Vợ chồng Steve Adcock đã nghỉ hưu sớm từ năm 2016 nhờ rèn luyện thói quen tốt từ khi còn trẻ. Ảnh: Steve Adcock. |
Năm 2016, ở tuổi 35, Steve Adcock đã nghỉ hưu sớm với tài sản ròng trị giá 900.000 USD. 5 năm sau, anh đạt được mục tiêu trở thành triệu phú tự thân, với khối tài sản trị giá 1,4 triệu USD.
Hiện tại khi 41 tuổi, anh có cuộc sống hạnh phúc và giản dị bên vợ tại bang Arizona (Mỹ). Khi nhìn vào thành tựu của anh, nhiều người cho rằng Adcock đã phải rất vất vả tìm kiếm, học hỏi từ những doanh nhân xuất chúng.
Song, nam triệu phú lại khẳng định phần lớn thành công được tạo ra bởi những thói quen thông minh, áp dụng từ khi anh còn ở độ tuổi đôi mươi. Chúng chủ yếu mô phỏng theo nhiều đặc điểm của các cố vấn, đồng nghiệp có thành tích cao mà Adcock ngưỡng mộ từ ngày mới đi làm.
“Thói quen của người thành công thường tạo ra hiệu quả mạnh mẽ, dù đơn giản, dễ học theo đến khó tin”, anh nói với CNBC Make It.
Theo Steve Adcock, dưới đây là 3 đặc điểm sẽ mở ra nhiều cơ hội thành công cho bạn trẻ trong sự nghiệp riêng.
Suy nghĩ lạc quan
Adcock cho rằng tin tưởng vào bản thân, tự tin thể hiện năng lực là bước đầu tiên để làm được những điều mình muốn. Khi thực sự nghĩ mình có thể hoàn thành hầu hết mục tiêu đặt ra, thái độ lạc quan sẽ thúc đẩy bạn làm tốt mọi thứ gấp nhiều lần bình thường.
Thực tế, nam triệu phú từng suýt từ chối vị trí giám đốc khi mới ngoài 20. Lúc đó, anh chỉ muốn trốn tránh vì cảm thấy mình không thể cáng đáng nhiệm vụ lớn.
Song, sau một thời gian cân nhắc, anh vẫn quyết định thử thách bản thân. Lựa chọn này đã khiến anh có tích lũy lương cao nhất trong sự nghiệp.
Thái độ tích cực, lạc quan mở ra nhiều cơ hội cho Adcock khi còn ở độ tuổi 20. |
Bên cạnh công việc, bạn cần có suy nghĩ lạc quan cả trong những khía cạnh đời sống.
Theo vị triệu phú, thay vì tập trung quá nhiều vào những rủi ro, hãy mạnh dạn nói “có” khi còn đang ở độ tuổi 20 ngay cả khi chưa biết nên làm gì để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, bạn nên giữ thái độ tích cực, thoải mái thay vì quá nghiêm túc ở chốn công sở.
“Khi mới bắt đầu sự nghiệp, tôi nhanh chóng nhận thấy đa số đồng nghiệp và quản lý thích hợp tác với những người mang đến nguồn năng lượng lạc quan, vui tươi cho văn phòng. Từ khi học hỏi và rèn luyện thói quen này, tôi nhanh chóng có nhiều cơ hội phát triển hơn ở cả trong và ngoài công ty”, Adcock cho biết.
Phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ)
Trong nhiều năm, Adcock luôn tin rằng chỉ số thông minh (IQ) là yếu tố quyết định mọi thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Do đó, anh đã mất không ít thời gian nhằm cố gây ấn tượng với mọi người bằng sự hiểu biết nhiều lĩnh vực của mình.
Tuy nhiên, đến khi bắt đầu có những phát triển nhỏ trong công việc, anh nhận ra EQ mới thực sự là điều giúp mình tiến xa.
“Người có chỉ số trí tuệ cảm xúc cao thường tự nhận thức, sẵn sàng chịu trách nhiệm khi có sự cố thay vì đổ lỗi cho người khác.
Họ cũng dễ dàng điều hướng các tình huống phát sinh một cách bình tĩnh, đáp ứng nhu cầu của đa dạng kiểu khách hàng. Đồng thời, rèn luyện EQ cũng giúp tôi cải thiện khả năng giao tiếp, kết nối và thắt chặt mối quan hệ quan trọng”, Adcock khẳng định.
EQ mới thực sự là yếu tố làm nên thành công của Adcock. Ảnh: Steve Adcock. |
Kiên trì
Theo Steve Adcock, sai lầm của nhiều người trẻ là bám riết lấy quan điểm “không bao giờ bỏ cuộc”. Bởi quan trọng hơn cả, chúng ta cần xác định được thời điểm và cách từ bỏ lối đi sai. Nhờ đó, bạn mới tiếp tục theo đuổi ước mơ bằng cách phù hợp hơn.
Ngoài ra, trong hành trình sự nghiệp, Adcock thường xuyên gặp những vấn đề nghiêm trọng đến mức muốn buông xuôi tất cả.
Lúc này, anh làm theo lời khuyên của một cố vấn thân thiết: tập chấp nhận và lường trước sự thay đổi.
“Kiên trì là cách tôi xử lý mọi khó khăn. Thay vì cố thúc ép bản thân, tôi tập xác định giới hạn của mình và bình tĩnh, linh hoạt chuyển hướng hành động.
Nhờ vậy, hiếm thử thách nào đủ sức khiến tôi đầu hàng. Hãy nhớ rằng, bạn vẫn đủ sức chạm đến thành công, dù phải thay đổi chiến lược và mất nhiều thời gian hơn so với người khác”, anh nói thêm.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.