1. TP Điện Biên Phủ thuộc tỉnh nào?
TP Điện Biên Phủ hiện là tỉnh lỵ của Điện Biên, thuộc khu vực trung du và miền núi phía Bắc theo phân vùng của Tổng cục Thống kê. Ngoài TP Điện Biên Phủ, Điện Biên còn có thị xã Mường Lay cùng 8 huyện: Điện Biên (trùng tên tỉnh), Điện Biên Đông, Mường Ảng, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa và Tuần Giáo. Ảnh: Du Lịch Điện Biên. |
2. Điện Biên Phủ xưa vốn được gọi là gì?
Cổng TTĐT TP Điện Biên Phủ cho biết nơi đây vốn được gọi là Mường Thanh, xuất phát từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái, có nghĩa là "Xứ Trời". Còn tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841, nghĩa là miền biên cương vững chãi. Phủ Điện Biên thời Thiệu Trị gồm 3 châu: Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó. Ảnh: Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Điện Biên. |
3. TP Buôn Ma Thuột thuộc tỉnh Đắk Lắk được thành lập vào năm nào?
Năm 1995, trên cơ sở thị xã Buôn Ma Thuột, Chính phủ ra Nghị định thành lập TP Buôn Ma Thuột trực thuộc tỉnh Đắk Lắk, đến nay vừa tròn 25 năm. Ngoài TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk hiện có thị xã Buôn Hồ cùng 13 huyện: Buôn Đôn, Cư Kuin, Cư M'Gar, Ea H'Leo, Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, Lắk và M'Drắk. Ảnh: Phạm Ngôn. |
4. Tên gọi Buôn Ma Thuột có ý nghĩa gì?
Theo Cổng TTĐT Đắk Lắk, tên gọi Buôn Ma Thuột bắt nguồn từ tiếng Ê Đê, nghĩa là bản/làng (tức buôn) của Ama Thuột, gọi tắt là Buôn Ma Thuột. Ama nghĩa là cha. Các nhà nghiên cứu cho rằng Ama Thuột là vị tù trưởng có công lập ra buôn làng đầu tiên bên bờ suối Ea Tam, để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành TP Buôn Ma Thuột ngày nay. Ảnh: Tây Nguyên. |
5. Thành phố nào thuộc tỉnh Bình Dương?
Thủ Dầu Một hiện là thành phố tỉnh lỵ của Bình Dương. Ngoài ra, tỉnh này còn có 2 thành phố khác là Dĩ An, Thuận An; 2 thị xã là Bến Cát, Tân Uyên; cùng 4 huyện: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo. Ảnh: Quỳnh Danh. |
6. Với tổng thể là hình ảnh chim bồ câu, hình ảnh thuyền buồm căng gió, logo tỉnh Bình Dương có thể hiện những chi tiết nào?
Cổng TTĐT Bình Dương cho biết logo tỉnh có hình ảnh đồng hồ chợ Thủ, tượng trưng công cụ ghi lại quá trình vận động hình thành và phát triển của Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ngoài ra, logo còn thể hiện hình ảnh cánh hoa dầu, gắn với tên gọi Thủ Dầu Một, hình ảnh bình gốm sứ, đại diện ngành nghề truyền thống của tỉnh, hình ảnh vi mạch, chiếc chén đựng "vàng trắng" cao su... Ảnh: Cổng TTĐT Bình Dương. |
7. TP Thủ Dầu Một có những điểm đến nào thu hút du khách?
Đến TP Thủ Dầu Một, du khách có thể tìm hiểu, khám phá các địa điểm như chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh, nhà thờ chánh tòa Phú Cường, khu du lịch Đại Nam, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp... Ảnh: Thiên. |