Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Đi tìm phương pháp học về tiền hiệu quả dành cho bạn

Con người có 8 loại trí thông minh và 5 kiểu học tập khác nhau. Do đó, chúng ta không thể áp dụng một cách quản lý tài chính cho tất cả.

Có lẽ, ai trong chúng ta cũng từng loay hoay tìm hướng giữ tiền hợp với mình. Nếu bạn gặp khó khăn khi ghi chép thu chi hàng ngày, hoặc mang nợ bởi chiếc thẻ tín dụng, thì có thể bạn không phù hợp với cách quản lý tài chính kể trên.

Thực tế, con người có đến 5 phong cách học tập. Mỗi phong cách lại có hướng tiếp nhận, xử lý thông tin khác nhau: Có người học tốt nhất theo lối cổ điển, đọc và viết; có người thích thực nghiệm; có người nhớ lâu nhờ lắng nghe người khác nói.

Các phương pháp quản lý tài chính cá nhân cũng đa dạng như vậy. Ngoài chuyện đọc sách vở, việc hiểu rõ gu học của bản thân sẽ giúp bạn định hướng quản lý tiền tốt hơn.


Người học bằng hình ảnh

Người có khả năng học với hình ảnh sẽ ghi dấu thông tin nhanh nhất qua biểu đồ, đồ thị, màu sắc.

Để xem xét thu chi hàng tháng, bạn có thể nhập thông tin chi tiêu rồi vẽ đồ thị trên Excel, PowerPoint. Sử dụng các ứng dụng hỗ trợ để tổng hợp, phân tích tiền ra, tiền vào cũng là cách hợp lý.

Ví dụ, nếu bạn xem tổng chi tiêu là "cái bánh tròn" (đồ thị tròn) và các "lát bánh" thể hiện khoản nhà ở, ăn uống, tích luỹ, thì sau khi nhìn vào biểu đồ minh họa, bạn dễ dàng nhận biết mình đang chi xài cho việc gì, có thể điều chỉnh ra sao.

Đồng thời, bạn có thể sử dụng thêm đồ thị cột, đồ thị dòng kẻ để xem xét mức độ tăng giảm chi tiêu trong một năm.

Ngoài ra, để tìm hiểu kiến thức về tiền bạc, tốt nhất bạn nên xem video hoặc các infographic thay vì đọc sách nhiều chữ.


Người học qua âm thanh

Người có gu học qua thính giác sẽ xử lý thông tin nhanh nhất khi nghe nói về nó.

Do đó, cách học quản lý tiền phù hợp với bạn là nghe các video có giọng nói nhiều hơn hình ảnh. Podcast hay các hội thảo trực tuyến về tài chính cá nhân là một số gợi ý.

cach quan ly tai chinh ca nhan anh 1cach quan ly tai chinh ca nhan anh 2

Bên cạnh đó, bạn có thể tham gia các hội nhóm, phòng chat radio bàn về chủ đề này.

Trong lúc ghi và phân tích tình hình chi tiêu, bạn nên chú ý đến âm thanh của không gian. Lắng nghe bài hát hay thể loại nhạc yêu thích sẽ giúp bạn minh mẫn hơn.


Người học bằng lời nói

Người học bằng lời nói ghi nhớ và phân tích nhanh nhất nếu được nói ra các suy nghĩ, ý kiến trong đầu.

Nếu thuộc nhóm này, thì bạn có thể theo dõi và ghi chép thu chi hàng tháng, sau đó tìm người thân trong nhà hoặc bạn bè để thảo luận.

Trong quá trình trao đổi, não bạn sẽ được kích thích nhìn ra các phần thâm hụt, những khoản phóng tay và định hướng tài chính cần theo đuổi.

Tuy nhiên, bạn cần cẩn thận trong việc lựa chọn đối tượng lắng nghe. Hãy "chọn mặt gửi tiền", cụ thể là chọn người biết xài tiền một cách khoa học. Hạn chế bàn luận về tiền bạc với những người tiêu xài ít tính toán, kẻo tiền tích lũy nửa năm của bạn biến mất vì lời xúi bẩy.


Học thông qua hành động

Một số người học bằng cách "xắn tay vào việc".

Hãy nhớ lại thời đi học. Nếu bạn là người vừa nhìn đề bài đã muốn cầm bút giải ngay, thì có lẽ bạn thuộc về phong cách học bằng thực chiến, thực nghiệm. Người như bạn thường cảm thấy buồn chán khi phải ngồi yên nghe lý thuyết.

Trong trường hợp này, hành trình quản lý tài chính của bạn nên bắt đầu bằng bằng bút và giấy.

Quá trình viết xuống các khoản thu chi, kế hoạch tích luỹ, đầu tư sẽ giúp bạn kết nối với thói quen chi trả của mình, đồng thời xác định chúng có phục vụ tốt cho cuộc sống hay không. Để làm điều này, bạn nên có một cuốn sổ theo dõi chuyện tiền nong.

Chính vì bạn dễ bứt rứt khi ngồi một chỗ, nên lúc đọc sách, xem video, nghe podcast dạy về quản lý ngân sách, bạn có thể chuẩn bị giấy để ghi chép những ý có ích cho bản thân.

Thay vì tận dụng các loại ví điện tử, nơi tiền chỉ là một khái niệm số hóa, người thuộc nhóm hành động thường nắm bắt tài chính tốt hơn khi dùng tiền mặt.


Học qua hệ thống hóa, logic hóa

Đây là những người có xu hướng giỏi môn Toán. Lý do là họ xử lý thông tin nhanh nhất khi nhìn thấy chúng được kết nối với nhau.

Ví dụ, nếu tháng này bạn xài lố 500.000 đồng mua sắm, thì bạn biết mình sẽ hụt khoản tương ứng trong phần tiền dành cho dịp nghỉ Tết.

cach quan ly tai chinh ca nhan anh 3cach quan ly tai chinh ca nhan anh 4

Ở một khía cạnh nào đó, bạn may mắn hơn 4 phong cách học còn lại. Bạn không cảm thấy khó khăn mà trái lại, bạn thích thú khi theo dõi dòng tiền của mình, biết tạo ngân sách và đặt mục tiêu rõ ràng.

Bảng tính Excel là công cụ "vàng ngọc", cho phép bạn tạo hệ thống thu chi, theo dõi tiến trình hướng tới mục tiêu. Ngoài ra, hiện tại đã có không ít ứng dụng hỗ trợ bạn kiểm kê, phân tích tài chính.

Cuối cùng, có thể bạn không hoàn toàn chỉ thuộc về 1 trong 5 phong cách trên. Chúng ta đều có khả năng sở hữu 2 hay 3 kiểu khác nhau, như việc bạn có thể nghe podcast để ghi nhớ kỹ lưỡng, sau đó dùng biểu đồ minh họa chuyện thu chi cho hiệu quả.

Cứ chọn một hay các gu học tập mà bạn thấy chính mình trong đó, hoặc thử hết tất cả. Theo thời gian, bạn sẽ tìm ra công thức phù hợp nhất với bản thân.

Cuộc sống là một hành trình để mỗi người tìm hiểu, thử nghiệm và khám phá. Hành trình quản lý tài chính cá nhân cũng tương tự.

Dù sao, quản lý tiền là chuyện phải làm cả đời, đáng để bạn dành nhiều thời gian học hỏi, tìm hiểu lối đi chuẩn chỉnh nhất dành cho mình.

Thiên Hân

Đồ họa: Yến Nhi

Bạn có thể quan tâm