Thông tin này được TS.BS Đỗ Minh Loan (Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên) đưa ra tại hội thảo "Rối loạn tâm thần tuổi học đường" do Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức mới đây.
Lấy dẫn chứng từ những ca bệnh cụ thể, TS.BS Đỗ Minh Loan chia sẻ hiện khoa Sức khỏe vị thành niên đang điều trị cho một bạn nữ 12 tuổi. Cô bé không hợp bố mẹ và chỗ dựa tinh thần chính là anh trai.
Một học sinh đang được tham vấn và điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. |
Tuy nhiên cách đây vài tháng, anh trai sang nước ngoài học tập khiến bạn ấy bị chuếnh choáng, rơi vào trạng thái trầm cảm và từng có ý tưởng tự sát. Hiện khoa đã làm can thiệp tâm lý cho bạn gái được khoảng 10 buổi thì gia đình có phản hồi tâm trạng của bạn cải thiện tốt hơn, điểm một số môn tốt hơn.
Cũng có những trường hợp đáng tiếc hơn như sự việc một nữ sinh 14 tuổi bị cô giáo phê bình ở trên lớp nói chuyện làm việc riêng. Em ấy không đồng tình với lời phê bình của cô giáo. Trước đó, gia đình em cũng có một chút bất ổn từ lâu. Vì thế, sau khi gia đình yêu cầu em làm bản kiểm điểm khiến em này thắt cổ tự tử.
“Bé gái được đưa đến bệnh viện trong tình trạng phải thở ô-xy và đã quá muộn, chúng tôi không thể cứu được cháu bé”, BS Loan cho biết thêm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, 20% trẻ em và vị thành niên hiện nay có dấu hiệu rối loạn tâm thần (50% khởi phát ở độ tuổi 14). Trầm cảm là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tàn tật ở trẻ vị thành niên. Tự tử là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở lứa tuổi 15-19.
Thư tuyệt mệnh của một học sinh lớp 9 trước khi tự tử năm 2016. |
Trong nhóm khảo sát ở Việt Nam, khoảng 29% trẻ em và vị thành niên mắc rối loạn tâm thần, gồm các loại như rối loạn cảm xúc, rối loạn ứng xử...
Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương tiến hành khảo sát với 834 học sinh Hà Nội và 726 học sinh Hưng Yên cho thấy, tỷ lệ trầm cảm của học sinh Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%. Tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%. Tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%.
Theo nhận định của BS Loan: "Ở các khu đô thị lớn, học sinh có tỷ lệ rối loạn tâm thần cao hơn các tỉnh, thành khác. Trẻ nữ tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp”.
Lý do khiến học sinh có tỷ lệ rối loạn ngày càng tăng cao, một phần là do nhiều bậc phụ huynh vẫn thờ ơ, coi việc biến đổi tâm lý của trẻ em là do căng thẳng học tập hoặc thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì. Cho đến khi trẻ có những ý định tự tử, gây nguy hiểm cho tính mạng thì can thiệp quá muộn.
Theo BS Loan, việc phát hiện sớm các rối loạn và tham vấn điều trị giúp các em vượt qua những rối loạn đòi hỏi sự quan tâm sát sao của các bậc phụ huynh. “Chúng ta cần phải đặt vào vị trí của các em nhỏ chứ đừng áp đặt tâm lý của người lớn lên trẻ em. Chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng các gia đình và nhà trường, bảo đảm các em có sự phát triển hoàn hảo khi trưởng thành”, BS Loan chia sẻ.
BS Đỗ Minh Loan cũng cho biết, theo khảo sát, có đến gần 71% học sinh mong muốn được chuyên gia tư vấn trong trường học. Trong khi đó, ở các trường học mới chỉ có phòng tham vấn tâm lý học đường nhằm hỗ trợ, tư vấn các vấn đề không quá phức tạp. Do vậy, chúng ta cần xây dựng mạng lưới tâm lý học đường kết nối giữa nhà trường với các cơ sở y tế.
BS Loan cho biết, các cơ sở y tế sẽ cố gắng cung cấp thông tin chuyên môn để các thầy cô nhận dạng một số vấn đề với học sinh của mình để tư vấn cho cha mẹ đưa con đi khám. Hoặc các thầy cô khi thấy các em có vấn đề trong môi trường học đường sẽ có cách thưởng phạt phù hợp hơn, tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra trong học đường.