Ông Bùi Thế Đức, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương cho biết, một số tỉnh có tới 80% sinh viên ra trường làm trái nghề. Nhiều khu công nghiệp chỉ có khoảng 20% lao động qua đào tạo, có bằng chuyên môn kỹ thuật. Sau 5 năm (2011-2015) tỷ lệ tuyển sinh vào trung cấp nghề và cao đẳng nghề chỉ đạt 53,4% kế hoạch.
Theo ông Đức, hiện tại, số người trong độ tuổi lao động của Việt Nam là 75,2%, nhưng số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 17,9% (nông thôn 11,2%).
Nguồn nhân lực có cơ cấu lao động bất hợp lý (1 đại học - 0,43 trung cấp chuyên nghiệp - 0,56 CNKT). Chỉ trong quý I năm 2016, 225.000 người có trình độ từ cử nhân trở lên thất nghiệp.
Trong khi đó, thông tin từ Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) tiết lộ, tính đến tháng 9/2015 cả nước có 304 khu công nghiệp, 60/63 tỉnh thành phố có khu công nghiệp được thành lập. Ngoài ra, có 14 khu kinh tế.
Cả hai loại hình này đã thu hút 2,6 triệu người làm việc (khu công nghiệp 1,5 triệu) nhưng 80% là lao động nhập cư, không có kỹ năng nghề.
Ảnh: VietNamNet. |
Cả nước hiện có 1.467 cơ sở dạy nghề (190 cao đẳng, 280 trung cấp, 997 trung tâm dạy nghề, 1.000 cơ sở tham gia dạy nghề) cho khu công nghiệp, khu kinh tế (tính đến năm 2015).
Trong 5 năm (2011-2015) việc tuyển sinh nghề đạt được 9.171.371 người, số sinh viên thuộc cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 12,2%, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng 87,8%. Số liệu này tăng 18% so với 5 năm trước đó.
Tổng cục dạy nghề cũng cho biết, năm 2015, 70% học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm. Nhiều trường nghề, trên 90% học viên có việc làm. Một số nghề có việc làm ngay như kỹ thuật khai thác hầm mỏ, kỹ thuật cơ điện hầm mỏ, công nghệ dệt, hàn, công nghệ hóa nhuộm, may thời trang, nhà hàng…
Mức thu nhập học viên khởi điểm tốt nghiệp đạt 3.0 đến 3.5 triệu/tháng, trong đó lương khởi điểm cao nhất của nghề lái xe ô tô hạng E và F đạt 7- 9 triệu/tháng.