Nhiều công ty ở Trung Quốc yêu cầu ứng viên dưới 30 tuổi, thậm chí là 27 tuổi. Ảnh: Yuan He/FeatureChina/AP. |
Trong tin đăng tuyển dụng của một công ty dịch vụ ôtô ở tỉnh Tứ Xuyên, yêu cầu cho vị trí nhân sự còn trống được ghi rõ ràng: “Độ tuổi trung bình nên dưới 30”.
Sự phân biệt tuổi tác trong lĩnh vực việc làm ở Trung Quốc không mới, cũng không hề bị che đậy. Nhưng các dấu hiệu cho thấy tình trạng này đang trở nên tồi tệ hơn, theo SCMP.
Theo truyền thống, 35 tuổi được coi là giới hạn cho việc tuyển dụng nhân sự tại đất nước tỷ dân, thấp hơn so với mức trung bình quốc tế, theo các nghiên cứu trong những năm gần đây.
Nhưng giờ đây, ngay cả ứng viên 27 tuổi, trẻ nhất trong số những người tìm việc thuộc thế hệ Millennials (sinh năm 1981-1996) của Trung Quốc, cũng nói rằng họ đang phải đối mặt với nhiều trở ngại liên quan đến tuổi tác trên con đường sự nghiệp. Điều này diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ lực lượng lao động ngày càng đông gồm những sinh viên mới tốt nghiệp đại học.
Thêm vào đó, các công ty, bị vùi dập bởi chính sách “Zero Covid-19” làm tê liệt nền kinh tế của Trung Quốc kéo dài gần 3 năm, đang tìm cách giảm chi phí lao động.
Thị trường việc làm ngày càng khốc liệt ở Trung Quốc, với giới hạn độ tuổi ứng viên được nhiều doanh nghiệp bổ sung. Ảnh: The New York Times. |
Ít cơ hội
Yang (31 tuổi, sống ở Thượng Hải) hầu như không nhận được phản hồi nào từ hơn 100 công ty mà mình nộp CV từ tháng trước. Với bằng thạc sĩ khoa học xã hội, cô đang tìm việc làm trong ngành Internet.
Yang cho biết một số công ty yêu cầu ứng viên dưới 30 tuổi, thậm chí một số còn giảm xuống 27.
Đây gần như là độ tuổi của những người trẻ nhất thuộc thế hệ Millennials, có nghĩa là trong 1-2 năm tới, các thành viên lớn nhất của Thế hệ Z (sinh năm 1997-2012) có thể thấy rằng mình quá già để tìm việc ở Trung Quốc.
Yang nói thêm rằng nhiều công ty yêu cầu cả bằng sau đại học và ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc, gây nên không ít khó khăn.
“Điều này có nghĩa là tôi sẽ phải làm việc liên quan tới ngành học ngay sau khi tốt nghiệp. Nếu không, tôi có thể đánh mất tấm vé vào nghề. Tôi ra trường năm 27 tuổi và mới làm việc được 3 năm. Nếu có bất cứ sai sót nào, tôi có thể vĩnh viễn không còn cơ hội tìm việc với giới hạn độ tuổi bổ sung”, cô than thở.
Sinh viên đại học xem hồ sơ công ty và các vị trí tuyển dụng tại hội chợ việc làm ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, năm 2021. Chỉ 1-2 năm nữa, những thành viên lớn nhất thuộc Gen Z có thể sẽ quá “già” để tìm việc. Ảnh: Yang Suping/China Daily. |
Theo quan niệm truyền thống ở Trung Quốc, phụ nữ thường bị gán cho vai trò chăm sóc gia đình. Do đó, khi phỏng vấn xin việc, những người ngoài 30 tuổi có thể bị hỏi về cách có thể cân bằng giữa công việc và gia đình. Các ứng viên nam ít bị chất vấn về điều này hơn.
“Có một niềm tin phổ biến rằng phụ nữ sau 30 tuổi sẽ lui về vun vén cho gia đình. Vì vậy, quyết định thay đổi công việc phải được cân nhắc cẩn thận”, Yang nói.
Su Zhe (28 tuổi) làm tuyển dụng ở Thượng Hải được 3,5 năm. Anh cho biết xu hướng phân biệt tuổi tác ngày càng phổ biến là hướng đi rõ ràng mà các công ty lựa chọn để thực hiện trong thời kỳ kinh tế bất ổn.
“Sau 3 năm xảy ra đại dịch, nhiều công ty đứng trước nguy cơ đóng cửa. Họ không phải tổ chức từ thiện nên phải ưu tiên sự sống còn của mình hơn tất thảy”.
Su giải thích rằng nhiều doanh nghiệp thích sinh viên mới tốt nghiệp ở sự trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Họ không đòi hỏi mức lương cao và có tuổi nghề dài hơn phía trước so với ứng viên lớn tuổi - những người thường yêu cầu được trả lương cao hơn, ít vận động thể chất hơn, có xu hướng phấn đấu để cân bằng giữa công việc - cuộc sống và yêu cầu nghỉ phép khi có con.
Vẫn có tia sáng
Theo báo cáo được công bố vào tháng 6 bởi nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm việc làm và nguồn nhân lực Trung Quốc 51job.com, số lượng công việc yêu cầu hơn 10 năm kinh nghiệm chỉ chiếm 10,5% tổng số tin đăng trên trang web. Trong khi đó, số lượng công việc yêu cầu “1-3 năm” hoặc “3-5 năm” chiếm hơn 60%.
Trong số nhân viên trên 35 tuổi được khảo sát, hơn 60% ở các vị trí không thuộc cấp quản lý và hơn 70% cho biết sự nghiệp của họ bị đình trệ về cơ hội thăng tiến trước khi bước sang tuổi 35. Những người được thăng chức sau khi bước sang tuổi 35 hầu hết tập trung vào các ngành công nghiệp cao cấp bao gồm AI, IT, chip và chất bán dẫn.
Mao Yufei, nhà nghiên cứu cộng tác tại Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc, cho biết: “Những người trẻ tuổi yêu cầu mức lương thấp hơn do thiếu kinh nghiệm. Đối với một số vị trí có tỷ lệ sa thải cao, các công ty có thể tuyển dụng nhân viên trẻ bằng cách trả lương thấp hơn”.
“Ứng viên trẻ được coi là sáng tạo hơn, hầu hết đều chưa lập gia đình và có thể sẵn sàng thích nghi với lượng công việc cường độ cao, nhịp độ nhanh nhất định vì mong muốn theo đuổi sự nghiệp”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, khi Trung Quốc phục hồi sau thời kỳ suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra, Mao nói rằng sự phân biệt tuổi tác trong việc làm có thể giảm bớt phần nào, với việc thị trường mở ra nhiều việc làm hơn cho những người lao động có kinh nghiệm trên 30 tuổi.
Mao kỳ vọng lĩnh vực dịch vụ và một số ngành sản xuất sẽ dẫn đầu trong lần phục hồi này.
Chính phủ Trung Quốc cũng cần đưa ra chính sách việc làm mạnh mẽ hơn, tăng khả năng tiếp cận thông tin việc làm của những ứng viên lớn tuổi, điều chỉnh yêu cầu tuyển dụng của các công ty trên thị trường lao động và tận dụng khả năng thu hút lao động của nền kinh tế nền tảng.
Lao động ở Trung Quốc dễ bị sa thải khi bước qua tuổi 35. Ảnh: VCG. |
Mao nói thêm: “Chúng ta cần tăng cường nhận thức về luật lao động và khuyến khích những người tìm việc bảo vệ quyền của họ thông qua các biện pháp pháp lý khi gặp phải tình trạng phân biệt tuổi tác”.
Phân biệt tuổi tác là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia, nhưng không phải ở Trung Quốc - nơi đang phải vật lộn để đối phó với dân số già đi nhanh chóng và lực lượng lao động bị thu hẹp.
Theo báo cáo thường niên về phát triển việc làm do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố tháng 11/2022, những thay đổi về nhân khẩu học đã làm tăng chi phí của thị trường lao động Trung Quốc.
“Có sự ưu tiên rõ ràng đối với nhân viên trẻ hơn. Một số công ty thậm chí còn đặt ra ngưỡng tuyển dụng vô lý là 35 tuổi”, báo cáo cho biết, đồng thời lưu ý rằng những yếu tố như vậy sẽ làm trầm trọng thêm mâu thuẫn cấu trúc giữa cung và cầu trên thị trường lao động.
Truyền thông nhà nước cũng cân nhắc, kêu gọi các công ty giải quyết những hạn chế “phi khoa học và vô lý” trong tuyển dụng việc làm.
Theo bài bình luận gần đây trên tờ Worker's Daily, được hỗ trợ bởi Liên đoàn Công đoàn toàn Trung Quốc, những hạn chế như vậy đã được áp dụng rộng rãi ở một số lĩnh vực và khu vực.
“Chúng làm trầm trọng thêm mối quan tâm của những người tìm việc; vi phạm ranh giới đỏ của pháp luật và ranh giới cuối cùng của đạo đức; và mang lại sự hỗn loạn cho thị trường việc làm”.
“Những điều này phải được chỉnh đốn”.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.