Vượt qua cảm giác lo lắng, bồn chồn trong thời gian giãn cách xã hội với 3 bước đơn giản.
Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dần cảm thấy mệt mỏi và buồn chán trong chính ngôi nhà của mình.
Thay vì tận hưởng khoảng thời gian nghỉ ngơi, họ lại dành thời gian để suy nghĩ quá mức về những điều tiêu cực và khiến cho bản thân ngày càng tồi tệ.
Việc suy ngẫm kỹ càng về một điều gì đó là tốt. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ quá nhiều sẽ gây ra những ảnh hưởng về mặt tâm lý và sức khỏe.
Dấu hiệu của việc suy nghĩ quá mức
Nhà tâm lý học Amy Morin đã chia sẻ trong bài viết trên trang Forbes như sau: Suy nghĩ quá mức thường chia làm 2 loại là ngẫm lại quá khứ và tính toán cho tương lai. Đó đều là những phản xạ tự nhiên của chúng ta.
Tuy nhiên, nếu không thể tìm ra cách giải quyết cho vấn đề sau thời gian dài suy nghĩ thì bạn nên dừng việc đó lại để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của mình.
Dưới đây là 10 dấu hiệu cảnh báo bạn đang suy nghĩ quá mức, theo Amy Morin:
- Bạn không thể ngừng lo lắng.
- Bạn thường lo lắng về những điều bản thân không kiểm soát được.
- Bạn liên tục nhắc về những sai lầm của bản thân.
- Bạn nhớ lại những khoảnh khắc xấu hổ của mình trong quá khứ.
- Bạn thường tự đặt câu hỏi "Nếu không...thì sao?".
- Bạn cảm thấy khó ngủ vì não bộ luôn suy nghĩ.
- Khi nhớ lại các cuộc trò chuyện, bạn ước mình đã không nói ra những điều đó.
- Bạn dành nhiều thời gian rảnh để suy nghĩ về những bí mật đằng sau một câu chuyện nào đó.
- Bạn chú ý đến hành động gây khó chịu của người khác.
- Bạn dành thời gian để suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai nhưng quên mất những vấn đề thực tại.
Cách để ngừng suy nghĩ quá mức
Nếu bạn đã quá mệt mỏi khi bản thân không ngừng suy nghĩ, hãy thực hiện theo 3 gợi ý dưới đây của hệ thống y tế AMITA Health:
Dành thời gian để hít thở
Mỗi ngày, bạn có thể dành ra 10 phút để thay đổi góc suy nghĩ của mình: trở thành người ngoài cuộc thay vì tham gia vào nó. Cách tiếp cận này sẽ tạo ra một "khoảng cách an toàn" với suy nghĩ của mình.
Khi suy nghĩ, hãy hít sâu và thở ra, bạn hãy tưởng tượng như đang thả trôi những chiếc lá xuống một dòng sông. Trong thời gian đó, bạn đừng để suy nghĩ khác cắt ngang sự tập trung của mình.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát được những gì mình nghĩ. Nhưng khi tập luyện kỹ thuật này thường xuyên sẽ giúp rèn luyện khả năng xoa dịu những suy nghĩ tiêu cực của mình.
Phân tích các mối lo của bản thân
Đầu tiên, bạn cần xác định những mối lo mà bản thân có thể kiểm soát được và không kiểm soát được. Liệt kê chúng ra giấy hoặc trong đầu để kiểm tra xem điều đó có thật sự ảnh hưởng đến mình hay không.
Với những nỗi lo nằm trong tầm kiểm soát của bạn, hãy tập trung tìm ra cách giải quyết chúng theo hướng đơn giản nhất.
Còn với những mối lo ngoài tầm kiểm soát của bạn hãy từ từ thay đổi suy nghĩ của mình từ "tại sao điều này lại xảy ra?" thành "tôi sẽ học được gì khi chuyện này xảy ra?".
Tập cách chấp nhận chúng một cách từ tốn và chậm rãi sẽ khiến bản thân bạn đỡ mệt mỏi và căng thẳng.
Bận rộn hơn
Thay vì tốn nhiều thời gian cho việc suy nghĩ quá mức, bạn hãy tận dụng thời gian rảnh và năng lượng của bản thân để học và làm những việc tích cực hơn như: nấu ăn, sáng tạo nghệ thuật, trò chuyện cùng người thân,... để quên đi cảm xúc tiêu cực.