Theo nhiều tài liệu lịch sử còn được lưu lại, Phạm Ngũ Lão, Lý Văn Bưu, Cử Tốn, Đinh Văn Tả, La Xuân Khiều và Đặng Xuân Phong là những cung thủ nổi tiếng. Họ góp nhiều chiến công trong quá trình đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Phạm Ngũ Lão - hổ tướng giỏi bắn cung
Phạm Ngũ Lão là tướng nổi danh triều Trần. Tên tuổi của ông gắn liền chiến công đánh bại giặc Mông - Nguyên xâm lược và quân Ai Lao quấy nhiễu bờ cõi.
Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai, ông cùng Trần Quang Khải đánh tan giặc mạnh ở Chương Dương, Hàm Tử, tiến đánh vào thành Thăng Long, cho quân ở Vạn Kiếp chặn đường rút chạy của địch.
Đến kháng chiến chống giặc Mông - Nguyên lần thứ ba, Phạm Ngũ Lão tham gia các trận đánh bắt tướng Phàn Tiếp, Áo Lỗ Xích, Ô Mã Nhi, truy kích Thoát Hoan. Sau này, khi nước Ai Lao nhiều lần quấy nhiễu, ông mang quân sang đánh và giành nhiều trận thắng lớn.
Tranh minh họa tài bắn cung của Phạm Ngũ Lão. |
Năm 1312, ông đánh Chiêm Thành khiến vua Chế Chí phải xin hàng. Năm 1318, ông tiếp tục giao chiến với Chiêm Thành, vua khi đó là Chế Năng thua trận, phải chạy trốn.
Không chỉ giỏi võ nghệ, Phạm Ngũ Lão còn là cung thủ có tiếng. Theo một số tài liệu, Phạm Ngũ Lão tình cờ gặp gia tướng Nguyễn Địa Lô - cung thủ được cho là giỏi nhất thời đó của Trần Quốc Tuấn - đang tập bắn cung, ông xin thử sức.
Trong cuộc tỉ thí này, ông không nhắm vào mục tiêu cắm sẵn mà bắn vào dải cờ đang bay trên cao, mũi tên trúng đích khiến dải cờ rơi xuống đất.
Lý Văn Bưu - cung thủ số một của nhà Tây Sơn
Lý Văn Bưu, một trong thất hổ tướng nhà Tây Sơn, nổi tiếng với khả năng huấn luyện ngựa và tài bắn cung. Mỗi khi cầm quân xông trận, ông lại mang bên mình Kỳ Nam cung.
Cây cung này có cấu trúc đặc biệt, giữa cánh cung, chỗ tay cầm có tháp gỗ quý Kỳ Nam, treo trong phòng, hương trầm thơm ngát. Nơi trận địa, hương trầm làm tăng nội lực, Lý Văn Bưu bắn "trăm phát trăm trúng".
Sách Võ Nhân Bình Định chép rằng khi đó, có một con cọp lớn rất hung dữ, tinh khôn, thường bắt bò heo, hại người. Lúc đầu, hổ săn bắt ban đêm, sau phá phách cả ban ngày. Dân làng thuê đám thợ săn cọp và các võ sĩ trừ hổ, song tất cả đều thất bại.
Lý Văn Bưu được tin, mang cung Kỳ Nam tìm vào rừng sâu để diệt trừ hổ dữ. Gặp được hổ, họ Lý bắn một phát vào đầu nó. Con thú dữ bị thương, hăng máu xông đến. Lý Văn Bưu bắn tiếp hai phát, tên xuyên ngang cuống họng và yết hầu. Cọp giãy giụa một hồi lâu mới chết.
Sau này, khi gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, Kỳ Nam cung đã giúp Lý Văn Bưu lập được nhiều chiến công. Những mũi tên phóng ra từ cây cung của ông tiêu diệt được rất nhiều kẻ thù trong chiến thắng chống quân Xiêm năm (1785) và chiến thắng quân Thanh (1789).
Võ sư Cử Tốn - cung thủ tài năng
Võ sư Cử Tốn tên thật Nguyễn Đình Trọng, sinh ra tại Hà Nội, dòng dõi với võ tướng Nguyễn Đình Tùng, người từng đỗ thủ khoa kỳ thi Đình dưới thời nhà Nguyễn.
Năm 18 tuổi, Cử Tốn thi đỗ Hội nguyên (phó bảng võ). Đến kỳ thi Đình, do gia đình có chuyện buồn, ông xin về quê, không thi nữa.
Võ sư Cử Tốn. Ảnh tư liệu: VTC News. |
Dù phải bỏ thi giữa chừng, võ sư Cử Tốn vẫn được vua Tự Đức ca ngợi hết lời. Theo sách Đại Nam hội điển sự lệ, vua Tự Đức rất muốn chứng kiến tài năng của ông, nên đã tổ chức cuộc thi bắn cung ở sân đình.
Những nhân tài bắn cung giỏi nhất nước được mời tham dự. Dù còn trẻ và chưa có kinh nghiệm thi đấu nơi đông người, trang nghiêm, Cử Tốn vẫn rất bình tĩnh, bắn liền lúc 9 mũi tên trúng hồng tâm.
Không chỉ vua Tự Đức, các cao thủ ở kinh thành phải khâm phục. Vua Tự Đức ban cho võ sư bốn chữ “xạ năng quán quốc” để ghi nhận tài năng của Cử Tốn.
Cũng theo một số tư liệu được dòng họ của ông Cử Tốn lưu giữ, thực dân Pháp từng muốn thử thách tài năng của vị võ sư bằng cách chỉ lên con chim đang đậu trên cây, yêu cầu bắn trúng. Ông chưa kịp bắn, chúng đã rung cho chim bay. Dù vậy, võ sư tài năng vẫn kịp bắn hạ con chim được chỉ định.
Ngoài tài bắn cung, Cử Tốn còn tinh thông võ thuật, thông thạo nhiều loại vũ khí. Trong đó, thương thuật của ông khiến nhiều người kính nể.