng, cụ thể trong từng buổi giao ban.

Bác sĩ Trần Quang Vịnh, người đứng đầu chịu trách nhiệm chuyên môn, trực tiếp tiếp xúc với 5 bệnh nhân dương tính - luôn miệng nhắc nhở đội ngũ y bác sĩ trong mỗi buổi giao ban: “Hãy đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mình và đồng nghiệp xung quanh bởi chỉ cần một sai sót nhỏ có thể lây nhiễm cho toàn bộ nhân viên và những người khác”.

“Bác sĩ ở đây được bao nhiêu ngày rồi?”. “Để tôi nhớ xem nào? Hình như hơn chục ngày, à đâu cũng phải gần 20 ngày rồi ấy nhỉ?”.

Câu hỏi bất ngờ của phóng viên dành cho bác sĩ Vịnh khiến người ngày đêm đang phải căng mình chống loại dịch bệnh mới nhận ra rằng họ không nhớ nổi họ đã làm việc ở đây bao nhiêu ngày. Họ chỉ biết mỗi ngày thức dậy lúc 4-5 h sáng và kết thúc công việc khi quá nửa đêm.

bac si phong kham quang ha anh 9

Bác sĩ Trần Quang Vịnh là một trong 2 bác sĩ tại phòng khám Quang Hà trực tiếp điều trị cho bệnh nhân dương tính với Covid-19.

“Mẹ mặc đồ bảo hộ rồi, con ôm mẹ bên ngoài cũng được”

Điều dưỡng Trần Thị Thảo không kìm được xúc động khi nhắc đến 2 đứa con chị chưa được gặp mặt 22 ngày nay. Sinh nhật của đứa lớn, chị không về được. Chiếc điện thoại kết nối cuộc gọi video nhòe nhoẹt nước mắt của hai mẹ con. Thỏ - tên gọi thân mật của con gái chị - nức nở: “Mẹ về với con một lúc có được không? Mẹ mặc đồ bảo hộ rồi con ôm mẹ bên ngoài cũng được mà”.

Không chỉ điều dưỡng Thảo, khi nhận nhiệm vụ, bác sĩ Lưu Thị Xuân chia sẻ chị chỉ dám nói với con “Mẹ đi trực, mấy hôm nữa mẹ về”.

bac si phong kham quang ha anh 10

Những cuộc điện thoại gần đây, điều dưỡng Thảo đã có thể vui vẻ trò chuyện với con. Không chỉ cô mà hầu hết bác sĩ đều có chuyến xa nhà lâu như vậy từ trước đến nay.

bac si phong kham quang ha anh 11

Bức tranh bé Thỏ vẽ tặng mẹ và các bác sĩ. Không được gặp nhau nên bức tranh này chỉ được chụp lại và gửi qua điện thoại cho chị Thảo.

“Sau chuyến này chắc thằng cu biết đi đấy”, điều dưỡng Nguyễn Ngọc Lâm nhớ mãi câu nói của mẹ trước ngày anh nhận nhiệm vụ. Anh bảo chỉ mong về kịp ngày được tận mắt nhìn thấy những bước đi đầu tiên của con trai mình.

bac si phong kham quang ha anh 12

“Ban đầu nhận nhiệm vụ cũng hoang mang nhưng nghĩ đến những đồng nghiệp nước bạn đang phải đối mặt với những nguy hiểm gấp trăm gấp nghìn lần mà vẫn vượt qua được thì chúng tôi cũng động viên nhau cùng cố gắng”, bác sĩ Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

bac si phong kham quang ha anh 15

Thỉnh thoảng, một vài nhà hảo tâm gửi tặng đến các bác sĩ, bệnh nhân những nhu yếu phẩm hàng ngày. "Đó là một sự động viên, khích lệ lớn đối với chúng tôi", bác sĩ Xuân nói.

Những ngày đầu làm việc tại đây, đội ngũ nhân viên tại Phòng khám đa khoa Quang Hà không tránh khỏi cái nhìn kỳ thị từ mọi người xung quanh. “Mình cũng không thể trách họ được vì bị bệnh ai cũng lo lắng. Chỉ biết cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình rồi mọi người sẽ hiểu”, điều dưỡng Thảo cho hay.

bac si phong kham quang ha anh 16

Bệnh viện dã chiến hoàn thành thần tốc trong 48 tiếng

Cách tâm dịch Sơn Lôi 10 km về phía Bắc, Phòng khám đa khoa Quang Hà được chọn là nơi cách ly cho những người dương tính và nghi nhiễm Covid-19.

Chỉ trong 2 ngày (4-5/2), 1.000 m2 đất được san bằng để xây dựng cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn của khu cách ly, một nhà tạm được dựng lên có diện tích 120 m2, kê được 24 giường bệnh, nâng tổng số giường bệnh lên 80. Các y bác sĩ cũng trở thành những người thợ xây để hoàn thành cơ sở vật chất kịp tiến độ đón người nghi nhiễm.

Là người đã trải qua cuộc chiến với dịch SARS năm 2003, bác sĩ Vịnh cho rằng qua 17 năm, các trang thiết bị của ngành y có sự tiến bộ vượt bậc, đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn ngày càng cao. Phòng khám Quang Hà là cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện đầu tiên điều trị thành công nhiều bệnh nhân dương tính với Covid-19.

bac si phong kham quang ha anh 17

Mảnh vườn vốn để trồng các loại cây thuốc nam, nay cũng được san phẳng để nhường chỗ cho công việc cấp thiết hơn.

Không chỉ là nơi thăm khám và điều trị, nơi đây dường như trở thành một gia đình thứ 2 của đội ngũ các y bác sĩ. Ở đây, những đứa trẻ vẫn chạy nhảy vui đùa giữa sân bệnh xá với chẳng chịt biển báo, dây cách ly.

bac si phong kham quang ha anh 22

Các hoạt động thể thao thường ngày vẫn được diễn ra trong khuôn viên bệnh xá. Em bé 3 tháng tuổi có kết quả âm tính cũng được chuyển về đây để tiếp tục theo dõi.

“Nghĩ một cách tích cực thì đây cũng là cơ hội để đội ngũ y bác sĩ chúng tôi có cơ hội nâng cao tay nghề, sẵn sàng ứng chiến nếu trong tương lai có những tình huống xảy ra tương tự. Mỗi ngày được nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh xuất viện, đó dường như là động lực mạnh mẽ nhất để chúng tôi sẵn sàng túc trực đêm ngày”, bác sĩ Đức chia sẻ.

Phạm Thắng - Quỳnh Trang

Bạn có thể quan tâm