- Những năm gần đây, số trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này?
- Trong những năm gần đây, số vụ và số trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục có cả những em bé còn ít tuổi. Kẻ xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen của trẻ thậm chí là bố dượng, cha đẻ.
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục (số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%). Con số này khiến cho chúng ta cảm thấy đau lòng và đòi hỏi phải có những hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này.
- Vậy theo Thứ trưởng đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục?
- Dưới góc độ quản lý nhà nước thì có thể gói gọn ở một số nguyên nhân chính như sau: Đầu tiên là công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả. Trẻ chưa dược hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan. |
Việc cha mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình cũng khiến cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Chưa kể, sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần dẫn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại.
Ngoài ra, những khoảng trống trong hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em và sự hạn chế cả về năng lực, số lượng lẫn quyền hạn pháp lý của hệ thống cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng.
Hiện, chúng ta vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin và phối hợp xác minh, điều tra về hành vi xâm hại trẻ em còn thiếu. Quy định về việc tách trẻ em ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc trong trường hợp chính cha mẹ, người chăm sóc có hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em chưa có...
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng. Ảnh minh họa. |
- Nhiều ý kiến cho rằng chế tài xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em chưa theo kịp với thực tiễn, đặc biệt với trẻ em nam. Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?
- Chế tài xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em quy định rất cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự sửa đổi năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016), trong đó có quy định cụ thể về các tội xâm hại tình dục với người chưa thành niên với các nhóm độ tuổi cụ thể (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, dưới 13 tuổi) gồm: tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm, tội dâm ô, tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm... Đây là các tội phạm có tính nguy hiểm trong xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của các em (không phân biệt nam hay nữ), khung hình phạt đối với các tội này rất nghiêm khắc.
- Trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với công tác phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ra sao?
Thời gian qua, Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/2/2016 của Thủ tướng) và các chương trình liên quan về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em đã được triển khai.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ, ngành liên quan và các cơ quan truyền thông để tiếp tục đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực trong việc chủ động phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em.
Trong giai đoạn 2013 – 2014, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thí điểm dự án Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch tại một số địa phương. Thủ tướng đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, xây dựng đề án: "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng". Các hoạt động này đang được tiếp tục triển khai, nhân rộng trong việc triển khai Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 – 2020.
Luật Trẻ em mới được thông qua trong kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII cũng có quy định nghiêm cấm hành vi xâm hại tình dục trẻ em (Điều 6), quyền của trẻ em được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục (Điều 25) và các biện pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó đã bao gồm cả trẻ em bị xâm hại tình dục. Trên cơ sở đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan sẽ tham mưu, trình Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết nội dung của Luật trẻ em.
Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, trong 5 năm (2011-2015), cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ và gia tăng xâm hại tình dục nam.